Nhằm triển khai các nội dung của Nghị định thư về xuất khẩu sẩu riêng từ Việt Nam sang Trung Quốc, từ ngày 12/8/2022, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc tổ chức kiểm tra trực tuyến đối với các vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng tại Việt Nam.
Đây là những vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được phía Việt Nam đề xuất trước khi ký Nghị định thư và được phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra, đánh giá hồ sơ.
Ngày 17/8, "mục sở thị" một phòng kiểm tra trực tuyến của Hải quan Trung Quốc với các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam tại trụ sở Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), chúng tôi thấy không khí làm việc vô cùng nghiêm túc, phía Hải quan Trung Quốc liên tục đưa ra những câu hỏi liên quan đến việc canh tác, chăm sóc sầu riêng.
Tại từng vườn sầu riêng, cán bộ kỹ thuật phải có máy quay quay cận cảnh từng cây một để cán bộ Hải quan Trung Quốc theo dõi qua zoom.
Là người được kiểm tra cuối cùng tại một phòng kiểm tra trực tuyến, vườn sầu riêng của doanh nghiệp ông Nguyễn Thanh Phong ở xã Tân Hưng, Hớn Quản, Bình Phước được cán bộ Hải quan Trung Quốc đánh giá rất cao, gần như đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của phía Trung Quốc đưa ra.
Được biết, đây là vườn sầu riêng rộng 12ha với khoảng 2.400 cây của Công ty Chánh Thu, đã có sản phẩm xuất đi Mỹ, Úc, Nhật Bản,… Ông Phong là cán bộ kỹ thuật phụ trách vườn cây.
Vừa kết thúc buổi kiểm tra với những lời khen có cánh của cán bộ Hải quan Trung Quốc dành cho vườn sầu riêng của Chánh Thu, ông Nguyễn Thanh Phong cho chúng tôi biết, các cán bộ Hải quan Trung Quốc kiểm tra rất kỹ, dù là trực tuyến nhưng soi kỹ đến từng gốc sầu riêng.
Chia sẻ bí quyết để đạt được độ tín nhiệm cao của các cán bộ hải quan Trung Quốc, ông Phong cho biết: "Các nhà vườn, cơ sở đóng gói cần nghiên cứu thật kỹ các quy định của Nghị định thư và hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật, trong quá trình diễn giải phải đảm bảo sự logic, quan trọng là phải làm thật với chất lượng thật. Như vườn sầu riêng này của Chánh Thu đã đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu đi Mỹ, Nhật Bản, sầu riêng từ vườn này đã được cấp đông để xuất khẩu nên chúng tôi hoàn toàn tự tin", ông Phong nói.
Ông Phong cho biết, do làm bài bản từ trước nên hệ thống cơ sở hạ tầng, kho bãi của trang trại đã có sẵn, áp dụng quy trình canh tác an toàn, bài bản nên đáp ứng được các tiêu chí của Hải quan Trung Quốc.
Cũng theo ông Phong, ở trang trại của Chánh Thu, mô hình kinh tế tuần hoàn được áp dụng triệt để. Theo đó, toàn bộ vỏ sầu riêng sau chế biến được xử lý nấm để làm thành phân hữu cơ.
"Nhờ đó, chúng tôi tiết kiệm được đáng kể lượng phân bón, lại đảm bảo vệ sinh môi trường", ông Phong nói.
Cũng theo ông Phong, quá trình đánh giá của Hải quan Trung Quốc với các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam hoàn toàn bình thường, cũng giống như các thị trường khác.
"Bản thân mình phải làm tốt trước, nếu làm tốt thì không có thị trường nào đáng ngại", ông Phong khẳng định sau cuộc sát hạch để chính thức được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc.