Vì sao lễ làm ma khô, đánh trống đồng cổ của dân tộc Lô Lô là kho báu cổ kéo dài hơn 2.000 năm?
"Mở cửa kho báu cổ" văn hóa dân tộc Lô Lô đen ở Cao Bằng, xem làm ma khô, đánh trống đồng
Thứ ba, ngày 16/08/2022 13:55 PM (GMT+7)
Hiện nay, kho báu văn hóa cổ xưa đặc sắc của dân tộc Lô Lô đen ở Cao Bằng - dân tộc thiểu số dưới 5.000 người được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước biết đến để trải nghiệm.
Điều gì đã khơi dậy văn hóa cổ từ nghìn năm trước của một dân tộc thiểu số ít người đã từng đứng trước nguy cơ bị mai một? Các bài viết sau sẽ giúp bạn đọc hiểu điều đó.
Bài 1: Văn hóa cổ người Lô Lô đen - gỡ rào cản để bảo tồn và phát huy
Hiện nay, dân tộc Lô Lô đen là một trong 6 dân tộc có dân số dưới 5.000 người, cư trú chủ yếu tại 2 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng. Tại Cao Bằng chỉ còn 3.172 người sinh sống tại 4 xã: Ðức Hạnh (Bảo Lâm), Cô Ba, Hồng Trị, Kim Cúc (Bảo Lạc).
Người Lô Lô đen vẫn giữ ngôn ngữ truyền khẩu riêng, nghi lễ, tín ngưỡng, lễ hội dân ca, dân vũ, không gian kiến trúc nhà sàn, trang phục, nghề thủ công..., đánh trống đồng cổ xưa lưu truyền từ hơn 2.000 năm.
Bảo tàng tỉnh có 15 cái trống đồng cổ, trong đó có 11 cái của người Lô Lô tìm thấy ở Bảo Lâm, Bảo Lạc, thuộc niên đại Ðông Sơn cách đây gần 2.000 năm, được xem là văn hóa vật thể có giá trị rất lớn, chứng minh cho người cổ sớm sinh sống có nền văn minh đồ đồng tại Cao Bằng.
Mặc dù dân tộc thiểu số Lô Lô đen ở Cao Bằng chỉ còn 3.172 người (chiếm 0,54% dân số toàn tỉnh), trong tổng số hơn 4.000 người (Cao Bằng và Hà Giang) nhưng lại gìn giữ văn hóa cổ xưa đặc sắc chỉ bằng ngôn ngữ riêng truyền khẩu. Vì thế trước năm 2010, kho báu văn hóa dân tộc (VHDT) Lô Lô đen khó có người chạm đến do rào cản ngôn ngữ riêng và đứng trước nguy cơ bị mai một bởi những tác động xã hội hiện đại.
"Kho báu" truyền khẩu-khoảng trống bảo tồn
Trước năm 2010, nhiều học giả, nhà nghiên cứu văn hóa đã ví "VHDT Lô Lô như kho báu cổ đồ sộ nhưng không dễ gì chạm tới". Vì sao khó chạm tới văn hóa cổ xưa của người Lô Lô đen? Chúng tôi hành trình vượt hơn 100 km đường núi đến Điểm du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon, dân tộc Lô Lô đen, xã Kim Cúc (Bảo Lạc) để tìm hiểu và may mắn có trong tay tư liệu nghiên cứu khá sâu về văn hóa Lô Lô đen từ trước năm 2010.
Chúng tôi đến nhà ông Chi Viết Hải, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Kim Cúc, người có uy tín. Ông Hải mời một số cụ cao niên trong xóm đến chơi và trải lòng kể về nỗi lo những năm trước (năm 2005 - 2015) chưa có hoạt động bảo tồn, VHDT Lô Lô trước nguy cơ mai một.
Từ xa xưa, người Lô Lô có chữ viết trên da thú và gỗ, ghi lại những bài hát cúng tế, nghi lễ của thầy cúng, câu truyện truyền thuyết, trường ca, làn điệu dân ca, dân vũ… nhưng đã mất dần, nếu còn thì không ai biết đọc. Đến nay, tất cả các kho tàng di sản văn hóa của người Lô Lô đen đều dùng ngôn ngữ riêng truyền khẩu.
Các bậc cao niên ví VHDT Lô Lô đen như kho báu cổ đồ sộ nếu không lưu giữ sẽ bị mai một. Rồi các cụ diễn xướng và giảng giải cho chúng tôi về thế giới quan, nhân sinh quan của người Lô Lô đen. Tương truyền từ khi có trời đất, con người thì cũng có lời ca, tiếng hát "mồ co, mể tề, tềnh tềnh ló mể khá - có trời, có đất đã có dân ca".
Ngày cưới, lễ mừng thọ, lễ đặt tên con, mừng nhà mới, trai gái tìm hiểu về tình yêu đôi lứa, người chết… cũng hát dân ca. Trong bản nhà nào cũng thờ thần "Nềnh" và cùng giữ tiếng trống đồng linh thiêng để gắn kết cộng đồng vững chắc.
Do vậy, người Lô Lô xưa quan niệm người chết tuy không còn sống với dân bản nhưng vẫn gắn kết linh hồn với mọi người, vì thế lễ làm "ma khô" cho người chết rất quan trọng. Thầy cúng đọc những bản trường ca dài 7 ngày đêm, kết hợp đánh trống đồng cặp đôi "trống đực và trống cái" với nhịp phách huyền diệu vang vọng khắp núi rừng để báo cho thần linh biết, dẫn dắt linh hồn người quá cố về với nơi sinh tụ đầu tiên của tổ tiên.
Khi thầy cúng cất lời hát đưa tiễn người chết, trống đồng đánh vang lên, người trong gia đình và bản làng cùng nhau nhảy múa theo nhịp trống rất uyển chuyển. Hiện nay, mỗi bản Lô Lô có khoảng 4 - 10 đôi trống đồng cổ, sau nghi lễ cúng "ma khô" đem chôn xuống đất (trống thiêng chỉ có trưởng tộc, trưởng bản biết), khi nào có đám tang làm "ma khô" lại đào lên dùng. Bởi vậy mà lưu giữ và sử dụng trống đồng cổ hàng nghìn năm người Lô Lô đen vẫn lưu truyền đến bây giờ.
Người Lô Lô đen có nhiều lễ hội độc đáo như lễ cầu mưa, lễ thờ thần đá "mề lồ pỉ"… là nghi thức gắn kết con người với thiên nhiên. Ngày lễ, thầy cúng thay mặt dân bản đọc bài hát tế dài nghìn câu (2 - 3 ngày) gửi lên thần linh, xin thần phù hộ cho bản làng; quy ước giữ rừng để đón Rồng thần về phun nước cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người người khỏe mạnh, hạnh phúc, sống lâu...
Đời sống tình cảm, tinh thần người Lô Lô đen rất phong phú, có bài trường ca tình yêu "lò mi fo" dài 2.000 câu hát về tình yêu dành cho các đôi nam nữ hát đối nhau vào các dịp hội chợ 30/3 hoặc 15/8 âm lịch hằng năm.
VHDT Lô Lô đen rất phong phú, đặc sắc nhưng chỉ khép trong cánh cửa ngôn ngữ truyền khẩu riêng và cuộc sống biệt lập trên núi cao. Những người già, thầy cúng thạo ngôn ngữ riêng, hiểu văn hóa cổ xưa nhưng họ lại không biết tiếng phổ thông để diễn giải cho mọi người hiểu, vì thế để chạm tới văn hóa cổ người Lô Lô rất khó và huyền bí. Khó vì ngôn ngữ truyền khẩu rất khó học và hiểu được, huyền bí bởi nhiều điều chưa lý giải được.
Ông Hải tuy là bậc cao tuổi, từng làm cán bộ Nhà nước lâu năm nhưng không biết nhiều ngôn ngữ của người Lô Lô đen. Ông Hải bộc bạch: Trong bản chỉ có người cao tuổi, thầy cúng biết nhiều tiếng Lô Lô cổ nhưng tuổi cao rồi chết, còn lớp trẻ sau này lớn lên đi học nói tiếng phổ thông nhiều hơn tiếng mẹ đẻ, ít học hát dân ca, hát nghi lễ… đã để lại khoảng trống về gìn giữ và phát huy văn hóa cổ người Lô Lô. Nếu không sớm có phương án bảo tồn hiệu quả thì kho báu cổ văn hóa người Lô Lô đen sẽ mai một và mất dần.
Những người tâm huyết gỡ rào cản
Mặc dù kho báu văn hóa cổ dân tộc Lô Lô đen có nhiều rào cản, nhưng từ trước năm 2010 vẫn có những người tâm huyết vượt qua mọi trở ngại để tìm hiểu, nghiên cứu. Sở dĩ chúng tôi có tư liệu về VHDT Lô Lô đen bởi may mắn được chị Quan Hồng Tiềm, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Lạc; ông Dương Tấn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bảo Lạc đưa cho. Trước đây cả hai ông, bà nguyên là cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Lâm đã tâm huyết khởi đầu tìm hiểu, nghiên cứu, bảo tồn VHDT Lô Lô đen.
Ông Dương Tấn cho biết: Năm 2005, trong chuyến đi công tác xóm Cà Mèn, Cà Đổng nơi dân tộc Lô Lô đen sinh sống tại xã Đức Hạnh (Bảo Lâm), tôi tình cờ dự lễ "ma khô" thấy bà con đánh trống đồng cổ và múa dân vũ rất hay đã cuốn hút tôi tìm hiểu, nghiên cứu VHDT Lô Lô đen.
Bước vào tìm hiểu rất khó bởi chữ viết người Lô Lô đã thất truyền trong lịch sử, vì công tác nghiên cứu gặp nhiều khó khăn về đi lại, đòi hỏi sự công phu, ngôn ngữ bất đồng…Đến năm 2008, tôi chuyển đề tài còn dang dở cho chị Quan Hồng Tiềm khi đó là cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, đang học Đại học Văn hóa.
Chị Tiềm chia sẻ: Khi nghe anh Dương Tấn nói về tâm huyết, nuối tiếc về đề tài nghiên cứu còn dang dở đã thôi thúc tôi vào cuộc. Ngày đó, từ trung tâm huyện đến xã Đức Hạnh mất cả ngày đường rừng, có khi cả tuần mới tìm hiểu được 1 - 2 bài dân ca, dân vũ.
Để được dự nghi lễ làm "ma khô" phải chờ đợi với tâm trạng "may cho người sống, rủi cho người chết", gặp gỡ thầy cúng… Khi có lễ làm "ma khô", tôi phải chở máy phát điện từ huyện vào xã, rồi nhờ bà con khiêng vượt 10 km đường núi đến bản để phục vụ nghi lễ và quay phim tư liệu… Năm 2010, tôi hoàn thành khóa luận bảo tồn, giữ gìn VHDT Lô Lô đen thi tốt nghiệp Đại học Văn hóa.
Mặc dù tôi chưa có điều kiện nâng tầm thành đề tài khoa học xứng tầm nhưng khóa luận của tôi được nhiều cơ quan báo chí biết đến, làm tư liệu tuyên truyền, quảng bá VHDT Lô Lô trên các phương tiện thông tin đại chúng.
May mắn hơn nữa, kho báu văn hóa cổ người Lô Lô đen có cơ hội vượt qua ngoài ranh giới quốc gia. Ông Chi Viết Hải kể: Tháng 6/2011, ngôi sao cầu thủ bóng bầu dục Federic Michalak, người Pháp vượt qua nửa vòng trái đất và sự khác biệt về điều kiện, bất đồng ngôn ngữ để hòa mình sống với dân bản người Lô Lô đen, cùng bà con đi cày, bừa, chặt tre, vầu be bờ ruộng, bắt lợn…
Anh có tình yêu đặc biệt với cuộc sống văn hóa cổ xưa của người Lô Lô đen, Federic Michalak đã thủ vai chính bộ phim ngắn ở Khuổi Khon đem về nước Pháp công chiếu đêm 1/11/2011 trên Đài Truyền hình nước Pháp.
Sau chuyến đi của Federic Michalak đến Khuổi Khon, văn hóa cổ xưa người Lô Lô đen được bạn bè trong và ngoài nước biết đến, thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm. Cũng từ đó, vấn đề nghiên cứu, bảo tồn và phát huy VHDT Lô Lô được các cấp, ngành quan tâm, mở dần cánh cửa kho báu văn hóa cổ người Lô Lô đen - Ông Hải cho biết thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.