Các cấp Hội vào cuộc mạnh mẽ
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, ông Hồ Gấm, khẳng định "Phong trào nông dân SXKDG" giai đoạn 2017-2022 của tỉnh đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực trong nông dân.
Phong trào đã tác động tích cực đến công tác giảm nghèo, tăng thêm hộ nông dân khá, giàu, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho nông dân.
PV: Thưa ông! Trong 5 năm qua, Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông đã có những hoạt động gì nhằm duy trì và phát triển phong trào nông dân SXKDG của tỉnh?
Ông Hồ Gấm- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông:
Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách lớn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giúp cho nông dân có nhiều thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành cụ thể hóa nhiều Chỉ thị, Nghị quyết phù hợp với địa phương tạo điều kiện cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tỉnh phát triển.
Trên cơ sở đó, 5 năm qua (2017-2022), Ban Thường vụ HND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, cụ thể hóa các nghị quyết, kế hoạch của các cấp về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để chỉ đạo, hướng dẫn nhằm duy trì và phát triển phong trào.
Đồng thời tổ chức ký kết và triển khai thực hiện các chương trình phối hợp với các sở, ngành có liên quan tạo điều kiện cho nông dân huy động nguồn vốn; tiếp cận khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.
Các cấp Hội tổ chức dạy nghề, hướng dẫn xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất, thành lập tổ hợp tác, chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp; phối hợp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, tuyên truyền các mô hình, điển hình tiên tiến để nông dân học tập và nhân rộng...
Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân về phong trào, các cấp Hội cũng có nhiều biện pháp hỗ trợ.
Cụ thể, trong 5 năm qua, Hội phối hợp tổ chức gần 600 lớp tập huấn khoa học, kỹ thuật, hàng chục hội thảo đầu bờ cho hơn 30 ngàn lượt người. Hội Nông dân tỉnh đã trực tiếp mở 30 lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm cây trồng, vật nuôi cho hơn 1.530 lượt người; mở 18 lớp dạy nghề ngắn hạn về bảo vệ thực vật, chăn nuôi cho 341 hội viên.
Bên cạnh, tỉnh Hội cũng phối hợp cung ứng một số giống, cây, con; hỗ trợ nông dân mua phân bón trả chậm các loại...
Về nguồn vốn sản xuất, giai đoạn 2017 - 2022, thông qua nguồn Quỹ Hỗ trợ nông (đến tháng 6/2022 đạt trên 54,139 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn TW 10,500 tỷ đồng; cấp tỉnh 21,740 tỷ đồng; cấp huyện, thành phố 21,899 tỷ đồng), Hội đã hỗ trợ cho 1.479 lượt hộ vay, phát triển trên 194 dự án giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hàng năm giữa, Hội nông dân và Ngân hàng CSXH tỉnh luôn có sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ trong thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác, cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã đạt được nhiều kết quả.
Phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT tỉnh ký kết văn bản Thỏa thuận liên ngành về việc tổ chức thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn... Với nguồn vốn vay, các cấp Hội thường xuyên giám sát chặt chẽ và hướng dẫn bà con sử dụng hiệu quả.
Ngoài ra, Hội cũng đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn đời sống và sản xuất...
PV: Thưa ông! Phong trào nông dân SXKDG trong 5 năm qua đã có tác động như thế nào đối với đời sống kinh tế- xã hội nói chung của tỉnh?
Ông Hồ Gấm- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông:
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có gần 104 ngàn lượt hộ hội viên nông dân đạt danh hiệu Nông dân SXKDG các cấp. Hàng năm, số hộ đạt danh hiệu này luôn vượt các chỉ tiêu đề ra.
Cùng với đó, chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao, ngày càng xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn đạt danh hiệu cấp trung ương.
So với giai đoạn 2012 - 2017, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm ngày càng nhiều. Một số địa phương có tỷ lệ hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG cao như: huyện Đắk R'lấp, huyện Đắk Glong, huyện Đắk Mil và TP.Gia Nghĩa.
Có thể khẳng định, phong trào NDSXKDG đã và đang ngày càng lan tỏa sâu rộng, có tác động rất tích cực đến mọi mặt của đời sống nhân dân nhất là đối với công tác giảm nghèo.
Phong trào đã tác động mạnh mẽ đến quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được tổ chức theo hướng xây dựng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) kiểu mới.
Các hộ SXKDG đã tích cực và đi đầu trong việc xây dựng và phát triển các hình thức kinh tế tập thể hình thành các THT, HTX. Đến nay toàn tỉnh có có 215 THT và 160 HTX nông nghiệp đang hoạt động.
Riêng Hội trực tiếp hướng dẫn thành lập là 79 THT, 59 Hợp tác xã và 74 chi Hội, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp. Hầu hết các THT, chi tổ Hội Nông dân nghề nghiệp hình thành xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, hướng tới sản xuất theo nhu cầu của thị trường, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Nhiều nông dân đã mạnh dạn ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng trang trại, gia trại, nông, lâm kết hợp và phát triển một số cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao.
Trong phong trào đã xuất hiện nhiều trang trại được khởi nghiệp và thành lập từ hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Phong trào SXKDG còn tác động đến chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Thông qua phong trào, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển từ sản xuất độc canh sang sản xuất, kinh doanh tổng hợp, liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; chuyển đổi nghề nghiệp sang làm dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp.
Nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con có giá trị kinh tế cao tại các huyện Đắk Song, Đắk Glong, Đắk Mil như cây hồ tiêu, cà phê ghép, chanh dây, nấm linh chi; nuôi các loại con mới như: hươu, nai, nhím, lợn rừng...
Điều đáng quý, trong 5 năm qua, phong trào nông dân thi đua SXKDG đã góp phần thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết giúp đỡ các hộ nghèo về vốn, giống, lao động, kỹ thuật.
Theo thống kê, giai đoạn 2017 – 2022, thông qua phong trào, các hộ khá, giàu đã giúp đỡ cho 7.387 lượt hộ nghèo, hộ khó khăn về vốn, giống, kỹ thuật, ngày công lao động.
Nhiều nông dân SXKDG đã trở thành hạt nhân đoàn kết, có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia tổ hòa giải ở cơ sở.
Ở huyện Tuy Đức, các hộ được giúp đỡ thoát nghèo bền vững nay trở thành những hộ tiên phong trong phong trào hiến đất, ủng hộ tiền. Có hộ như ông Lý Sở (xã Đắk Ngo) tự bỏ tiền ra làm cầu để người dân qua lại...
Đặc biệt, phong trào nông dân SXKDG góp phần xây dựng củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, nâng cao vai trò, vị thế của HND Việt Nam trong hệ thống chính trị trên địa bàn. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh kết nạp được trên 13.826 hội viên mới, nâng tổng số hội viên của tỉnh lên 61.202 hội viên.
Chất lượng hội viên được nâng lên, sinh hoạt ngày càng đi vào thực chất và nề nếp. Đến nay các cơ sở Hội được củng cố, kiện toàn, hoạt động khá, vững mạnh ngày càng tăng, không còn cơ sở yếu kém.
Qua phong trào, lực lượng cán bộ Hội các cấp trưởng thành và nâng cao về nhận thức cả về chính trị tư tưởng và sự hiểu biết về khoa học, kỹ thuật, năng lực về tuyên truyền vận động, tổ chức các phong trào. Nhiều cán bộ Hội nhanh chóng trưởng thành được tăng cường làm công tác Đảng, Chính quyền ở các cấp.
Như vậy, có thể khẳng định phong trào SXKDG đã đóng góp tích cực và quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
PV: Xin cảm ơn ông!