Mỗi ngày, cô giáo Lưu Thị H.Y. ở TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) phải vượt chặng đường gần 80 km bằng xe máy để dạy học tại Trường THCS Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh. Là giáo viên dạy Ngoại ngữ có thâm niên 23 năm nhưng mức lương của cô Y. hiện chỉ hơn 10 triệu đồng. “Sau khi trừ các khoản, tôi chỉ thu về được hơn 9 triệu trong khi vợ chồng chưa có nhà ở, phải đi thuê. Đồng lương còm cõi đó để nuôi các con ăn học trong thời buổi bão giá phải nói là “vật lộn”. Lắm lúc, buồn tủi quá tôi đã nghĩ tới chuyện bỏ nghề để đi tìm công việc khác có thu nhập tốt hơn”, cô Y. chia sẻ.
Hiện nay, để cuộc sống “dễ thở” hơn, ngoài giờ dạy học cô Y. phải nhận đơn đi ship hàng, mỗi đơn hàng chuyển đến tay khách cô được từ 15.000 -20.000 đồng. “Nếu chăm chỉ chạy ngày, chạy đêm, mỗi tháng cũng kiếm thêm được ít triệu. Tuy nhiên, vừa đi dạy vừa chạy ship hàng giữa trời nắng nóng, lắm hôm người mệt lả”, cô Y. kể.
Từng không chịu được mức lương quá thấp, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên Trường THPT Phan Đình Giót, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), bỏ nghề giáo sau 13 năm dạy học. “Cũng may mắn, có duyên nên thu nhập từ kinh doanh tháng đầu tiên của mình bằng cả 1 năm lương giáo viên. Mình chỉ luyến tiếc mái trường, các thế hệ học trò từng gắn bó chứ không ân hận khi rời ngành. Trong khi đó, anh trai vẫn gắn bó nghiệp cầm phấn đến nay năm thứ 22 mới chỉ có mức lương 8,2 triệu chi tiêu thiếu trước hụt sau”, cô Huyền nói.
Ðồng lương quá thấp
Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Nhật Hằng cho biết, trong hơn 1 năm, địa phương có 527 giáo viên nghỉ việc. Lý do là đồng lương quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Giáo viên nghỉ việc nhiều trong bối cảnh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thiếu giáo viên trầm trọng càng làm cho ngành giáo dục địa phương bối rối.
Ở các địa phương khác, dù Sở GDĐT không thống kê con số cụ thể nhưng cũng thừa nhận có tình trạng giáo viên bỏ nghề.
Bộ trưởng Bộ GDÐT Nguyễn Kim Sơn đã yêu cầu địa phương báo cáo tình trạng giáo viên nghỉ việc ồ ạt nhằm nắm bắt tình hình cũng như có giải pháp kịp thời trong bối cảnh thiếu giáo viên trầm trọng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tại Hà Nội, trong đại dịch Covid-19, nhiều tháng liền thất nghiệp, giáo viên mầm non ở khối trường dân lập đã tạo ra “làn sóng” dịch chuyển sang các ngành nghề khác để kiếm sống. Có người về quê không trở lại, người đi giúp việc, bán hàng, kinh doanh trực tuyến... Sở GDĐT Hà Nội thông tin: “Năm ngoái, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không có nguồn thu nên đời sống khó khăn. Nhiều người phải bỏ nghề, chuyển việc dẫn đến tình trạng nhiều cơ sở giáo dục mầm non phải giải thể hoặc đối diện nguy cơ giải thể”.
Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị, bà Nguyễn Thị Hương, nói rằng, năm học 2022-2023, địa phương thiếu hơn 500 giáo viên các cấp, nhưng đã được cho bổ sung biên chế 258 chỉ tiêu. Các năm học gần đây, địa phương không có tình trạng giáo viên bỏ việc, nhảy việc. “Một số địa phương phát triển, có nhiều cơ hội việc làm với mức lương hấp dẫn hơn nên có thể giáo viên có nhiều lựa chọn. Còn ở địa phương có mức sống vừa phải, mức lương hiện nay của nghề giáo không cao nhưng họ vẫn gắn bó. Giáo viên dạy hợp đồng thiệt thòi nhất vì mức lương rất thấp nhưng ít năm trở lại đây địa phương ưu tiên tuyển dụng những người đã gắn bó lâu năm nhằm đảm bảo quyền lợi”, bà Hương nói.
Quảng Trị thiếu hàng trăm giáo viên
Theo Sở GDÐT Quảng Trị, ngày 16/8, tỉnh đang thiếu 513 giáo viên ở tất cả các cấp học, trong đó, cấp tiểu học thiếu nhiều nhất, đặc biệt ở 2 môn Tin học và Tiếng Anh, ngoài ra còn thiếu nhiều giáo viên ở môn Mỹ thuật và Âm nhạc.
Năm học 2021-2022 vừa qua, do thiếu giáo viên nên việc dạy học ở 2 huyện miền núi Ðakrông và Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị gặp nhiều khó khăn. Một số điểm trường tiểu học tại Hướng Hóa, học sinh khối lớp 3, lớp 4 không được học môn Tiếng Anh.
Hữu Thành