Vụ giáo viên sang Lào dạy 3 năm nhận thông báo "đắng lòng" khi trở về: Đã có phương án xử lý

Ngọc Vũ Thứ ba, ngày 21/07/2020 13:45 PM (GMT+7)
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã có kết luận phương án xử lý vụ giáo viên sang Lào dạy 3 năm nhận thông báo "đắng lòng" khi trở về.
Bình luận 0

Sáng 21/7, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc họp, bàn phương án xử lý việc các giáo viên tình nguyện dạy 3 năm ở Lào trở về gặp vướng mắc, chưa được đặc cách tuyển dụng.

Cuộc họp do ông Võ Văn Hưng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chủ trì, có sự tham gia của Sở GDĐT, Sở Nội vụ, các ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh.

Vụ giáo viên sang Lào dạy 3 năm nhận thông báo "đắng lòng" khi trở về: Đã có phương án xử lý - Ảnh 1.

Cuộc họp dưới sự chủ trì của ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị.

Bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, từ năm 2008-2020, có 35 giáo viên tình nguyện sang Lào giảng dạy. Trong đó, có 30 giáo viên đã hoàn thành nghĩa vụ dạy 3 năm ở Lào, đã tuyển dụng đặc cách 19 giáo viên, còn 11 giáo viên chưa được xét tuyển đặc cách.

5 giáo viên còn lại chưa hoàn thành 3 năm giảng dạy tại Lào, trong đó có 3 giáo viên đi từ năm 2018 (khi Quyết định số 31/2019/QĐ-UBND ngày 9/7/2019, gọi là QĐ 31, chưa có hiệu lực), 2 giáo viên đi sau khi QĐ 31 có hiệu lực.

Sở GDĐT tỉnh đề xuất, với những giáo viên đi trước khi QĐ 31 có hiệu lực (14 người), đề nghị UBND tỉnh cho cơ chế ưu tiên đặc cách tuyển dụng, thực hiện theo Quyết định số 10/2014/QĐ-UBND tỉnh Quảng Trị ký ngày 27/2/2014 (gọi là QĐ 10).

Trong thời gian tới, cần cho cơ chế tuyển trước, sau đó mới đi sang Lào, khi quay về các giáo viên đã nằm trong biên chế.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương đồng tình việc, cần phải thực hiện QĐ 10, đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên.

Vụ giáo viên sang Lào dạy 3 năm nhận thông báo "đắng lòng" khi trở về: Đã có phương án xử lý - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị kết luận, phải bảo đảm quyền lợi cho các giáo viên dạy ở Lào về.

Ông Hồ Ngọc An – Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị đề nghị tỉnh giao chỉ tiêu tuyển dụng, giáo viên ở địa phương nào tuyển dụng ở địa phương đó. Nếu địa phương đó không có chỉ tiêu thì được phép tuyển, điều đi địa phương khác.

Thời gian tới, khi tuyển dụng giáo viên qua Lào giảng dạy, Sở GDĐT cần xem xét cho giáo viên được hưởng bảo hiểm xã hội.

Ông Võ Văn Hưng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị kết luận, quan điểm là phải đảm bảo chế độ chính sách với các giáo viên dạy tình nguyện ở Lào trở về.

Ông Hưng khẳng định, cần đảm bảo quyền lợi, ứng xử công bằng, tạo thuận lợi cho 14 giáo viên (đi trước QĐ 31 – PV) đã hoàn thành nghĩa vụ 3 năm giảng dạy ở Lào nhưng chưa được tuyển dụng.

"Các em rất có tâm huyết, đã hy sinh bản thân mình, giảng dạy tích cực, hoàn thành nghĩa vụ ở Lào. Khi trở về, các em mong muốn cống hiến cho tỉnh. Vì vậy, giao Sở Nội vụ cùng Sở GDĐT và Văn phòng UBND tỉnh có văn bản tham mưu ngay trong chiều nay, để UBND tỉnh quyết định, trên tinh thần tuyển dụng với 14 giáo viên nói trên".

Ông Hưng cho biết, từ nay đến cuối năm 2020, phải ưu tiên tuyển dụng 11 giáo viên dạy từ Lào đã trở về.

Với 2 trường hợp còn lại (đi sau QĐ 31 có hiệu lực), ông Hưng giao Sở GDĐT và Sở Nội vụ có phương án, báo cáo UBND tỉnh có quyết định để giải quyết lâu dài. Nếu vượt thẩm quyền, UBND tỉnh sẽ trình, xin ý kiến HĐND tỉnh.

Vụ giáo viên sang Lào dạy 3 năm nhận thông báo "đắng lòng" khi trở về: Đã có phương án xử lý - Ảnh 3.

Cô Phạm Minh Hạnh (trái) và Phan Thị Thuỳ Trang vui mừng trước kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng.

Như Dân Việt đã đưa tin, nhiều giáo viên tình nguyện qua Lào dạy học, chấp nhận hy sinh tuổi thanh xuân, lên đường với niềm tin, khi trở về, họ sẽ được xét tuyển đặc cách theo QĐ 10.

Tại khoản 1, điều 16, QĐ 10 quy định: Đối tượng được xét tuyển đặc cách là người được UBND tỉnh cử và đã hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy ít nhất 3 năm ở nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào về nước.

Tuy nhiên, ngày 9/7/2019, UBND tỉnh Quảng Trị ra QĐ 31 để bãi bỏ QĐ 10. Theo QĐ 31, các giáo viên dù đã hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy 3 năm ở nước Lào, nhưng không được xét tuyển đặc cách.

Luật sư Trần Tuấn Anh - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật quy định: "Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó có hiệu lực".

Điều này có nghĩa, những giáo viên đã hoàn thành chương trình giảng dạy trước đó hoàn toàn có quyền được hưởng chế độ đặc cách khi xét tuyển theo QĐ 10. Việc bãi bỏ chính sách đặc cách xét tuyển này chỉ có hiệu lực áp dụng đối với những trường hợp giáo viên tự nguyện giảng dạy tại Lào sau khi QĐ 31 có hiệu lực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem