“Cúc mọc dưới sông anh kêu rằng cúc thủy
Sài Gòn xa, Chợ Mỹ không xa
Anh đi đâu phải ghé lại nhà,
Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em...”
“Chợ Mỹ” tức đô thị Mỹ Tho, vùng đất có thời gian là thị xã, là tỉnh lỵ... còn xa hơn nữa từng vang danh là Mỹ Tho Đại phố. Mỹ Tho nằm bên tả ngạn sông Tiền, được hình thành và phát triển sớm ở châu thổ sông Cửu Long, đến nay đã 341 năm tuổi (1679 - 2020).
Cùng với thời gian hình thành Mỹ Tho Đại phố, Giếng nước Mỹ Tho cũng được hình thành và trở thành điểm nhấn của TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) góp phần tô thêm vẻ đẹp cho thành phố cổ xưa nhất vùng đất Tây Nam bộ.
Theo các tài liệu lịch sử, Giếng nước Mỹ Tho nguyên thủy là hào thành Định Tường được đào năm 1826. Đoạn hào thành này xưa thuộc làng Bình Tạo, tổng Thuận Trị, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An. Lúc chiếm Định Tường, đề phòng nghĩa quân tấn công phía Tây thành Định Tường, chính quyền thực dân đã cải tạo hào thành này thành kinh, đặt tên là kinh Nicolais.
Khoảng năm 1883, chính quyền thực dân bắc hai cây cầu sắt kiểu Eiffel: Cầu phía trong (nay là đầu giếng nước, trên đường Ấp Bắc) tên là cầu Nicolais bắc qua đường địa hạt số 6. Cầu thứ hai đoạn giữa không lót ván chỉ dành riêng cho xe lửa, gọi là cầu Hào/cầu Hào thành, nay ở đầu đường Lý Thường Kiệt.
Kinh Nicolas theo thời gian bị bùn lấp cạn dần, hai bên bờ cỏ lau rậm rạp. Đến năm 1927, kỹ sư người Pháp Partilény lập đề án cải tạo kinh Nicolas thành hồ chứa nước. Kế hoạch này chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, hàn kín hai đầu kinh, phá cầu Nicolais.
Giai đoạn 2, thuê 300 nhân công vùng Hóc Môn, Bà Điểm, Gò Công…nạo vét và dùng xe chở đất lấp các chỗ trũng trong thành phố. Kế hoạch dự định trong 7 tháng sẽ hoàn tất. Tuy nhiên, thời điểm này các phong trào đấu tranh của công nhân, lao động đang được khởi xướng. Tại chợ Mỹ Tho nổ ra nhiều cuộc biểu tình và không có nhân công làm việc nên công trình đến năm 1933 mới hoàn thành.
Một góc Giếng nước Mỹ Tho ngày nay (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)
Giếng nước Mỹ Tho chia thành hai ô: Giếng nhỏ nằm sát sông Tiền, hình vuông mỗi cạnh khoảng 150 m. Giếng lớn phía trong hình chữ nhật, dài 800 m, rộng 150 m.
Đầu giếng nước, sát bờ rạch Bảo Định có chợ Thạnh Trị, được lập từ năm 1954. Tại đây xưa có bến đò qua làng Thạnh Trị, tục gọi là bến đò Thạnh Trị. Đây cũng là khu vực dân cư sinh sống lâu đời, thời Pháp thuộc đã có nhà máy ép dầu dừa, lò heo…
Bên bờ Tây Giếng nước Mỹ Tho có một khu mộ, gọi là đất Thánh Tây. Trong khu này có nhiều ngôi mộ lính Tây chết trận, đồng thời cũng có số Việt gian được chôn bên cạnh quan thầy, được xây đủ kiểu. Trong đó có ngôi mộ đáng chú ý là ngôi mộ Trung tá Bourdais, tên chỉ huy xâm lược tấn công thành Định Tường, bị đạn thần công giết chết ngay tại Trung Lương. Sau khi chiếm thành Định Tường, thực dân Pháp đã cải táng đưa xác Bourdais vào chôn giữa thành để tôn vinh.
Khi chỉnh trang đô thị, đắp đại lộ Bourdais (nay là đường Hùng Vương), năm 1899, xác Bourdais lại được cải táng đưa ra đất Thánh Tây. Ngoài ra để ghi công cho tên trung tá chết trận, chính quyền thực dân còn đặt tên cho lộ chính ở Mỹ Tho là đại lộ Bourdais.
Khoảng năm 1920, họ xây dựng ở cuối đại lộ Bourdais một “Đài chiến sĩ”, kỷ niệm những thanh niên chết trận trong thế chiến 1914 - 1918. Vào khoảng năm 1956, “Đài chiến sĩ” này bị phá cùng lúc với việc đổi tên đại lộ Bourdais thành đại lộ Hùng Vương, đến nay tên cầu “Đài chiến sĩ” vẫn còn nhiều người nhắc đến.
Ngày nay, Giếng nước Mỹ Tho nằm trong khuôn viên công viên Tết Mậu Thân và được ví như “lá phổi xanh” của TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang).
Bao quanh giếng nước là những hàng cây cổ thụ xanh mát, được bố trí nhiều ghế đá để người dân đến hóng mát, thư giãn. Thời gian vừa qua, bao quanh khu vực giếng nước còn được bố trí nhiều dụng cụ luyện tập thể thao để người dân thành phố đến đây tập luyện thể dục thể thao, trẻ con chơi đùa…
Tất cả tạo nên một bức tranh sinh động về Mỹ Tho - thành phố năng động vào mỗi buổi sáng sớm. Và có thể nói, Giếng nước Mỹ Tho - dấu tích xưa giữa lòng thành phố, cho đến nay đã trở thành điểm nhấn cho TP Mỹ Tho trên đường phát triển.