Dân Việt

Khai mở tiềm năng du lịch nông thôn: Phải cho du khách trải nghiệm làm nông nghiệp đúng nghĩa (bài cuối)

Khánh Nguyên (ghi) 16/08/2022 06:35 GMT+7
Theo ông Lê Đức Thịnh (ảnh) - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NNPTNT, cần làm rõ khái niệm về du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp để từ đó có đầu tư phù hợp, khai thác tốt các tiềm năng lợi thế.
Khai mở tiềm năng du lịch nông thôn (bài cuối): Làm rõ hơn khái niệm du lịch nông thôn - Ảnh 1.

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT)

Điểm cộng về phát triển du lịch

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng du lịch nông thôn của Việt Nam?

- Việt Nam là quốc gia có điểm cộng về phát triển du lịch, có nhiều cảnh quan đẹp, khác biệt theo vùng miền, tạo ra những sản phẩm về du lịch độc đáo. Với các vùng sinh thái khác nhau, Việt Nam có những sự khác biệt về văn hóa cảnh quan, ẩm thực, là điểm nhấn thu hút khách du lịch. Người dân, cộng đồng dân cư thân thiện cũng là một ưu thế giúp Việt Nam phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

2.500 tỷ đồng thực hiện chương trình du lịch nông thôn

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn lực thực hiện chương trình dự kiến khoảng 2.500 tỷ đồng. Mục tiêu của chương trình là phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù.

Ví dụ, tại vùng Trung du miền núi phía Bắc, đây là vùng đất đa văn hóa, với nhiều đặc trưng, sắc thái của 32 dân tộc cư trú xen kẽ, trong đó các dân tộc tiêu biểu, chiếm số lượng lớn là Thái, Mường, Mông, Dao, Tày, Nùng… có thể phát triển một số loại hình du lịch như: Du lịch cộng đồng gắn với tham quan, trải nghiệm các bản làng dân tộc thiểu số; du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hóa của các dân tộc vùng cao; du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm các lễ hội và văn hóa dân gian.

Tại vùng Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh, thành phố trong khu vực có nhiều thuận lợi trong phát triển du lịch nông thôn nhờ kết nối với trung tâm gửi khách Hà Nội. Đây là nơi gắn liền với các giá trị văn hóa, lúa nước, văn hóa làng xã Bắc Bộ và đã hình thành một số loại hình du lịch như: Du lịch nông thôn gắn với làng nghề truyền thống; du lịch nông thôn gắn với cảnh quan vùng nông thôn; du lịch nông nghiệp.

Khai mở tiềm năng du lịch nông thôn (bài cuối): Làm rõ hơn khái niệm du lịch nông thôn - Ảnh 3.

Mù Cang Chải (Yên Bái) trở thành điểm du lịch nông thôn nổi tiếng nhờ lúa chín. Ảnh: T.L

Tại vùng Bắc Trung Bộ sớm hình thành các loại hình như du lịch sinh thái; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch làng nghề thủ công truyền thống…

Bên cạnh đó, nhu cầu du lịch trong nước của người dân ngày càng cao do Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình, xuất hiện tầng lớp trung lưu có nhu cầu đi du lịch, nhu cầu tăng lên trong tương lai. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn.

Hệ thống hạ tầng, giao thông được cải thiện nhanh, giúp phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn thuận lợi. Chương trình phát triển du lịch nông thôn cũng được Chính phủ quan tâm, bằng việc ra quyết định phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Việt Nam cũng đã phát triển được 8.000 sản phẩm OCOP, đây là tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nông thôn.

Hiện cả nước có trên 1.300 khu, điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý, trong đó khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn.

Làm rõ khái niệm về du lịch nông thôn

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, du lịch nông thôn vẫn đang phát triển manh mún, tự phát. Theo ông, đâu là những hạn chế lớn nhất của du lịch nông thôn hiện nay?

- Theo tôi, hạn chế đầu tiên là khái niệm về du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa được làm rõ. Hiện nay, cơ bản mới là du lịch cảnh quan, du lịch nghỉ dưỡng chứ chưa phải là mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đúng nghĩa để đạt được mục tiêu tăng thêm và tích hợp thêm giá trị cho cộng đồng thì chưa được làm rõ.

Do đó, phải làm rõ du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng trong du lịch nông nghiệp, nông thôn là như thế nào. Nếu du lịch trải nghiệm thì phải tổ chức cho họ trải nghiệm cách làm nông nghiệp đúng nghĩa còn nếu chỉ thăm thú, thụ hưởng ẩm thực thì khác.

Theo tôi, ngay trong khái niệm cũng phải làm rõ, mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang đi theo hướng nào. Nếu là du lịch trải nghiệm thì mô hình làm nông nghiệp phải chuẩn chỉ, phải đảm bảo mô hình được người dân quan tâm, hoạt động sản xuất phải đảm bảo an toàn cho du khách.

Du lịch nghỉ dưỡng thì phải xác định nghỉ dưỡng trong nông nghiệp phải khác trong resort, khách sạn. Hiện, ở nhiều vùng xuất hiện loại hình homestay, nhưng homestay đúng nghĩa là du khách phải sống cùng, ăn cùng để trải nghiệm cuộc sống của người dân. Do chưa xác định được loại hình du lịch nông nghiệp nên chưa xây dựng được bộ tiêu chuẩn, xây dựng quy chuẩn tiêu chuẩn du lịch trải nghiệm.

Cái khó thứ hai là chưa xác định được sản phẩm du lịch, từ sản phẩm nông nghiệp biến thành sản phẩm du lịch phải có một quá trình, phải kết hợp yếu tố văn hóa chứ không phải một vùng có nhiều rau, nhiều trái đã trở thành sản phẩm du lịch. Ngoài ra, việc quy hoạch và xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch nông thôn chưa hài hòa.

Để khai thác tốt tiềm năng du lịch nông thôn, cần những giải pháp gì, thưa ông?

- Theo tôi, cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn; bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao năng lực cho lao động du lịch nông thôn. Trong đó, chú trọng các lớp tập huấn, các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng nghề và kỹ năng mềm phục vụ du lịch.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn như: Xây dựng ngân hàng hình ảnh, số hóa các thông tin, tài liệu về các điểm du lịch nông thôn...

Xin cảm ơn ông!