Xây dựng mô hình xã nông thôn mới thương mại điện tử và xã thông minh

P.A Chủ nhật, ngày 03/07/2022 08:17 AM (GMT+7)
TP.HCM lên kế hoạch xây dựng đề án thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh tại xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi) và xã nông thôn mới thương mại điện tử tại xã Bình Khánh (huyện Cần Giờ), giai đoạn 2022 - 2025.
Bình luận 0

UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP.HCM năm 2022.

Theo đó, thành phố sẽ xây dựng đề án thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh tại xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi) và xã nông thôn mới thương mại điện tử tại xã Bình Khánh (huyện Cần Giờ), giai đoạn 2022 - 2025.

Xây dựng mô hình xã nông thôn mới thương mại điện tử và xã thông minh  - Ảnh 1.

Xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi) được TP.HCM chọn xây dựng đề án thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh. Ảnh: T.Đ

Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa

Theo kế hoạch, UBND TP.HCM xác định mục tiêu nhằm tiếp tục thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí cấp huyện, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn thành phố. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai Kế hoạch số 3217-KH/BCĐCTUVCTXDNT về đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2025 , hướng đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. 

Bên cạnh đó, TP xây dựng và ban hành khung pháp lý triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, trên địa bàn vùng nông thôn TP, giai đoạn 2022 – 2025.

Theo kế hoạch, UBND TP.HCM cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm cụ thể: Đối với nhóm công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục hoàn thành hồ sơ, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 

Đồng thời, xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025. Bên cạnh đó, xây dựng và ban hành chủ trương thực hiện phong trào "Chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2022 - 2025.

Xây dựng mô hình xã nông thôn mới thương mại điện tử và xã thông minh  - Ảnh 3.

TP.HCM ập trung đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong ảnh: Lễ ký hợp tác chuyển đổi số cho nông dân giữa Hội Nông dân TP.HCM và Bưu điện TP cuối tháng 3/2022. Ảnh Trần Đáng

"Đặc biệt, TP.HCM xây dựng đề án thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh tại xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi) và mô hình xã nông thôn mới thương mại điện tử tại xã Bình Khánh (huyện Cần Giờ) giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, tập trung ứng dụng chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; tạo sự thay đổi từ nhận thức đến hành động về chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp", bà Hoàng Thị Mai, Phó Chánh Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới TP.HCM cho biết.

Mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp huyện nông thôn mới

Đối với nhóm tiêu chí về kinh tế và Tổ chức sản xuất, TP.HCM xác định cần thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao trở thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực.

Xây dựng mô hình xã nông thôn mới thương mại điện tử và xã thông minh  - Ảnh 4.

Mô hình nuôi tôm VietGap siêu thâm canh trong nhà kính ở Cần Giờ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bên cạnh đó, hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, HTX, chú trọng vào đầu tư kết cấu hạ tầng, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị; hỗ trợ, khuyến khích hộ nông dân tham gia liên kết với nhau thành lập HTX và góp vốn vào HTX…

Ngoài ra, xây dựng đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn vùng nông thôn TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025 làm cơ sở đánh giá, phân hạng sản OCOP trên địa bàn thành phố. Đồng thời, phát triển các mô hình đào tạo nghề phi nông nghiệp gắn với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ nhằm tạo việc làm cho lao động nông thôn sau khi tốt nghiệp; gắn đào tạo nghề với hỗ trợ sản xuất, cho vay vốn từ các nguồn quỹ ưu đãi để lao động nông thôn tự tạo việc làm. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem