Dân Việt

Siết chặt quản lý kinh doanh, bán hàng đa cấp

P.V 25/08/2022 20:29 GMT+7
Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất có thêm quy định pháp luật chặt chẽ về kinh doanh, bán hàng đa cấp.

Tách hình thức bán hàng đa cấp ra khỏi bán hàng trực tiếp

Hoạt động kinh doanh, bán hàng đa cấp xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1998, bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2000. Trong quá trình phát triển tại Việt Nam, thị trường bán hàng đa cấp trải qua nhiều biến động, nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp lợi dụng một số đặc điểm của mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để trục lợi bất chính, lừa đảo người tham gia bán hàng đa cấp.

Để khắc phục những biến tướng của loại hình kinh doanh, bán hàng đa cấp, các văn bản pháp luật theo đó được điều chỉnh theo hướng ngày càng thắt chặt quản lý đối với loại hình kinh doanh này.

Mới đây nhất, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, vấn đề siết chặt, quản lý hoạt động kinh doanh, bán hàng đa cấp tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Theo đó, nhiều ý kiến đề xuất tách hình thức bán hàng đa cấp ra khỏi bán hàng trực tiếp cũng như cần có thêm quy định pháp luật chặt chẽ về kinh doanh, bán hàng đa cấp.

Siết chặt quản lý kinh doanh, bán hàng đa cấp - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã bổ sung quy định về một số giao dịch đặc thù như giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục, bán hàng trực tiếp bao gồm các hình thức bán hàng tận cửa, bán hàng đa cấp và bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên.

Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm các khái niệm về giao dịch đặc thù thật sự rõ ràng, mạch lạc, đặc biệt là các hình thức bán hàng trực tiếp. Nghiên cứu bổ sung quy định phù hợp với nền kinh tế số, môi trường kinh doanh số để bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch điện tử. Tiếp tục rà soát các nội dung liên quan, đối chiếu với các quy định trong dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Về các giao dịch đặc thù giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị tách hình thức bán hàng đa cấp ra khỏi bán hàng trực tiếp vì bán hàng đa cấp không phải là hình thức bán hàng trực tiếp.

Hơn nữa, cần điều chỉnh riêng hình thức bán hàng đa cấp vì đây là hình thức ngày càng phát triển, có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng.

Siết chặt quản lý kinh doanh, bán hàng đa cấp - Ảnh 2.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.

Quy định chặt chẽ để ngăn chặn biến tướng của kinh doanh, bán hàng đa cấp

Đồng thuận với quan điểm trên, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng: Chương III của dự án Luật quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh, theo đó, ngoài những quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục và bán hàng trực tiếp thì dự án Luật còn có quy định những nội dung như hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp ở Điều 46, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong hoạt động bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên như ở Điều 47.

Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, nếu quy định các nội dung này chỉ ở trong dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) thì sẽ không phát huy hiệu quả mà cần được quy định thêm trong một văn bản luật khác như Luật Thương mại. Đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật tiếp tục rà soát và điều chỉnh các nội dung của luật sao cho sát với tên gọi; đồng thời tránh chồng lấn với các quy định khác có liên quan.

Cho ý kiến về việc quản lý loại hình kinh doanh, bán hàng đa cấp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu quan điểm: Thực tế, đã cho thấy có những mặt trái, hệ lụy của hình thức kinh doanh, bán hàng đa cấp. Để hạn chế và phải đối phó với những hệ lụy đó cũng như phòng chống những bất ổn, biến tướng của hình thức kinh doanh, bán hàng đa cấp quay trở lại với người dân, trong dự án Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cần có thêm quy định pháp luật chặt chẽ về kinh doanh, bán hàng đa cấp.

Siết chặt quản lý kinh doanh, bán hàng đa cấp - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Rà soát kỹ các quy định liên quan đến kinh doanh, bán hàng đa cấp

Qua những ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ rà soát kỹ các Chỉ thị, Nghị quyết liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến kinh doanh, bán hàng đa cấp cũng như các mô hình kinh doanh mới, kinh doanh nội dung số qua mạng Internet, các giao dịch đặc thù khác như: Giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục, bán hàng không phải là địa điểm giao dịch thường xuyên…

Chính phủ cần rà soát kỹ các quy định áp dụng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các luật có liên quan, đảm bảo rõ ràng, khả thi, bao quát đồng bộ với các luật khác và phù hợp với hệ thống pháp luật cũng như các điều ước, thông lệ quốc tế...

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần xem xét lại việc hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 tới.