Viết tiếp câu chuyện "Những người giữ sử tháng Tám" chúng tôi gặp ông Nguyễn Tiến Hà, Phó Trưởng ban thường trực Ban liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu tại một căn hộ ở chung cư cao tầng trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội.
Bước sang tuổi 96 với 75 năm tuổi Đảng, hàng ngày ông Hà vẫn luyện tập bơi lội, lướt Facebook, đọc báo…. món ăn tinh thần không thể thiếu. Lời nói của ông dõng dạc, tinh nhanh. Từng câu chữ được ông sắp xếp như được lập trình sẵn trong tâm trí. Qua lời kể của thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, không khí ngày 2/9/1945 vẫn còn vẹn nguyên.
Ký ức đặc biệt ngày Quốc khánh 2/9 qua nhân chứng lịch sử. Clip: Gia Khiêm
Là một trong những người đầu tiên tham gia Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, ông Hà kể, từ khoảng hơn 1.000 người, con số ấy dần xa vắng theo năm tháng, đến nay chỉ còn 38 người liên lạc được, trong đó có 12 nữ, 26 nam. Tất cả các ông bà năm nay đều đã ngoài 90 tuổi.
Trong đó có Đại tướng Nguyễn Quyết vừa tròn 100 tuổi, nguyên là Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong câu chuyện với PV Dân Việt, ông Hà kể, vào những năm 1944 – 1945, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc chịu nhiều tầng áp bức, bóc lột diễn ra hàng ngày. Đặc biệt nạn đói năm ấy khiến hàng triệu người chết đói.
"Hồi đó tôi đang là thanh niên ở nhà mình nhìn ra phố Bạch Mai thấy cảnh tượng người chết đói nằm như ngả rạ, xe bò chuyên chất xác người, gom đưa xuống nghĩa trang. Cảnh tượng thê thảm như thế khiến tôi sục sôi. Tôi nghĩ mình cần làm gì đó góp sức giải phóng dân tộc. Nếu cảnh này còn tiếp diễn rồi lần lượt sẽ đến người thân của mình sẽ chết, mình cũng sẽ điêu đứng. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kêu gọi 'đem sức ta giải phóng cho ta chứ không dựa vào lực lượng nào'. Vì thế, chúng tôi háo hức tham gia các hoạt động đoàn thể, làm được việc gì đó để cứu nước thoát khỏi cơn bĩ cực này", ông Hà nhớ lại.
Thời điểm trước Cách mạng tháng Tám, khi chưa có Chính quyền, theo ông Hà, Đoàn thanh niên là lực lượng chủ chốt canh gác bảo vệ các tổ chức hoạt động, họp hành, bảo vệ tránh nạn cướp bóc xảy ra với nhân dân. Một nhiệm vụ quan trọng nữa có Đoàn thanh niên lúc bấy giờ đó là đi vào sâu quần chúng để giải thích cho quần chúng nhân dân hiểu rõ tôn chỉ mục đích của Mặt trận Việt Minh, chống đói. Ngoài ra, ông còn tham gia diệt giặc dốt khi là giáo viên dạy chữ Quốc ngữ, làm nhiệm vụ bí mật vận động người dân tham gia cách mạng.
Ông Hà chia sẻ, lực lượng Đoàn thanh niên có nhiệm vụ vận động nhân dân tham gia buổi lễ ngày 2/9. Khi đó, không khí, tâm trạng của người dân Hà Nội đều sục sôi như một bó đuốc đang rực cháy. Bởi, ai cũng nóng lòng đi dự xem đất nước sẽ có chuyển biến thế nào. Và, nhân dân cũng muốn biết người lãnh đạo đất nước – Hồ Chí Minh ra sao.
"Ngày 2/9/1945, lần đầu tiên tôi được gặp bác Hồ. Ngày đó, tôi đi cùng hàng trăm người, Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu khi ấy là lực lượng nòng cốt vận động người dân tham gia. Chúng tôi háo hức được xem Chính phủ lâm thời, nhất là được xem lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là ai.
