Theo đó, Sở GTVT yêu cầu tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải tiếp tục tính toán điều chỉnh giá dịch vụ vận tải phù hợp với biến đông của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá.
Tuy nhiên, việc thực hiện giảm giá vé vận tải hành khách vẫn còn "ì ạch", toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 11 đơn vị vận tải tuyến cố định và 20 đơn vị kinh doanh xe hợp đồng với tổng cộng 486 phương tiện vận tải hành khách.
Tuy nhiên, theo số liệu của sở GTVT Ninh Thuận, đến sáng 24/8 mới chỉ có 3 đơn vị giảm giá gồm:
Công ty TNHH TM&DV Tuấn Tú, kê khai và giảm từ ngày 14/8, với tỉ lệ giảm từ 3,6% - 12% (tùy cự ly tuyến và phương tiện).
Cụ thể xe trên 40 chỗ tuyến Ninh Sơn-Miền Đông sau khi điều chỉnh giảm là 200.000 đồng/vé, xe 34 chỗ là 250.000 đồng/vé và xe 22 giường là 350.000 đồng/giường. Ngoài ra, nhà xe này cũng đã thực hiện điều chỉnh giảm giá vé tuyến bến xe tỉnh Ninh Thuận-TP.HCM đối với xe trên 40 chỗ từ 220.000 đồng/vé còn 200.000 đồng/vé.
Công ty TNHH TM và VT An Anh Quê Hương kê khai và giảm từ ngày 18/8, mức giảm từ 3,6% - 5% đối với các loại xe Vip 34 phòng (giá vé 270.000) và 22 phòng (giá vé 380.000). Riêng các loại xe 44 giường vẫn không giảm và giữ nguyên giá cũ 200.000 đồng/vé...
HTX ô tô Phan Rang, kê khai và giảm từ ngày 17/8, nhưng mức giảm giá tùy thuộc vào khoảng cách tuyến, loại xe với tỷ lệ giá giảm từ 6,6% - 12%. Giá vé cao nhất đối với xe trên 40 chỗ tuyến bến xe Ninh Thuận đi bến xe Miền Đông sau khi điều chỉnh còn 190.000 đồng/vé; xe dưới 40 chỗ sau điều chỉnh là 220.000-230.000 đồng/vé.
Theo Sở GTVT, đến ngày 24/8, một số doanh nghiệp vẫn còn chậm và chưa kê khai giảm giá cước vận tại gồm: Công ty TNHH KD và DV Hoàng Anh, Công ty TNHH DVVT Thiện Trí, Chi nhanh công ty TNHH DL&TM Liên Hưng tại Ninh Thuận, Chi nhánh công ty TNHH DVVT Tân Hoàng Anh, Công ty TNHH vận tải Như Quỳnh, công ty cổ phần Đầu tư và XD Hoàng Nhân, Công ty cổ phần Taxi Phan Rang, Công ty CP ĐTPT Hải Đăng Ninh Thuận, Công ty cổ phần tập đoàn Mai Linh, Chí nhánh HTX Hòa Bình Xanh và Công ty CP TMDV Quốc tế chi nhánh Ninh Thuận.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Vinh - Giám đốc sở GTVT tỉnh Ninh Thuận cho biết, nguyên nhân là do giá vé cũ đã được các nhà xe áp dụng suốt từ năm 2019 đến quý I/2022 bất chấp giá xăng trong thời gian này có nhiều biến động tăng.
Đến quý II/2022, thời điểm giá xăng dầu tăng đột biến thì các đơn vị vận tải hành khách này mới kê khai tăng giá để hoạt động cho phù hợp. Tuy nhiên, đến nay xăng dầu lại được điều chỉnh giảm và vẫn còn biến động liên tục nên một số doanh nghiệp vẫn còn "lúng túng" trong thủ tục kê khai giảm giá cước.
"Ngay trong sáng 24/8, sở đã tiếp tục có văn bản lần 2 gửi các đơn vị vận tải hành khách và các đơn vị liên quan để tiếp tục chỉ đạo hướng dẫn các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn nghiêm túc thực hiện việc kê khai điểu chỉnh giảm giá cước theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...", ông Vinh thông tin.
Trước đó, tại văn bản số 1827 ngày 10/8/2022, Sở GTVT Ninh Thuận cũng đã đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách kê khai, niêm yết giá cước vận chuyển hành khách, phù hợp với giá đầu vào, trong đó chú trọng giảm giá cước theo giá xăng, dầu đã giảm tại thời điểm kê khai và thời điểm ký văn bản này...
Trước các nhà xe chưa chịu giảm giá, Sở GTVT tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu bến xe khách tỉnh Ninh Thuận và bến xe khách huyện Ninh Sơn thực hiện niêm yết đầy đủ giá cước của đơn vị vận tải, giá dịch vụ tại bến xe.
Đồng thời, giao Thanh tra Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết và thu giá cước vận tải, giá dịch vụ tại bến xe theo giá đã kê khai, xử lý theo quy định đối với đơn vị vi phạm theo thẩm quyền.