Nghịch lý Hà Nội ngập: Dòng nước chảy ngược “trốn” khỏi trạm bơm tiêu thoát nước hơn 4.700 tỷ đồng

Văn Hoàng - Quang Minh Thứ tư, ngày 01/06/2022 08:15 AM (GMT+7)
Trong khi Hà Nội ngập do mưa lớn, theo ghi nhận của Phóng viên, Trạm bơm tiêu Tây Hà Nội với công suất 120m3/s hoạt động không hết công suất thì dòng nước ở đoạn kênh La Khê (Hà Đông, Hà Nội) lại đang chảy ngược như muốn "trốn" khỏi trạm bơm.
Bình luận 0

Cận cảnh trạm bơm tiêu thoát nước nghìn tỷ hoạt động cầm chừng do không đủ nước ở Hà Nội

Như báo điện tử Dân Việt đã thông tin, chỉ trong vòng một tuần Hà Nội xảy ra hai đợt ngập "lịch sử" khiến nhiều tuyến phố ở các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy và huyện Hoài Đức bị ngập sâu trong nước. Tuy nhiên, tạm bơm tiêu nước lớn nhất Đông Nam Á (Trạm bơm tiêu Tây Hà Nội) lại "khát nước" đến nỗi chưa một lần được vận hành hết công suất kể từ khi được hoàn thành đưa vào sử dụng.

Chia sẻ với phóng viên, chuyên gia về kiến trúc đô thị khẳng định Hà Nội ngập không phải là điều xa lạ, lịch sử đã nhiều lần ngập sâu, diện rộng hơn những lần gần đây. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần nhìn nhận việc ngập lụt ở góc độ quy hoạch.

Nghịch lý Hà Nội ngập: Dòng nước chảy ngược “trốn” khỏi trạm bơm nghìn tỷ đang “khát nước” - Ảnh 1.

Khi những điểm ở Hà Nội ngập trước đó nước đã rút xuống các kênh tiêu thoát để đến trạm bơm. Tuy nhiên, ở kênh La Khê nước không chảy về phía trạm bơm tiêu Tây Hà Nội mà chảy ngược lại về phía trung tâm quận Hà Đông. Ảnh: Văn Hoàng

Hà Nội ngập không phải là điều xa lạ

Chia sẻ với Phóng viên Báo điện tử Dân Việt chiều 31/5, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, người có nhiều nghiên cứu về vấn đề thoát nước và xử lý nước thải cho hay, trước khi mở rộng vào năm 2008, Hà Nội đã có một trận mưa lớn trên diện rộng, mưa ngập sâu, thời gian ngập kéo dài.

Nói về lịch sử ngập lụt ở Hà Nội, KTS Ánh cho biết từ những năm 70 của thế kỷ trước, Hà Nội nhiều nơi cũng bị ngập. Ngập úng là hệ quả của một quá trình đô thị hóa. 

Với một đô thị như Hà Nội, tình trạng này không phải là điều xa lạ. Tuy nhiên, đợt ngập năm 2008 đã báo hiệu cho một quá trình đô thị hóa quá mức của Hà Nội mà quên đi nhiệm vụ ban đầu là xây dựng một thành phố khô ráo, an toàn.

Bên cạnh đó, các khu vực khác của Hà Nội như khu vực Tả Hữu Nhuệ, Long Biên, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và các khu đô thị mới chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa nên vẫn còn tình trạng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn.

Nghịch lý Hà Nội ngập: Dòng nước chảy ngược “trốn” khỏi trạm bơm nghìn tỷ đang “khát nước” - Ảnh 3.

Theo KTS Trần Huy Ánh, Hà Nội ngập không phải là điều xa lạ. Ảnh: NVCC

Sau này, khi Hà Nội mở rộng nội thành, rất nhiều vùng trũng như mặt hồ nước, ao và phần bán ngập đã được san lấp. Những khu đô thị mới từ Linh Đàm đến Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy phần lớn là xây dựng đã lấp ruộng trũng, vì vậy tình trạng ngập úng ngày càng nghiêm trọng.

Trong khi đó, các đồ án quy hoạch phân khu lại chưa thể chỉ ra thông số kỹ thuật cụ thể để dự báo vị trí nào có nguy cơ ngập úng, dẫn đến chưa đảm bảo nhu cầu sống sạch sẽ, khô ráo cho người dân.

Được biết, để phục vụ mục tiêu thoát nước, từ năm 2005 đến nay, UBND TP.Hà Nội đã đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng vào các dự án thoát nước.

Trong đó, đáng chú ý là 3 dự án đã và đang triển khai với tổng số tiền hơn 19.000 tỉ đồng (có Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố Hà Nội). Chi cả chục nghìn tỷ đồng là vậy, nhưng việc thoát nước vẫn chủ yếu nhờ... tự chảy.

Về những giải pháp lâu dài nào để giải quyết bài toán ngập úng đô thị tại Hà Nội, KTS Trần Huy Ánh khẳng định "Có bao nhiêu thách thức thì có bấy nhiêu giải pháp. Bài toán ung ngập đô thị Hà Nội cũng chưa phải nan giải như Tp HCM khi gần biển triều cường đe dọa, cốt nền lại thấp hơn Hà Nội.

