Nhiều vựa ở khu vực tỉnh Tiền Giang cho biết, giá mít Thái hôm nay 23/8 tăng từ 1.000-3.000 đồng/kg so với hôm qua. Theo đó, đa số các vựa mua mít Kem lớn (hoặc mít Nhất) với giá từ 24.000 - 25.000 đồng/kg, còn mít Kem nhỏ (mít Nhì) từ 13.000 - 14.000 đồng/kg.
Cụ thể, vựa Thành 88 ở xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè, Tiền Giang báo giá, mua mít Kem lớn 24.000 đồng/kg, còn mít Kem nhỏ 13.000 đồng/kg.
Vựa Phú Tân ở xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cũng báo giá mua mít Kem lớn 24.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ 13.000 đồng/kg.
Riêng vựa trái cây 001, xã Tân Hưng, huyện Cái Bè mua cao hơn mức giá trên 1.000 đồng/kg, tức mua mua mít Nhất 25.000 đồng/kg, mít Nhì 14.000 đồng/kg.
Cũng tại Tiền Giang, các thương lái vào vườn mua mít Kem lớn từ 22.000 - 23.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ 11.000 - 12.000 đồng/kg.
Tại Sóc Trăng, Long An, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang và TP.Cần Thơ, một số vựa lớn cho hay, giá mít Thái hôm nay 23/8 đã tăng từ 1.000-3.000 đồng/kg so với hôm qua.
Hiện các vựa mua mít Kem lớn 23.000- 24.000 đồng/kg, giá mít Kem nhỏ 12.000 - 13.000 đồng/kg, các thương lái vào vườn mua mít Kem lớn 21.000 - 22.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ 10.000 - 11.000 đồng/kg.
Hiện mít Ba được phía vựa mua 8.000 đồng/kg (bằng với mít chợ loại 1 được mua tại vựa), còn thương lái mua 6.000 đồng/kg (bằng với mít chợ loại 2 được mua tại vựa).
Đối với mùa mưa, mít Thái xơ đen xảy ra rất nhiều, nếu không ngăn ngừa sớm sẽ dẫn đến việc thiệt hại nặng về năng suất. Để ngừa mít Thái xơ đen, theo nhiều hộ dân ở ĐBSCL có nhiều cách, tuy nhiên cơ bản có 3 cách cơ bản.
Cách đầu tiên bón vôi cải tạo đất, hạ phèn, ổn định độ PH trước và sau khi làm bông mít Thái. Theo đa số người dân có kinh nghiệm trồng mít Thái, đây là bước vô cùng quan trọng, quyết định đến việc ngừa xơ đen có thành công hay không.
Cách thứ 2 là khi trái mít còn nhỏ, phải phun thuốc ngừa nấm, vi khuẩn tấn công vườn mít Thái. Người dân cho hay, nấm, vi khuẩn xuất hiện càng nhiều trong vườn thì tỉ lệ trái mít xơ đen càng cao. Do đó, phải phòng ngừa nấm, vi khuẩn bám vào trái mít Thái ngay khi trái còn rất nhỏ.
Các thứ 3 là tuyển trái. Trong lúc tuyển trái, chủ vườn phải chú ý, loại bỏ ra những trái có dấu hiệu nhận biết dễ bị xơ đen (trái méo, gai không đều, cuống xanh đậm). Nếu trong quá trình tuyển trái, vô tình chừa lại những trái bị xơ đen thì sau này không bán được, mất nhiều thời gian và công sức.
Anh Nguyễn Văn Lâm ở xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, trong 3 cách trên, có người chỉ áp dụng 1 cách, có người áp dụng 2 cách nhưng cũng có vườn áp dụng cả 3. Theo anh, để đạt hiệu quả cao nhất, nhà vườn phải áp dụng cả 3 cách.
"Ngoài thời tiết, bệnh xơ đen mít Thái còn phụ thuộc vào cách chăm sóc và điều kiện trồng (dày hay thưa, mô đất cao hay thấp) sẽ có tỉ lệ bệnh khác nhau. Do đó, ngoài 3 cách ngừa xơ đen mít Thái mùa mưa nói trên, nhà vườn phải lưu ý một số cách làm khác để có được vườn mít ít xơ đen hoặc không có càng tốt" - anh Lâm nói.