Theo ông Mã Thế Anh – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trong năm 2020 – 2021 đã khiến mọi sinh hoạt ngừng trệ, ảnh hưởng nhiều đến sáng tạo nghệ thuật và gây khó khăn cho toàn xã hội. Tuy nhiên, với niềm đam mê sáng tạo, hăng say lao động, nhiệt huyết sức trẻ cùng sự cố gắng vượt lên bản thân, các nghệ sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc trẻ Việt Nam đã thoát khỏi sự ảnh hưởng để có những hướng đi, quan niệm trong lao động, sáng tạo nghệ thuật trước khó khăn và thuận lợi của xã hội.
Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 6 chính thức phát động từ ngày 20/1 đến hết ngày 1/6/2022 đã nhận được 512 tác phẩm của 216 tác giả gửi về dự thi. Trong đó, Hội đồng nghệ thuật đã chọn ra 28 tác phẩm để trao giải, gồm 3 giải Nhất, 6 giải Nhì, 9 giải Ba và 10 giải Khuyến khích.
3 giải Nhất thuộc thể loại đồ họa, điêu khắc và hội họa: "Lặp" của tác giả Phạm Thùy Dương (Hà Nội), "Lũ thượng nguồn 2" của tác giả Trần Đình Thắng (TP. Hồ Chí Minh) và "Tâm" của tác giả Lâm Tú Trân (TP. Hồ Chí Minh).
Ông Mã Thế Anh nhận định rằng, Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 6 nhằm góp phần tôn vinh và giới thiệu các tác phẩm mới của các tác giả trẻ. Đây là sự kiện phản ánh trung thực diện mạo sáng tác, quan điểm nghệ thuật, xu hướng sáng tạo mới của các nghệ sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc trẻ. Các tác phẩm đoạt giải đa phần vẫn thuộc các lĩnh vực sáng tạo: hội họa, điêu khắc, đồ họa; lĩnh vực sáng tạo mới như video art, sắp đặt ít giải hơn.
Tuy nhiên, nhìn chung, Festival Mỹ thuật trẻ lần này phong phú về ý tưởng, đa dạng hình thức biểu hiện, mang hơi thở của thời đại, thể hiện sự quan tâm của giới trẻ đến các vấn đề nóng hổi trong đời sống, đặc biệt là môi trường.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 6 cho rằng, các tác phẩm tham gia Festival lần này có ngôn ngữ đương đại, đề cập đến những vấn đề toàn cầu, đặc biệt là vấn đề môi trường. Tuy nhiên, giới sáng tạo trẻ vẫn còn mang ngôn ngữ rất "già", người trẻ nói chuyện cũ.
"Người trẻ bây giờ rất già, nhiều người nói chuyện cũ, chưa tìm được lối nói chuyện của đương thời. Chúng tôi chia sẻ với tâm thế sáng tạo của người trẻ. Băn khoăn với thời cuộc, với nghệ thuật là quyền chính đáng của con người. Nhưng cũng vì thế mà chúng tôi rất khó để đánh giá mỹ thuật trẻ đang ở đâu, đang như thế nào", họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ sự kiện, Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 6 đã phối hợp tổ chức trưng bày 126 tác phẩm/bộ tác phẩm của 102 tác giả. Các tác phẩm trưng bày thể hiện sự đa dạng trong sáng tác của các nghệ sĩ trẻ bằng nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như: hội họa, đồ họa, điêu khắc, sắp đặt, video art... Các tác phẩm được trưng bày đến hết ngày 28/8/2022.
Festival Mỹ thuật trẻ là sân chơi dành cho các nghệ sỹ từ 18 đến 35 tuổi, là công dân Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Các nghệ sỹ sáng tác đề tài tự do, khuyến khích tác phẩm có tính nhân văn, hướng thiện, phản ánh tích cực đời sống xã hội và có tính thẩm mỹ cao. Tác phẩm có thể tham gia ở nhiều loại hình: Hội họa, đồ họa, tượng hoặc khối biểu tượng, phù điêu, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật hình ảnh và các hình thức nghệ thuật đương đại khác.
Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 6 năm 2022 là dịp tôn vinh, công bố, giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật mới của các nghệ sĩ trẻ tới công chúng, là hoạt động ý nghĩa sau thời gian dịch bệnh Covid-19, để công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu, thưởng thức những tác phẩm tiêu biểu của các nghệ sĩ trẻ.
Ngoài ra, Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 6 năm 2022 cũng là hoạt động nghệ thuật giúp các nhà quản lý nghệ thuật và xã hội có cái nhìn cụ thể hơn nữa về mỹ thuật và nguồn lực mỹ thuật, trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0).
Danh sách các tác phẩm đoạt giải:
STT | TÁC PHẨM | THỂ LOẠI | TÁC GIẢ | ĐỊA CHỈ |
GIẢI NHẤT | ||||
1 | Lặp | Đồ họa | Phạm Thùy Dương | Hà Nội |
2 | Lũ thượng nguồn 2 | Điêu khắc | Trần Đình Thắng | TP. HCM |
3 | Tâm | Hội họa | Lâm Tú Trân | TP. HCM |
GIẢI NHÌ | ||||
1 | Cứa sắt | Hội họa | Vũ Hoàng | Hà Nội |
2 | Phiêu du | Điêu khắc | Lê Hoàng Phi Hùng | TP. HCM |
3
| Vô sinh | Video art | Nguyễn Hoàng Minh Khôi | TP. HCM |
|
|
| Nguyễn Việt Trinh |
|
|
|
| Nguyễn Thanh Tùng |
|
4 | Khủng hoảng | Đồ họa | Trần Hương Mai | Hà Nội |
5 | Người trên cao | Hội họa | Cao Văn Thúc | Hà Nội |
6 | Hoài Thu | Hội họa | Nguyễn Văn Tuấn | Hà Nội |
GIẢI BA | ||||
1 | Góc nhìn | Hội họa | Trần Thị Thu Hạnh | TP. HCM |
2 | Luân chuyển | Điêu khắc | Nguyễn Ngọc Long | Bắc Ninh |
3 | Hoài niệm | Hội họa | Nguyễn Phước Nhật | TP. HCM |
4 | Vũ điệu 2 | Điêu khắc | Phạm Đình Tuấn | TP. HCM |
5 | Chiều Sủng Là | Hội họa | Lô Quang Thưởng | Hà Giang |
6 | Trói | Nghệ thuật sắp đặt | Trịnh Thu Vân | Hà Nội |
7 | Vô danh | Hội họa | Nguyễn Anh Nguyên | Hà Nội |
8 | Sống | Điêu khắc | Ngô Thành Hoàng Giang | Hà Nội |
9 | Gọi | Hội họa | Nguyễn Thanh Thủy | Hà Nội |
GIẢI KHUYẾN KHÍCH | ||||
1 | Chaos | Đồ họa | Trần Mỹ Anh | Hà Nội |
2 | Bác sĩ | Hội họa | Nguyễn Việt Cường | TP. HCM |
| Neo đơn |
|
|
|
3 | Nơi ánh sáng không tắt | Hội họa | Vàng Hải Hưng | Hà Nội |
4 | Hương | Hội họa | Lê Thị Quế Hương | TP. HCM |
5 | Sos | Hội họa | Vương Lê | An Giang |
6 | Những ô cửa | Hội họa | Nguyễn Hải Nam | TP. HCM |
7 | Hoài niệm | Hội họa | Bùi Minh Nhật | TP. HCM |
8 | Sau ngày cưới | Đồ họa | Phạm Thị Phương | TP. HCM |
9 | Hành trình | Điêu khắc | Lê Trọng Thanh | Hà Nội |
10 | Hợp nhất | Hội họa | Nguyễn Thanh Thủy | Hà Nội |