Dân Việt

Điều ít biết về người “giữ lửa” nghề chế tác vàng bạc thủ công lớn nhất Thủ đô

Kim Duyên 22/08/2022 07:00 GMT+7
Đằng sau những chi tiết tỉ mỉ trên từng sản phẩm đậu bạc vẫn lấp lánh nét tinh hoa, tài nghệ và cả những khao khát “giữ lửa” của người nghệ nhân làng Định Công (Hà Nội).

Người "giữ lửa" nghề đậu bạc Định Công. Thực hiện: Kim Duyên.

Về "thủ phủ" nghề đậu bạc xưa, đi dọc phố Định Công, những xưởng đậu bạc ngày xưa đã không còn, thay vào đó là những hàng quán, cửa hiệu khang trang mọc lên san sát. Nhưng chúng tôi hỏi thăm về dòng họ Quách và những nghệ nhân đậu bạc truyền thống thì không hề khó.

Điều ít biết về người “giữ lửa” nghề chế tác vàng bạc lớn nhất Thủ đô  - Ảnh 2.

Góc làm việc tại nhà của nghệ nhân đậu bạc Định Công. Ảnh: Kim Duyên.

Có lẽ cái tên và những gương mặt ấy đã quá quen thuộc với người dân Định Công bởi cả làng kim hoàn giờ chỉ còn 2 gia đình theo nghề đậu bạc truyền thống. Họ không chỉ giữ gìn tinh hoa ông cha truyền lại mà các thế hệ trong gia đình đều có tình yêu nghề, sự gắn bó sâu sắc để sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì nghề truyền thống.

Một đời gắn bó, nửa đời gây dựng

Nói đến nghệ nhân có tâm huyết gìn giữ nghề đậu bạc truyền thống đất Thăng Long, chắc hẳn không thể không kể đến nghệ nhân Quách Văn Trường. 

Mở cửa, đón chúng tôi là một cụ ông đã ngoài 80 tuổi, không phải nói chúng tôi cũng nhận ra đây đúng là người mà mình cần tìm. Dù tuổi đã cao nhưng nghệ nhân Quách Văn Trường vẫn rất minh mẫn, ông vẫn nhớ như in những câu chuyện từ thời ông cha về nghề đậu bạc của gia đình …

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề đậu bạc, nghệ nhân Quách Văn Trường đã tiếp xúc và phụ nghề từ năm 10 tuổi, năm 17 tuổi đã là thợ cả. 

Trở về từ chiến trường năm 1971, ông Trường mang trong mình nhiều vết thương do bom đạn. 

Điều ít biết về người “giữ lửa” nghề chế tác vàng bạc lớn nhất Thủ đô  - Ảnh 3.

Nghệ nhân Quách Văn Trường, người "giữ lửa" nghề chế tác vàng bạc lớn nhất Thủ đô. Ảnh: Kim Duyên.

Để gìn giữ và phát triển hơn nữa làng nghề truyền thống mà cha ông để lại, ông bắt đầu đưa ra thị trường sản phẩm vàng bạc tham khảo, sau đó kết hợp với các ý tưởng của mình sản xuất ra các sản phẩm vô cùng độc đáo và tinh xảo. Các sản phẩm làm ra luôn được khách hàng đón nhận và vô cùng yêu thích.

Một cơ duyên đã bất ngờ đến vào năm 1983, nghệ nhân Quách Văn Trường nhớ lại, ông được Ban tổ chức một Festival quốc tế diễn ra tại Liên Xô (cũ) liên hệ đặt làm sản phẩm hoa bướm cài  áo để làm quà lưu niệm. 

Từ đó nhiều người biết đến sản phẩm đậu bạc Định Công hơn, các đơn hàng "chảy" về nhiều hơn, dù chưa đủ để làng trở lại thời thịnh vượng xưa kia.

Ông đã truyền nghề cho những người thân, con em trong làng có nhu cầu muốn học nghề, làm cơ sở sản xuất. 

Nhớ lại những ngày đầu tìm người để "truyền lửa" nghề truyền thống, ông Trường cho biết, khi ông mở lớp, chỉ có hơn 20 viên xin học nghề. 

