Sáng 20/8, trao đổi với PV báo Dân Việt, cô Nguyễn Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường mầm non Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, thông tin: "Ngay sau khi sự việc xảy ra, cô Trương Thị L. đã có đơn xin nghỉ dạy vài ngày để giải quyết việc gia đình chứ không phải nhà trường tạm dừng công tác. Nhà trường cũng không có quyền đình chỉ công tác đối với cô giáo".
Cô Huyền cho biết, bản thân cô và giáo viên trong trường không khỏi ngỡ ngàng về vụ việc đang là chủ đề bàn tán suốt 2 ngày qua. "Cô L. sinh năm 1976, là giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm, vào nghề từ năm 1995. Cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được phụ huynh và đồng nghiệp yêu quý. Nhà trường rất tiếc về vụ việc", cô Huyền nhận xét.
Trước đó, chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kiến Xương cho hay, chính quyền đã yêu cầu ban giám hiệu Trường mầm non Thanh Nê xác minh, kiểm chứng và báo cáo về những ồn ào trên mạng xã hội liên quan đến một cô giáo của trường. Theo bà Tuyến, hiện nay những thông tin về đoạn tin nhắn gây ồn ào mạng xã hội mới chỉ là thông tin trên mạng, chưa được kiểm chứng nên không chính thống, phía gia đình cũng chưa phản ánh sự việc gì với nhà trường hay chính quyền.
Trước đó, mạng xã hội xôn xao thông tin về nội dung tin nhắn được cho là của cô L. với một người đàn ông đã có vợ con, và chính người vợ chụp ảnh đăng tải toàn bộ nội dung nhắn tin của cô L.
Nội dung đoạn chat được cho là của nữ giáo viên L. chủ động gửi hình ảnh nhạy cảm cho người kia, nhờ mua cho mình món lòng xào dưa...
Liên quan đến vụ việc, TS. Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: "Giáo viên cũng là một người trong xã hội và việc đầu tiên cô giáo phải làm là tuân thủ pháp luật. Những ai vi phạm tiêu chuẩn đạo đức, pháp luật sẽ bị lên án, xử lý. Đây là câu chuyện của tất cả mọi người chứ không chỉ riêng nghề giáo".
Nói về hành động của cô giáo liệu có tác động đến tâm lý học sinh hay không, bà Hương cho hay: "Nghề giáo cần có chuẩn mực đạo đức. Trong trường hợp này nếu sự việc có thật thì các em là bậc mầm non nên không bị ảnh hưởng quả lớn. Tuy nhiên, đây không phải lý do để tha thứ cho hành vi của cô nếu đúng như những gì mạng xã hội đã đăng tải".
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho hay, nếu cô giáo mầm non có hành vi ngoại tình, vi phạm đạo đức lối sống thì cần phải có mức xử lý kỷ luật nghiêm khắc.
"Trong xã hội có nhiều nghề nghiệp, mỗi nghề lại có những đặc thù khác nhau. Trong đó, nghề sư phạm là một trong những nghềề đặc thù, thường được cả xã hội tôn kính và các thầy cô giáo đòi hỏi phải là tấm gương sáng cho những học sinh noi theo.
Tiêu chuẩn để một người trở thành người thầy, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục không chỉ có chuyên môn phù hợp mà phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, là con người có chuẩn mực đạo đức, gương mẫu, biết ứng xử có văn hóa.
Theo quy định của pháp luật, hiện nay quy định 4 tiêu chuẩn chung về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của giáo viên. Các tiêu chí đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống ở trên sẽ là cơ sở để giáo viên tự đánh giá phẩm chất, năng lực; xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện phẩm chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn. Ngoài ra đây cũng là các tiêu chí để các cơ sở giáo dục đánh giá năng lực của giáo viên nhằm mục đích bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên đáp ứng mục tiêu giáo dục của nhà trường", luật sư Cường nói.