Xuất khẩu nông sản vẫn tăng tốc
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, tháng 8, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt gần 4,4 tỷ USD, tăng 32,0% so với tháng 8/2021, tăng 0,3% so với tháng 7/2022.
Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt gần 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính gần 15 tỷ USD, tăng 7,4%; lâm sản chính trên 11,8 tỷ USD, tăng 6,2%; thủy sản trên 7,5 tỷ USD, tăng 35,3%...
Đáng chú ý, trong 8 tháng năm 2022, có tới 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ). Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước như: Cà phê, cao su, gạo, hồ tiêu, sắn, cá tra, tôm, gỗ...
8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt gần 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt gần 9,6 tỷ USD (chiếm 26,4% thị phần); đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 6,5 tỷ USD (chiếm 17,8% thị phần); thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,7 tỷ USD (chiếm 7,4%); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,7 tỷ USD (chiếm 4,7%).
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, để đạt được kết quả khả quan như trên, trước những khó khăn về thị trường, Bộ đã phối hợp với các đại sứ quán, tham tán thương mại, tham tán nông nghiệp tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga, Brazil) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản - Hàn Quốc, ASEAN, Úc - New Zealand, Trung Đông).
Chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp
Cũng theo báo cáo của Bộ NNPTNT, thời gian qua, toàn ngành nông nghiệp khẩn trương triển khai thực hiện chiến lược phát triển ngành, Kế hoạch cơ cấu lại ngành, Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Theo đó, đã có nhiều diện tích lúa kém hiệu quả được người dân và địa phương chủ động chuyển đổi sang cây trồng khác, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả hơn; Bộ hướng dẫn người dân, địa phương khuyến khích áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên thiên nhiên và vật tư đầu vào. Các tỉnh ĐBSCL đã quan tâm chỉ đạo, nông dân có nhiều kinh nghiệm và áp dụng thành công quy trình kỹ thuật rải vụ, nhờ vậy hiệu quả kinh tế của rải vụ 5 loại cây ăn quả (thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn) tăng 1,5 lần đến 2 lần so sản xuất chính vụ.
Công tác quản lý chất lượng giống được nhiều địa phương quan tâm thực hiện, tỷ lệ diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng giống đạt 85%. Nhiều địa phương và chủ rừng đã quan tâm xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng; đến nay, đã có 340.350ha được cấp chứng chỉ rừng tại 31 địa phương...
Đến nay, Bộ NNPTNT đã xây dựng 1.669 chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, duy trì kiểm tra mẫu nông lâm thủy sản sau thu hoạch, tỷ lệ vi phạm an toàn thực phẩm thấp (từ 1,6 - 2,5%) với 99,6% cơ sở đáp ứng quy định an toàn thực phẩm; kiểm soát sản phẩm nhập khẩu… góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm trong nước và xuất khẩu; củng cố niềm tin của người tiêu dùng.
Đang có chuyển biến tích cực về chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp, tăng quy mô thành viên qua xu thế liên kết, sáp nhập các HTX; ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh. Số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao đạt 8.340 sản phẩm tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, người tiêu dùng trong nước dễ dàng tiếp cận thông tin và tiêu dùng những sản phẩm nội địa chất lượng cao.
Tuy nhiên, Bộ NNPTNT cũng nêu rõ một thực tế, công tác truyền thông và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thônchưa thật đầy đủ, đúng mức; có lúc, có nơi còn thiếu chủ động, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện.
Quá trình phát triển vẫn còn nhiều yếu tố thiếu bền vững; chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao. Chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm vẫn chưa cao; trong khi thị trường tiêu thụ đòi hỏi cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa thật sự ổn định. Liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến. Kết nối liên vùng, liên ngành ở nhiều địa phương, nhiều ngành hàng còn rời rạc.