Ban đầu trong tâm trí, tôi nghĩ Bác là người quắc thước, cao to, ăn mặc lịch sự nhưng mọi người đều bất ngờ khi có một cụ già bước ra, ngoại hình gầy gò, gian khổ mặc quần áo kaki vàng đã cũ. Tôi rất xúc động vì cảm nhận được rằng Nguyễn Ái Quốc là người bôn ba, gian khổ. Tuy nhiên, tiếng nói lại sang sảng, mọi người đều hướng về", ông Hà hồi ức lại.
Theo lời kể của những cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, trong ngày đặc biệt đó, người dân đến tham gia buổi lễ không phải chỉ ở khu vực nội hay ngoại thành Hà Nội mà còn ở nhiều nơi khác như ở Hoài Đức, Gia Lâm, Bắc Ninh, Hà Nam… đến theo chỉ thị của Xứ uỷ Bắc Kỳ. Tứ phía, người dân đổ về Hà Nội, số lượng lên đến hàng chục vạn người.
Ông Hà kể tiếp: "14 giờ ngày 2/9, buổi lễ được dự kiến bắt đầu, nhưng ô tô của phái đoàn Chính phủ và Bác Hồ đi chậm 25 phút vì phải đi qua dòng người phủ kín các ngả đường. Đang đọc Bản Tuyên ngôn độc lập thì lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cất tiếng 'Tôi nói đồng bào nghe rõ không?', lúc này mọi người cùng đồng thanh hô 'rõ rõ', cho đến bây giờ nghĩ lại tôi vẫn xúc động khi giữa lãnh tụ và nhân dân gần gũi như thế.
Trước đó, chưa bao giờ thực dân Pháp hỏi với người dân như thế, chúng nói ra bắt mọi người phải nghe theo với giọng quát tháo. Còn đây Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rất tình cảm như người trong gia đình rất gần gũi, nói để nhân dân nghe rõ. Đó là sự cảm xúc, điều chưa từng có. Nghe Người nói rất ân cần, thấm thía cảm động lắm".
Ông Hà bảo, không khí Hà Nội khi ấy trong nhân dân tự hào thấy mình được tự do, tự do dương cao ngọn cờ đỏ sao vàng. Tuyên ngôn độc lập thấm thía vào nhân dân, chuyển sang nước độc lập, có chủ quyền ngang hàng với thế giới. Mọi người phấn khởi trao đổi về cách mạng, xây dựng đất nước công khai không phải lén lút như thời Pháp thuộc. Có Chính phủ lâm thời đứng ra giải quyết công việc ông thấy nhiệm vụ cứu nước của mình nặng nề hơn.
Nhìn lại quá khứ và kết nối đến hiện tại có thể thấy, 77 năm đã qua, những bài học về Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 vẫn còn nguyên giá trị. Đó là giá trị về tinh thần yêu nước, ý chí tinh thần luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Ý chí quật cường ấy đến nay vẫn được thế hệ trẻ Thủ đô tiếp nối.
"Giờ nghĩ lại lứa tuổi ngày ấy đã hoàn thành nhiệm vụ góp công góp sức giải phóng đất nước, sau Cách mạng tháng Tám tiếp tục chống Pháp, chống Mỹ đã hoàn thành thống nhất đất nước. Cũng như Bác từng nói trong ngày tiếp quản Hà Nội rằng 'Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước'. Tôi mong các lớp thế hệ trẻ bây giờ phải đưa đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh hơn, nhất là thanh niên là lứa tuổi đi đầu, phải dựa vào trí tuệ của mình", ông Hà nói thêm.
Tháng 10/2021, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Ông Hà bảo có được vinh dự đó là là cống hiến, hi sinh của những đồng đội đã khuất và những người đang còn sống để tiếp tục phát huy truyền thống Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9!
Còn tiếp!