Nhiều sản phẩm khai thác thế mạnh trong ngành nông nghiệp của các quận huyện tại TP.HCM đã nâng lên tầm đặc sản thông qua Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP - One Commune One Product).
Chị Nguyễn Ngọc Hương - Giám đốc Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) vẫn không giấu được vẻ vui mừng và tự hào khi những sản phẩm bột rau sấy lạnh tâm huyết của mình là bột rau má không đường Orama, bột tía tô, bột diếp cá, bột lá sen và bột chùm ngây đã được UBND TP.HCM công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao.
Riêng bột rau má có đường Orama đang trong quá trình xét duyệt, công nhận xếp hạng OCOP 5 sao. Đây là sản phẩm duy nhất được TP.HCM làm hồ sơ đề nghị Bộ NNPTNN đánh giá, phân hạng, công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Xuất phát từ ý tưởng sản xuất bột rau má có khả năng giữ nguyên chất lượng như rau má tươi dành cho người bận rộn, trong khi quê hương Củ Chi lại là vùng đất nổi tiếng về rau má và các loại rau khác của TP.HCM, Ngọc Hương quyết định khởi nghiệp từ năm 2015, rất trầy trật thì đến nay sản phẩm bột rau sấy lạnh đã được khách trong và ngoài nước biết tới.
"Phát triển sản phẩm từ chính nguyên liệu quê hương mình có thể nói là niềm tự hào của các bạn khởi nghiệp trẻ như tôi. Càng tự hào hơn khi sản phẩm quê mình đã được công nhận OCOP, đây cũng là điều kiện để mọi người biết tới nhiều hơn", Hương nói.
Theo thống kê của Sở NNPTNT TP.HCM, TP.HCM hiện có 27 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP theo Quyết định ngày 29/3/2022 của UBND TP, trong đó có 6 sản phẩm đạt 3 sao và 21 sản phẩm đạt 4 sao.
Tại huyện Củ Chi, cùng với các sản phẩm bột rau sấy lạnh của Ngọc Hương, sản phẩm bơ đậu phộng mịn và bơ đậu phộng có hạt của Công ty TNHH Đạt Butter cũng được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao.
Trong khi đó, tại huyện Cần Giờ, nhiều sản phẩm đặc trưng như khô cá dứa, tôm khô, tôm thẻ chân trắng, tổ yến chưng, xoài cát, mật dừa nước… của một số doanh nghiệp, HTX, chủ thể sản xuất cũng đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Các sản phẩm được công nhận OCOP của huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn là mật ong rừng sữa ong chúa, hà thủ ô, bưởi da xanh, rau an toàn, sữa tươi, sữa chua một số doanh nghiệp, HTX, chủ thể sản xuất.
Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, mục tiêu năm 2022, TP.HCM tổ chức đánh giá, công nhận cho 41 sản phẩm OCOP đạt chuẩn tử 3 sao trở lên (22 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao và 19 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao). Sở đã có văn bản đề nghị các huyện thông tin, tuyên truyền đến doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ dân có đăng ký sản xuất kinh doanh, lựa chọn các sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP.
Đáng chú ý, theo Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 được UBND TP.HCM ban hành thì phạm vi thực hiện Chương trình OCOP được mở rộng, nếu như trước đây chỉ thực hiện trên địa bàn 5 huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ, thì nay mở rộng trên toàn địa bàn thành phố.
Ông Hiệp cho biết, Sở NNPTNT TP.HCM sẽ tiếp tục đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp OCOP, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp xây dựng thương hiệu, phương án sản xuất, tem dán truy xuất nguồn gốc, chứng nhận VietGAP, xây dựng website quảng bá sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, hiện Sở NNPTNT hiện đang phối hợp với các sở ngành có liên quan tham mưu UBND TP ban hành chính sách kích cầu đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có kích cầu đầu tư phát triển sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2022-2025
"Đây là chính sách hỗ trợ lãi vay của Thành phố đối với các tất cả các chủ thể trong và ngoài thành phố khi tham gia vay vốn từ tổ chức tín dụng đề đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn tại TP.HCM", Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM nói.