Cụ thể, theo một cán bộ Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang, mỗi năm chị Đông Nghi thu lợi khoảng 2 tỷ đồng từ tiền bán các sản phẩm và làm du lịch từ việc nuôi dê sữa.
Thật khó ngờ, lọt thỏm giữa mênh mông vườn cây ăn trái ở xã Tam Hiệp lại xuất hiện một nông trại nuôi dê sữa đẹp như tranh vẽ. Cảm giác ban đầu của đoàn du khách chúng tôi là một nông trại nuôi dê sạch bong từ chuồng trại đến dê nuôi. Và đặc biệt không mùi hôi.
Từng dãy chuồng nuôi dê được thiết kế theo lối chuồng sàn trong khá đẹp mắt, thoáng mát. Khung chuồng nuôi dê được làm bằng gỗ khá chắc chắn. Chuồng có hệ thống dẫn nước thải vào hầm biogas; xử lý phân hạn chế mùi hôi nhằm bảo vệ môi trường…
Để đàn dê phát triển toàn dіện, nông trại còn thiết kế một khoảng sân chơi cho dê con, hướng đến lối chăn nuôi phúc lợi động vật.
Theo chị Đông Nghi, khởi nghiệp nuôi dê chị nuôi dê thịt. Tuy nhiên, giá dê thịt khá bấp bênh, nên vài năm nay chị chuyển hẳn sang nuôi dê sữa khi phát hiện giá sữa dê khá tốt và ổn định hơn.
"Nuôi dê sữa khá dễ. Chủ yếu dê chỉ bị viêm vú", chị Đông Nghi nhận xét.
Clip: Phó Chủ tịch BCH TƯ Hội NDVN Cao Xuân Thu Vân đến thăm nông trại nuôi dê sữa của chị Lê Khắc Đông Nghi (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Clip: Trần Đáng
Theo đó, dê cái nuôi khoảng 1,5 năm cho phối giống. Dê mang thai 5 tháng sinh con. Sau 2 tháng để dê mẹ nuôi con, người nuôi sẽ dứt sữa cho dê con và khai thác sữa dê mẹ. Chu kỳ lấy sữa dê kéo dài 6 tháng. Dê mẹ cho trung bình 1,5l sữa/ngày. Vòng đời khai thác sữa của dê cái 5-7 năm.
Trong khi dê mẹ mang thai người nuôi cung cấp đầy đủ chế độ dinh dưỡng từ thức ăn và thuốc dưỡng thai. Bên cạnh đó, bổ sung canxi và vitamin bột.
Trong 3 ngày đầu dê mẹ sinh dê con, chị Đông Nghi tiêm thuốc sắt để bổ máu. Nếu dê con không được khỏe mạnh sẽ tiêm thêm canxi và thuốc bổ. Khoảng 1 tháng đầu dê con được cho ra sân chơi. Khoảng tháng thứ hai dê con được cho lên chuồng nuôi.
Để tạo thức ăn cho dê, chị Đông Nghi dùng khoảng 2ha đất trồng cây ăn trái và trồng cỏ đủ cung cấp thức ăn cho dê. Bên cạnh đó, chị Đông Nghi còn bổ sung thức ăn công nghiệp để sữa dê đủ chất dinh dưỡng cần thiết.
Buổi sáng, đàn dê được cho uống nước cám và ăn rơm. Buổi chiều, dê sẽ được cho ăn cỏ và cám công nghiệp.
"Mỗi ngày, tôi mất khoảng 2 giờ chăm sóc đàn dê. Một mình tôi lo hết cả đàn", chị Đông Nghi thổ lộ.
Hiện, nông trại nuôi dê sữa có khoảng 300 con dê giống Saanen. Đây là giống dê sữa cao sản bậc nhất thế giới. Mỗi ngày trại dê của chị Đông Nghi thu hơn 100l sữa dê.
Ngoài làm sữa tươi thanh trùng, chị Đông Nghi còn chế biến sữa thành các sản phẩm, như: Sữa bột, bánh flan, yaourt, yaourt trái cây,… Các sản phẩm được chế biến từ sữa dê này đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Tiền Giang.
Không chỉ sản xuất, kinh doanh sữa dê, bán dê giống, chị Đông Nghi còn khai thác du lịch trải nghiệm. Theo chị Đông Nghi, chị đã liên kết với Khu du lịch Điền Lan Thôn Trang tổ chức đưa và đón khách du lịch theo tour trải nghiệm.
Đến với nông trại nuôi dê sữa, du khách sẽ được tham quan trại dê, tìm hiểu giống dê, hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng dê, chụp ảnh lưu niệm và thưởng thức các sản phẩm từ sữa dê.
Theo chị Kim Nữ, một người dân ở TP.Mỹ Tho, vào dịp cuối tuần khá đông du khách, nhất là trẻ em đến tham quan và trải nghiệm cách thức nuôi dê sữa tại HTX Nông nghiệp Đông Nghi.
Vừa qua, sau khi trải nghiệm nông trại nuôi dê sữa của chị Đông Nghi, Phó Chủ tịch BCH TƯ Hội NDVN Cao Xuân Thu Vân đánh giá cao cách sản xuất, chế biến sản phẩm từ sữa dê, cũng như tổ chức hoạt động du lịch trải nghiệm của nông trại này.
Theo Phó Chủ tịch BCH TƯ Hội NDVN Cao Xuân Thu Vân, xem và nghe qua cách chế biến các sản phẩm từ sữa dê của nông trại cho thấy hàm lượng khoa học trong sản phẩm khá cao.
"Tôi tin rằng, bà con nông dân sẽ tiếp tục cải tiến để thỏa mãn người tiêu dùng, và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để có nguồn thu nhập tốt hơn", Phó Chủ tịch BCH TƯ Hội NDVN chia sẻ.