Qua một thời gian, số học viên giảm dần, vì để theo được nghề là cả một quá trình gian nan, cần đến nhiều yếu tố, không chỉ ở đôi bàn tay. 

Người thợ đậu bạc cần có óc sáng tạo phong phú, tâm hồn của một người nghệ sĩ đích thực. Đó chính là những yếu tố quan trọng để trở thành một nghệ nhân giỏi.

Điều ít biết về người “giữ lửa” nghề chế tác vàng bạc lớn nhất Thủ đô  - Ảnh 3.

Tác phẩm "Rồng vàng" của nghệ nhân Quách Văn Trường. Ảnh: Kim Duyên.

Giờ đây, khi sức khỏe không còn cho phép người thợ nghề tiếp tục với hành trình "truyền lửa" người nghệ nhân 80 tuổi vẫn tự hào: "Nghề đậu bạc được các thế hệ trẻ kế tục là một điều rất đáng trân trọng".

Từ điều không thể, biến thành đam mê

Với những tâm huyết mà nghệ nhân Quách Văn Trường dành cho nghề truyền thống, dù đã là cử nhân của trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhưng anh Quách Phan Tuấn Anh - con trai ông Trường vẫn rẽ ngang quyết định theo nghề đậu bạc gia truyền.

Tính đến nay đã hơn 20 năm anh Tuấn Anh theo nghề đậu bạc truyền thống, thế nhưng anh vẫn nhớ rõ câu trả lời khi lần đầu tiên, được bố hỏi có theo nghề không. 

Anh chia sẻ: "Mình đã trả lời dứt khoát rằng, không thể làm được, không thể ngồi chỗ này được vì nó quá tỉ mỉ so với tính cách của mình. Thế nhưng cho đến giờ, thực sự mình đã bị nghề lôi cuốn, bất cứ lúc nào mình cũng có thể ngồi làm để cho ra những mẫu sản phẩm mới".

Điều ít biết về người “giữ lửa” nghề chế tác vàng bạc lớn nhất Thủ đô  - Ảnh 4.

Anh Quách Phan Tuấn Anh vẫn luôn nghiên cứu để cho ra thi thị trường những sản phẩm mới, bắt kịp xu hướng. Ảnh: Kim Duyên.

Sinh ra trong gia đình có nghề thống, được làm quen với công việc của người thợ kim hoàn từ nhỏ, nhưng để có thể trở thành một người thợ giỏi là cả một quá trình gian nan. 

"Những ngày đầu học nghề, làm nghề, khó khăn cả trong chế tác lẫn tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhưng mình may mắn được sinh ra trong làng nghề và 4 năm học kinh tế giúp mình nhìn thấy cơ hội, thị trường phát triển "nghề quý" của gia đình", anh Quách Phan Tuấn Anh chia sẻ.

Chỉ khi tới tận xưởng nơi anh Tuấn Anh làm việc, trực tiếp nhìn anh tỉ mỉ se chỉ, ghép từng chi tiết, chúng tôi mới thấy hết sự vất vả của người thợ đậu bạc. 

Nhờ có đôi tay léo và óc thẩm mỹ, sản phẩm đậu bạc của anh được người tiêu dùng ưa chuộng, một số tác phẩm được trưng bày tại các triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ.

Điều ít biết về người “giữ lửa” nghề chế tác vàng bạc lớn nhất Thủ đô  - Ảnh 5.

Một số sản phẩm đậu bạc được trưng bày tại nhà riêng của nghệ nhân Phan Văn Trường, Ảnh: Kim Duyên.

Năm 2007, nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh trở thành đại diện duy nhất của nghề kim hoàn Việt Nam dự chương trình trao đổi văn hóa do Chính phủ Hàn Quốc tổ chức. 

Tại cuộc thi sáng tác mẫu quà tặng thủ công mỹ nghệ chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010), sản phẩm Trâu vàng của anh cũng được trao giải "Sản phẩm thủ công tinh xảo".

Nhìn lại quãng đường đã qua, anh Tuấn Anh cho hay, sản phẩm đậu bạc đang có "đất" phát triển. 

Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khắp trong Nam ngoài Bắc biết đến sản phẩm của anh, đã tìm đến đặt hàng để làm quà tặng cho khách hàng, đối tác, người thân… ở trong nước và cả nước ngoài.