Dân Việt

Quảng Trị xin Bộ Nội vụ đặc cách tiếp nhận giáo viên dạy ở Lào trở về

Ngọc Vũ 16/08/2022 06:32 GMT+7
Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị vừa trình Bộ Nội vụ xin đồng ý cho tỉnh đặc cách tiếp nhận vào viên chức đối với 3 giáo viên giảng dạy tình nguyện ở Lào trở về.

Chiều 15/8, tại cuộc họp báo tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2022, ông Hoàng Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Sở Nội vụ tỉnh đã có tờ trình số 335 xin Bộ Nội vụ cho tỉnh đặc cách tiếp nhận vào viên chức với 3 giáo viên dạy học ở Lào trở về.

Quảng Trị xin Bộ Nội vụ đặc cách tiếp nhận giáo viên dạy ở Lào trở về - Ảnh 1.

Ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đang chờ ý kiến của Bộ Nội vụ rồi tỉnh Quảng Trị sẽ có phương án với 3 giáo viên dạy ở Lào trở về. Quan điểm của tỉnh là rất mong muốn thực hiện cam kết, tuyển dụng 3 giáo viên. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ông Nam cho biết, việc thực hiện đúng cam kết giữa UBND tỉnh Quảng Trị với 3 giáo viên là cần thiết. Tuy nhiên, vì vướng cơ chế chính sách nên chưa thực hiện được. Vì vậy, phải xin ý kiến và chờ Bộ Nội vụ trả lời, hướng dẫn.

Trước đó, Báo Dân Việt có 2 bài Giáo viên sang Lào dạy tình nguyện: Hy sinh tuổi xuân, lẽ nào nhận "kết đắng"? và Giáo viên sang Lào dạy tình nguyện trở về không được tuyển đặc cách: Không hợp cả lý lẫn tình?.

Hai bài viết phản ánh năm 2018, có 3 giáo viên ở Quảng Trị gồm: Phan Thị Thuỳ Dung (SN 1990, trú huyện Vĩnh Linh), Nguyễn Thị Ý Nhi (SN 1990, trú huyện Hải Lăng), Nguyễn Thị Thanh Thuỷ (SN 1996, trú huyện Vĩnh Linh) được UBND tỉnh Quảng Trị cử sang tỉnh Savannakhet (Lào) giảng dạy.

Các cô giáo sang Lào dựa trên quyết định số 10/2014/QĐ của UBND tỉnh Quảng Trị ký ngày 27/2/2014 (gọi là QĐ 10). QĐ 10 quy định, đối tượng được xét tuyển đặc cách là người được UBND tỉnh cử và đã hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy ít nhất 3 năm ở nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về nước.

Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet là đơn vị tiếp nhận, phân công các giáo viên đến dạy ở các trường học.

Khi các giáo viên đang miệt mài trên bục giảng thì dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp. Vì vậy, ngày 18/3/2020, Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet đã đưa 3 giáo viên trở về Quảng Trị.

Quảng Trị xin Bộ Nội vụ đặc cách tiếp nhận giáo viên dạy ở Lào trở về - Ảnh 3.

Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị xin Bộ Nội vụ cho tỉnh đặc cách tiếp nhận vào chức với 3 giáo viên. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ngày 19/1/2021, Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet có văn bản số 719 cho biết, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được khống chế, việc đi lại rất khó khăn do cửa khẩu 2 nước chưa thông quan, rất khó để tiếp nhận 3 giáo viên trên trở lại Lào dạy học.

Theo Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet, 3 giáo viên trên tham gia giảng dạy từ năm 2018, đến năm 2021 sẽ hoàn thành nghĩa vụ hợp tác quốc tế. Nhưng vì dịch bệnh, không thể tiếp tục giảng dạy nên Hội đã họp, đánh giá trong 2 năm học 2018-2019 và 2019-2020, 3 giáo viên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, đồng thời đề nghị tỉnh Quảng Trị xét tuyển đặc cách cho các cô. Tuy nhiên, từ đó đến nay 3 giáo viên trên vẫn chưa được tuyển dụng đặc cách.

Quảng Trị xin Bộ Nội vụ đặc cách tiếp nhận giáo viên dạy ở Lào trở về - Ảnh 4.

Bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, các cô giáo sang Lào dạy học đã chấp nhận gian khổ, cống hiến sức trẻ, tuổi thanh xuân để thực hiện nghĩa vụ do tỉnh cử đi. Vì vậy, các cô giáo rất đáng được quan tâm, tạo điều kiện tuyển dụng. Ảnh: H.A

Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị cho biết, trước đây theo Nghị định 29/2012 của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành và thực hiện QĐ 10. Tuy nhiên, thực hiện Nghị định 161/2018 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành QĐ 31 để thay thế QĐ 10. Hơn nữa, sau này còn có Nghị định 115/2020 của Chính phủ.

Chiếu theo các nghị định, quyết định trên, 3 cô giáo không thuộc đối tượng được tuyển đặc cách, mà phải tuyển bình thường.

Quảng Trị xin Bộ Nội vụ đặc cách tiếp nhận giáo viên dạy ở Lào trở về - Ảnh 5.

Năm 2018, dù có 2 con nhỏ 3 tuổi và 1,5 tuổi nhưng Phan Thị Thuỳ Dung (SN 1990, trú huyện Vĩnh Linh) vẫn quyết tâm thuyết phục chồng ở nhà cố gắng nuôi con để mình đăng ký sang Lào dạy học. Hơn 1,5 năm chờ đợi, Dung vẫn chưa được tuyển, đang thất nghiệp, phải làm nhiều nghề để kiếm sống. Ảnh: Ngọc Vũ.

Tuy nhiên, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị, nhiều luật sư và dư luận cho rằng, các giáo viên qua Lào là theo quyết định cử đi của UBND tỉnh, chấp nhận hy sinh tuổi thanh xuân để được hưởng chính sách ở QĐ 10. Bây giờ không cho các giáo viên hưởng chính sách theo QĐ 10 thì họ quá thiệt thòi, thiếu công bằng xã hội.

Tờ trình 335 của Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị gửi Bộ Nội vụ khẳng định, việc UBND tỉnh Quảng Trị cử 3 giáo viên sang dạy Tiếng Việt cho cán bộ, học sinh và con em người Việt Nam sinh sống tại 2 tỉnh Salavan và Savannakhet (Lào) là căn cứ thoả thuận giữa Đảng, Chính phủ 2 nước Việt Nam – Lào, nhằm tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị.