Theo The Drive, tình báo Ukraine ước tính Nga chỉ còn lại 20% tổng số tên lửa đạn đạo Iskander trong khi các kho dự trữ khác đã cạn kiệt do các cuộc tấn công liên tục của quân đội nước này vào Ukraine trong 6 tháng qua.
Tình báo Ukraine cho biết, Nga còn lại nhiều nhất 45% số tên lửa. Ông Vadym Skibitskyi tuyên bố, Nga đang đối mặt với “tình huống khó khăn”về tên lửa hành trình Kalibr và chỉ còn nhiều nhất là 20% tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M.
Nga đã dùng tên lửa Kalibr như là vũ khí chủ chốt trong cuộc chiến ở Ukraine do tầm bắn của tên lửa này cho phép quân đội Nga tấn công sâu trong lãnh thổ Ukraine. Một số hình ảnh đầu tiên của cuộc chiến là cảnh tên lửa Kalibr lướt qua vùng nông thôn Ukraine trước khi lao vào các mục tiêu quân sự ở nước láng giềng khi mặt trời mọc vào ngày 24/2.
Tương tự, các vụ phóng Iskander-M vào ban đêm nhắm vào Kharkov từ tỉnh Belgorod cũng gây chấn động không kém.
Sự thiếu hụt tên lửa của Nga có thể đang gia tăng nghiêm trọng, và một dấu hiệu phản ánh điều đó có thể đến từ Syria.
Nga được cho là đã rút tổ hợp tên lửa đất đối không (SAM) S-300 mà nước này từng "tặng" cho Syria (dù Moscow vẫn duy trì quyền kiểm soát đối với hệ thống này). Các nhà quan sát đã theo dõi thấy, tổ hợp S-300 được chuyển giao tới Novorossiysk ở Biển Đen. Tổ hợp S-300 này được cho là sẽ tác chiến cùng các lực lượng Nga ở Ukraine.
Một dấu hiệu khác cho thấy "tình trạng thiếu hụt" trong kho tên lửa tấn công mặt đất của Nga là việc nước này phải sử dụng ngày càng nhiều các tên lửa không được thiết kế để chủ yếu tấn công mặt đất.
Mặc dù được thiết kế và tối ưu hóa để chống lại máy bay, Nga đã bất ngờ đưa S- 300 hoạt động trong vai trò tấn công trên bộ trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ngoài ra, Nga cũng sử dụng cả tên lửa chống hạm mới và các tên lửa lỗi thời từ thời Chiến tranh Lạnh để tấn công các mục tiêu mặt đất ở Ukraine. Các chuyên gia bình luận, tất cả những điều đó cho thấy Nga đang nỗ lực bảo tồn các tên lửa tấn công đất liền chính xác và hiện đại hơn.