Dân Việt

Lượng mưa bao nhiêu thì Hà Nội lại ngập?

Nguyễn Bình 14/08/2022 14:39 GMT+7
Hệ thống thoát nước của Hà Nội chỉ chịu tải được những trận mưa vừa đến mưa to trong thời gian ngắn.

Đợt mưa ngày 12/8 đã khiến nhiều khu vực nội thành Hà Nội ngập sâu, hàng trăm ô tô, xe máy bị ngập nước, chết máy gây thiệt hại cho người dân. Mưa lớn là ngập úng, đã trở thành "điệp khúc" ở Thủ đô. 

Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội năm 2022, thành phố còn 11 điểm đen ngập úng, giảm 5 điểm so với năm 2020. Trong số đó, 8 điểm đã có dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoặc cải tạo thoát nước nhằm giải quyết tình trạng úng ngập đã kéo dài nhiều năm, gồm các phố: Hoa Bằng, Minh Khai, Nguyễn Khuyến, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Thụy Khuê (dốc La Pho), Cao Bá Quát, Vũ Trọng Phụng.

Còn 3/11 điểm úng ngập là: Đại lộ Thăng Long, Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư.

Lượng mưa bao nhiêu thì Hà Nội lại ngập?  - Ảnh 1.

Tuyến đường Duy Tân (Cầu Giấy) bị ngập nặng ngày 12/8. Nhiều phương tiện không thể đi qua khiến tuyến đường bị ùn tắc. Ảnh: Phạm Hưng.

Tuy nhiên, thực tế ghi nhận sau những trận mưa lớn kể từ đầu năm, thành phố xuất hiện nhiều điểm ngập úng mới ở các quận Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai. Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, hiện hệ thống thoát nước chịu tải được lượng lượng mưa nhỏ hơn hoặc bằng 50 mm/2 giờ. Khi mưa từ 50-100 mm/2 giờ sẽ có 11 điểm úng ngập cục bộ và khi mưa rất to trên 100 mm/2 giờ khoảng 50-70 khu vực úng ngập trên đường phố cũng như các khu dân cư, tùy độ lớn của các trận mưa.

Hệ thống thoát nước khu vực nội thành gồm 5.700 km cống, 254 km mương, sông, kênh, 125 hồ điều hòa, 10 trạm bơm thoát nước mưa chính và 5 nhà máy, trạm xử lý nước thải. Hệ thống này được chia thành 5 khu vực gồm: Tô Lịch, Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ, Hà Đông và Long Biên. Trong số này chỉ có khu vực sông Tô Lịch được đầu tư hoàn chỉnh.

Ở phía Nam, Tây Nam Hà Nội có rất nhiều làng, xóm ở lẫn với các đầm, hồ. Các hồ nước có chức năng điều hòa khí hậu, tích trữ nước, có vai trò điều tiết nước mưa, giảm ngập úng cho các khu đô thị. Song khi bước vào mùa mưa, có thể thấy chức năng của các hồ ở Hà Nội chưa được thể hiện rõ nét.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Từ năm 2010 đến nay, Hà Nội có tới 17 hồ bị san lấp hoàn toàn, trong khi chỉ bổ sung 7 hồ mới.

Đến năm 2015, các quận nội thành còn 112 hồ (giảm 10 hồ). Quận Đống Đa có nhiều ao hồ nhất (trên 30 hồ), nhưng chỉ trong 5 năm (2010-2015) đã có 4 hồ bị san lấp. Một số quận không thay đổi hiện trạng ao, hồ thì diện tích mặt nước cũng bị thu hẹp đáng kể. 

Cụ thể, quận Tây Hồ, nơi có diện tích mặt nước lớn nhất thành phố (chiếm 79% tổng diện tích mặt nước của Hà Nội) nhưng từ năm 2010 đến nay, diện tích mặt nước đã giảm hơn 28.000 m2. Hồ Tây trước đây rộng hơn 500 ha, nhưng sau khi kè (năm 2010) chỉ còn 460 ha. Từ 2.100 ha mặt nước, giờ chỉ còn 1.165 ha, tức là Thủ đô đã xoá sổ gần một nửa diện tích mặt nước.