Những giải pháp bao gồm dài hạn và ngắn hạn, nhiều tiền và ít tiền , khu vực lớn và nhỏ , gần và xa , phân tán hay tập trung thoát nước tự nhiên dựa vào địa hình hay cưỡng bức với hệ thống truyền dẫn phức tạp/ thoát nước kết hợp trữ nước phòng mùa khô hạn…

Tùy theo từng khu vực hay công trình. Quan trọng là những người có trách nhiệm có muốn thực sự giải quyết hay chỉ vài câu qua quýt cho xong, hết mưa nắng vài hôm lại quyên nhiệm vụ , chuyển chú ý sang chuyện khác".

Nghịch lý Hà Nội ngập: Dòng nước chảy ngược “trốn” khỏi trạm bơm nghìn tỷ đang “khát nước” - Ảnh 5.

Một đoạn đường qua địa phận phường La Khê vẫn ngập nước ngay cạnh kênh La Khê dù nhiều nơi ở Hà Nội ngập trước đó nước đã rút. Ảnh: Văn Hoàng

Hà Nội ngập: Nếu làm tốt vấn đề quy hoạch sẽ tránh được tình trạng ngập lụt cục bộ

Bên lề phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách pháp luật kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm về giải pháp quy hoạch đô thị, tránh tình trạng cứ mưa là "phố cũng như sông" diễn ra thường xuyên ở Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng: "Việc ngập đường cũng đã thể hiện và dự tính trong quy hoạch rồi nhưng cũng phải có điều chỉnh quy hoạch, thậm chí là bổ sung và cải tiến những hạ tầng công trình giao thông đã thực hiện, có thể là nhiều năm sẽ xuống cấp vì trong quy hoạch có quy hoạch tổng thể, có quy hoạch chung của cấp quốc gia, cấp tỉnh, còn có cả quy hoạch chuyên ngành kĩ thuật".

Còn Đại biểu Võ Mạnh Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, hiện nay cứ mưa là ngập, ngay cả khi mưa chưa phải lớn lắm nhưng nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội đã ngập rất nặng.

Tình trạng ngập úng sau mưa không chỉ diễn ra tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM mà ngay cả các thành phố khu vực miền núi cũng gặp phải.

Nghịch lý Hà Nội ngập: Dòng nước chảy ngược “trốn” khỏi trạm bơm nghìn tỷ đang “khát nước” - Ảnh 6.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng hiện nay Hà Nội ngập ngay cả khi mưa chưa lớn lắm. Ảnh: QH

"Có thể do bài toán quy hoạch chưa đảm bảo, cần khắc phục ngay, thậm chí cần cả một cuộc cách mạng tổng thể về quy hoạch. Quy hoạch rồi, nhưng cũng cần xem đến việc thực hiện quy hoạch thế nào.

Nhiều địa phương đã làm quy hoạch nhưng quá trình thực hiện lại chưa tốt, chưa tôn trọng quy hoạch. Nếu làm tốt vấn đề quy hoạch sẽ tránh được tình trạng ngập lụt cục bộ, câu chuyện cứ mưa là ngập như hiện nay. Trận mưa ngày 29/5 tại Hà Nội đã cho thấy một ví dụ điển hình về ngập lụt, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, kể cả ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thành phố", Đại biểu Võ Mạnh Sơn cho biết thêm.

Dưới góc độ chuyên môn, theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng thực tế cứ mưa là ngập tại Hà Nội, hay TP.HCM diễn ra trong thời gian qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, phải nhìn lại toàn bộ hạ tầng ở các đô thị.

Nghịch lý Hà Nội ngập: Dòng nước chảy ngược “trốn” khỏi trạm bơm nghìn tỷ đang “khát nước” - Ảnh 7.

Nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngập sâu trong nước sau cơn mưa lớn. Ảnh: Dân Việt

Chia sẻ với Dân Việt, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà nói: "Cần có một dự án tiếp cận một cách tổng thể, xuất phát từ dự báo, quy hoạch tính toán để có một hạ tầng có thể chống chịu, thích ứng, phù hợp được. Thêm vào đó là các giải pháp kỹ thuật, sử dụng các giải pháp mang tính chủ động như các khu vực khi lũ lụt thì có khu vực để chứa nước trong thời điểm đó. Phải tạo ra một hệ thống hạ tầng, bao gồm cả hệ thống chứa nước ở các nơi giao thông, những khu ngập lụt lớn. Nhưng quan trọng nhất vẫn phải xuất phát từ thiết kế tổng thể hệ thống".

Trước đó, sáng 31/5, trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó giám đốc Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội cho biết: "Hiện nay trạm bơm và hệ thống kênh do Sở NPTNT Hà Nội và các đơn vị thủy lợi quản lý. Trận mưa vừa rồi cũng là trận mưa lịch sử, lượng nước quá công suất thiết kế của hệ thống thoát nước hiện nay dẫn đến ngập".

Ông Sơn kiến nghị: "Cần đẩy nhanh các dự án thoát nước đang triển khai để đảm bảo dự án phát huy được hiệu quả. Đối với các dự án đã triển khai cần sớm bàn giao để đưa vào khai thác, vận hành".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem