Dân Việt

Bí thư Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh: "Chợ truyền thống cần thay đổi để cạnh tranh với các kênh bán lẻ"

Nha Mẫn 18/08/2022 18:43 GMT+7
Đó là đề nghị của ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai trong chuyến thị sát chợ truyền thống trong giai đoạn "bão giá".

Cần thay đổi chợ truyền thống

Ngày 18/8, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cùng đoàn công tác đã trực tiếp thị sát tình hình hoạt động của các chợ truyền thống trên địa bàn TP.Biên Hòa. Thời gian qua việc hoạt động các chợ trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn, các tiểu thương đều than phiền việc kinh doanh không còn thuận lợi. 

Bí thư Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh: "Chợ truyền thống cần thay đổi để cạnh tranh với các kênh bán lẻ" - Ảnh 1.

Ông Lĩnh động viên tinh thần các tiểu thương. Ảnh: H. Quân

Cụ thể, ông Lĩnh đã khảo sát tình hình cơ sở vật chất, hoạt động kinh doanh và trao đổi với ban quản lý, thăm hỏi, lắng nghe ý kiến của các tiểu thương kinh doanh tại nhiều chợ như Hóa An, Biên Hòa, Sặt và Tân Biên. Các tiểu thương cho biết, 2 năm vừa qua dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh, hoạt động của các chợ truyền thống. 

Hiện nay sức mua tại các chợ đều giảm mạnh, không đạt được như kỳ vọng. Nguyên nhân do hiện nay khắp nơi xuất hiện các mô hình kinh doanh, bán lẻ mới, hiện đại, các hình thức kinh doanh trực tuyến, giao hàng tận nơi,... 

Bà Nguyễn Thị An, tiểu thương chợ Biên Hoà nói rằng hai năm qua việc buôn bán gặp khó khăn, thời gian nghỉ dịch kéo dài nên gia đình bà bị hao hụt vốn. Bà An mong muốn nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ địa phương để có thể khôi phục kinh doanh. 

Bí thư Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh: "Chợ truyền thống cần thay đổi để cạnh tranh với các kênh bán lẻ" - Ảnh 2.

Tiểu thương chợ Biên Hoà gặp nhiều khó khăn sau dịch Covid-19. Ảnh: Tuệ Mẫn

Trước chia sẻ của tiểu thương, ông Lĩnh đã động viên các tiểu thương cố gắng khắc phục khó khăn, buôn bán thuận lợi. Ngoài ra, ông Lĩnh cũng đề nghị các chợ cần nỗ lực thay đổi để thu hút người tiêu dùng, nâng cao sức cạnh tranh với các mô hình bán lẻ khác. 

Trong đó, cần phát triển các chợ theo hướng văn minh, văn hóa, đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác an toàn phòng chống cháy nổ, giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải ở các chợ… 

"Hàng hoá trong chợ cần đảm bảo chất lượng nhất là các loại nông sản, thực phẩm. Trước khi cho hàng vào chợ, Ban quản lý cần kiểm tra kỹ nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng để đảm bảo an toàn cho người dân. Đặc biệt đối với những trường hợp vi phạm kinh doanh thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc cần xử lý nghiêm", ông Lĩnh nhấn mạnh.