Hà Nội đề xuất phân lô, tách thửa tối thiểu 30m2: Nhà “siêu mỏng” sẽ không còn?

Thái Nguyễn Thứ bảy, ngày 20/08/2022 16:07 PM (GMT+7)
UBND TP.Hà Nội vừa hoàn thành dự thảo quy định về điều kiện tách, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất. Quy định này kỳ vọng sẽ góp phần hạn chế tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo gây mất an toàn và ảnh hưởng xấu tới mỹ quan của thành phố.
Bình luận 0

Quy định phân lô, tách thửa đất tối thiểu 30m2 tại khu vực trung tâm

Căn cứ theo dự thảo "Điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn TP.Hà Nội", tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, điều kiện phân lô, tách thửa đất tối thiểu 30m2. Trong khi đó, tại thị xã Sơn Tây và 8 quận còn lại là Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Tây Hồ) không được nhỏ hơn 40m2.

Hà Nội đề xuất phân lô, tách thửa đất là biện pháp triệt tiêu nhà "siêu mỏng, siêu méo" (Video: Thái Nguyễn)

Cùng với đề xuất tách thửa đất tối thiểu 30m2 tại nội đô, các thửa đất được hình thành từ việc phân lô, tách thửa phải có chiều dài (chiều sâu) so với chỉ giới xây dựng từ 4m trở lên và có chiều rộng cạnh tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu (hoặc mô tả trên hồ sơ) từ 3m trở lên đối với khu vực các phường, thị trấn; từ 4m trở lên đối với khu vực các xã vùng đồng bằng; từ 5m trở lên đối với khu vực các xã vùng trung du và miền núi.

Nhiều năm qua, trên địa bàn thủ đô Hà Nội tồn tại và phát sinh hàng trăm công trình nhà ở được xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện về kích thước, hình dạng hay còn được gọi là công trình "siêu mỏng, siêu méo".

Đặc biệt, tuyến đường Trường Chinh có rất nhiều nhà "siêu mỏng, siêu méo". Nhiều ngôi nhà có chiều sâu còn chưa được 1m hay những ngôi nhà có hình thù "méo mó" rất mất mỹ quan đô thị.

Quy định phân lô, tách thửa đất tối thiểu 30m2 tại nội đô hạn chế tình trạng nhà "siêu mỏng" (Ảnh: Thái Nguyễn)

Quy định phân lô, tách thửa đất tối thiểu 30m2 tại nội đô hạn chế tình trạng nhà "siêu mỏng" (Ảnh: Thái Nguyễn)

Bà Loan (có địa chỉ phố Trường Chinh, quận Đống Đa) cho biết trên khu vực đường Trường Chinh hay dọc tuyến đường Đại La, Minh Khai có rất nhiều ngôi nhà nhỏ, hẹp như vậy. Những ngôi nhà này tồn tại rất lâu rồi, có nhiều nhà họ đóng cửa để vậy nhưng nhiều nhà vẫn được sử dụng làm kho chứa hàng, thậm chí là nhà ở.

"Khu vực này những nhà kiểu đó rất nhiều. Nhiều nhà ngoài mặt đường mà thậm chí ai đi qua không nhìn kỹ thì còn không biết có nhà ở khu vực đó", bà Loan chia sẻ.

Tính đến thời điểm hiện tại, theo số liệu tổng hợp báo cáo của Sở Xây dựng, toàn TP vẫn còn 130 công trình dạng này tồn tại, phát sinh từ giai đoạn sau năm 2005 và trước 2019 vẫn chưa thể xử lý. Đây không phải là vấn đề mới và cũng đã được dư luận đề cập đến như một căn bệnh nan y trong quá trình đô thị hóa, nhưng cho đến nay cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa tìm ra được giải pháp hữu hiệu để giải quyết triệt để vấn nạn này.

Tách thửa đất tối thiểu 30m2 ngăn chặn nhà "siêu mỏng"?

Theo một số chuyên gia bất động sản, sở dĩ vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo tại các thành phố lớn là bởi rất khó để hợp thửa, hợp khối các diện tích đất quá nhỏ còn lại sau giải phóng mặt bằng. Không ít gia đình muốn giữ lại phần đất nhỏ sau khi bị cắt xén để kinh doanh, nhất là khi mảnh đất đó được ra mặt đường. Cũng có nhiều trường hợp không muốn hợp thửa, hợp khối vì không đủ điều kiện tài chính để mua lại mảnh đất còn lại của hộ liền kề do giá đất lúc đó đã tăng cao.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản nhận định việc chia quá nhỏ các lô đất, làm tăng mật độ dân số, gây sức ép lên hạ tầng đô thị. Do đó, việc quy định phân lô tách thửa đất tối thiểu 30m2 trong 4 quận nội thành là giải pháp khả thi.

"Việc dự thảo quy định phân lô, tách thửa như vậy cũng sẽ hạn chế được những ngôi nhà mỏng, hình thù méo mó, nhà quá nhỏ giống như đang có tại nhiều khu vực ở nội thành Hà Nội, làm xấu cảnh quan đô thị", ông Đính cho biết.

Ngăn chặn những ngôi nhà "siêu mỏng, siêu méo" gây mất mỹ quan đô thị (Ảnh: Thái Nguyễn)

Ngăn chặn những ngôi nhà "siêu mỏng, siêu méo" gây mất mỹ quan đô thị. (Ảnh: Thái Nguyễn)

Đồng thời, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản cho rằng quy định phân lô, tách thửa góp phần làm hạ nhiệt thị trường bất động sản đất nền vùng ven luôn tiềm ẩn những cơn sốt. Đơn cử, cơn sốt đất nền ngoại thành Hà Nội lắng xuống khá nhanh sau khi thành phố dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục phân lô, tách thửa đối với những thửa đất không phải toàn bộ là đất ở.

Thời gian qua, tình trạng nhiều nhà đầu tư đi thu gom đất ở khu vực ngoại thành Hà Nội rồi chia nhỏ thửa đất để bán kiếm lời thời gian qua đã góp phần khiến giá đất ở các khu vực tăng chóng mặt. Đồng thời, hoạt động chia nhỏ thửa đất mang tính tự phát này đã gây khó khăn cho công tác quy hoạch của các địa phương và đem lại nhiều rủi ro cho nhà đầu tư khi thửa đất dính phải quy hoạch.

Với tình trạng phân lô, tách thửa bán nền xảy ra tràn lan ở nhiều nơi, Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến vấn đề chia tách thửa đối với thửa đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp nằm trong cùng thửa đất; thửa đất phi nông nghiệp không phải đất ở. Chỉ tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa, hợp thửa đối với đất ở (toàn bộ diện tích thửa đất là đất ở) đảm bảo đủ điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành kiểm tra, rà soát và báo cáo về tình hình phân lô, chia tách thửa đất để xây dựng hạ tầng từ ngày 01/01/2017 đến hết ngày 31/01/2022 đối với các thửa đất có diện tích lớn hơn 500 m2.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem