Trước kia, thu nhập chính của ông Phên đều dựa vào việc trồng dưa leo và chăn nuôi. Đến năm 2010, Hội Nông dân TP.HCM phát động chương trình chuyển đổi vật nuôi và cây trồng, ông Phên đã quyết định thử nghiệm mô hình trồng 500 cây hoa lan Mokara.
Hiện, ông Phên đang sở hữu vườn lan Mokara rộng 10.000m2 với số lượng lên đến 80.000 cây. Nói về kỹ thuật chăm sóc loại cây có hình dạng đặc biệt này, ông Phên cho biết: “Lan Mokara nhìn chung là loại cây dễ trồng, chỉ cần đảm bảo ánh sáng mặt trời, lượng nước. Đặc biệt, không để nước ngập gốc cây, nếu ngập cây sẽ bị rụng lá. Nhiều người trồng lan đã chịu thiệt hại nặng nề, phải bỏ nghề vì không thể cứu vãn các gốc lan. Vì vậy, kỹ năng quan trọng nhất người trồng lan cần học là cách chăm sóc hoa sao cho hoa có sức sống lâu bền”.
Vườn lan của ông Phên được trang bị hệ thống tưới nước tự động, có hệ thống nhà lưới tác dụng tản nhiệt và hạn chế ánh sáng trực tiếp. Ngoài ra, ông Phên còn dùng vỏ đậu và xơ dừa để làm giá thể trồng lan, việc này giúp cung cấp đạm và giữ độ ẩm cho cây, đồng thời giúp thoát nước nhanh, nước không bị đọng lại.
Ông Phên chia sẻ, ngày thường thì cắt cành để bán còn dịp tết thì thường đóng vào chậu 5 đến 6 cây. Hiện tại, vườn lan của ông đang cung cấp cho thị trường trên địa bàn TP.HCM và Long An.
Giá của mỗi cành lan Mokara bán ra khoảng 6.000 đồng/cành. Theo ông Phên, vừa qua, vì dịch Covid-19 nên ông đã phải chặt bỏ hàng ngàn cành lan vì thị trường bị chững lại. Nếu cây lan phát triển tốt và đầu ra, giá cả ổn định thì lợi nhuận mỗi năm ông thu về hơn 500 triệu đồng.
Ông Phên cho biết, trồng cây lan Mokara đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn, bình quân 100.000 đồng/gốc lan. “Hồi đó, nông dân làm gì có vốn, thấy vốn ban đầu bỏ ra hơi cao, tôi cũng sợ nhưng nhờ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên tôi mạnh dạn đầu tư”, ông Phên nói.
Ông đã vay 100.000.000 đồng theo Quyết định 655 của TP.HCM được hỗ trợ lãi suất 100%. Với số tiền này, ông Phên đã đầu tư cho cơ sở hạ tầng, hệ thống tưới tiêu, làm mát, giữ độ ẩm cho vườn lan.
Theo ông Phên, nếu thành công thì chỉ hơn 2 năm người trồng lan đã có thể thu hồi vốn trong khi vòng đời của cây lan Mokara lên tới 3 năm và người trồng có thể dùng ngay cây giống trong vườn để tái canh nên hiệu quả kinh tế từ mô hình này rất đáng kỳ vọng.
Ngoài ra, để nâng cao kỹ thuật chăm sóc cây lan Mokara, ông Phên còn được tạo điều kiện đi tập huấn về hoa lan do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức, tham gia các lớp học nghề ngắn hạn ở các trường nghề.
Năm 2021, ông Phên được tuyên dương là Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của TP.HCM giai đoạn 2017 - 2021. Ông là một trong những người tiên phong tình nguyện hiến gần 2.000 m2 đất nhà ở và vườn của mình để làm đường, xây dựng chương trình Nông thôn mới ở xã Thái Mỹ.