Khi bình minh còn chưa ló rạng, từ Nha Trang, Nhóm lặn biển PADI Việt Nam chất đồ nghề lặn biển và dụng cụ trồng san hô lên mấy chiếc xe bán tải trực chỉ phía nam thẳng tiến. Sau các đợt ươm trồng san hô thử nghiệm tại Vân Phong, Nha Trang, đợt này nhóm thực hiện tại khu vực vịnh Cam Ranh và Vĩnh Hy (tỉnh Ninh Thuận).
Nhóm lặn được hình thành ở Nha Trang, nhưng thành viên hiện nay đã lên tới cả ngàn người, đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như: Hà Nội, Lào Cai, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Kiên Giang… Mỗi lần đi trồng san hô, chỉ có khoảng 50 thành viên may mắn được chọn; kinh phí thực hiện do mọi người tự nguyện đóng góp.
Đưa giá ươm san hô xuống đáy biển.
Sau hơn 1 giờ di chuyển, nhóm đến điểm tập kết, ca nô đã chờ sẵn. Không ai bảo ai, các thành viên mau lẹ chất đồ lên boong, rời bến. Ca nô trồi lên, hụp xuống theo từng nhịp sóng. Chiếc phao tiêu tròn như quả bóng, nặng hai người khiêng trên boong cũng lúc lắc theo. Với dân lặn biển chuyên nghiệp, ra khơi không gặp chút sóng gió sẽ mất đi phần thú vị.
Anh Nguyễn Hà Minh Trị - Huấn luyện viên, Trưởng nhóm lặn biển PADI Việt Nam (trú ở xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang) tâm sự: “Tôi là huấn luyện viên lặn quốc tế với hơn 23 năm trong nghề, đã chứng kiến sự biến đổi của rạn san hô qua từng giai đoạn ở khắp các vùng biển Việt Nam. Những năm gần đây, rạn san hô ở khắp nơi đã chết dần bởi biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và sự tàn phá của con người, diện tích bị thu hẹp đáng kể”.
Xót xa trước những vạt “rừng dưới đáy biển” bị tàn phá, nhóm lặn của anh Trị đã lên ý tưởng phục hồi lại các rạn san hô ở khu vực biển Nha Trang và Ninh Thuận. “Trồng một nhánh san hô - tặng thế hệ mai sau” là tên gọi những chuyến đi nuôi cấy san hô của các thành viên nhóm lặn biển PADI Việt Nam.
Những mầm san hô đầu tiên được gieo vào lòng biển mang theo nhiều hi vọng. Công việc nuôi cấy san hô được nhóm nghiên cứu thử nghiệm, bắt đầu từ một vài nhánh nhỏ tại vùng biển Nha Trang bằng phương pháp dán san hô trực tiếp lên đá và các tảng san hô chết bằng chất liệu xi măng, chất kết dính.
Anh Trị cho biết: “Sau hơn 6 tháng, những nhánh san hô này phát triển rất tốt và khỏe mạnh. Những mầm san hô được trồng ở biển Nha Trang đến nay đã phát triển được 3cm và rễ đã bám chắc vào phần đế. Ngoài ra, nhóm còn trồng 2 giàn san hô lên giàn giá treo theo mô hình vườn ươm tại vùng biển Ninh Thuận đã được 4 tháng và kết quả cũng khả quan. 90% san hô được ươm tại đây đang phát triển rất tốt, đã nhú mầm non, khoảng 10% còn lại bị rêu bám nên hơi yếu do thiếu ánh sáng”.
9 giờ sáng, mặt trời lên cao, nắng bắt đầu gắt. Anh Nguyễn Quốc Trung - Đội trưởng Đội lặn TP. Hồ Chí Minh (thành viên Nhóm lặn biển PADI Việt Nam), một tay cầm máy định vị GPS, một tay níu chặt thành ca nô, miệng hô từng câu khẩu lệnh để người tài công đưa tàu vào đúng vị trí thả neo.
Nhóm kỹ thuật gồm 3 người mặc áo lặn, ngậm ống hơi khẩn trương ra boong sau đem theo dụng cụ cá nhân rồi lần lượt nhảy ùm xuống biển. Bên dưới, ở độ sâu 7m là khu vực để ươm san hô.
Công việc của nhóm là thả giàn treo trồng các nhánh san hô và cố định vào các vị trí tốt nhất để san hô có thể phát triển lâu dài tạo thành các vạt lớn trong tương lai. Tại đây, nhóm sẽ lặn xuống tìm những bụi san hô lớn, sau đó chiết một số nhánh khoảng vài centimet đưa về ghép lên giá đỡ bằng nhựa. Những nhánh san hô này được cấy lên giàn đỡ để nuôi trong thời gian từ 3 đến 5 năm.
Sau một thời gian theo dõi, nếu san hô phát triển tốt, nhóm sẽ cắt và đưa đến các rạn san hô bị ảnh hưởng để trồng thay thế cho những cây san hô bị chết. Anh Nguyễn Quốc Trung cho biết, để tạo được một vườn ươm san hô dưới đáy biển cần một thời gian dài.
Giá thể để cấy san hô là những ống nhựa PVC được hàn thành những khung rộng, trên đó gắn sẵn những đoạn ống cao khoảng 12cm, cách nhau 40cm để đón những nhành san hô cấy vào. “San hô là động vật, rất nhạy cảm với môi trường nên địa điểm để đặt vườn ươm phải đảm bảo những điều kiện khắt khe như nguồn nước không được ô nhiễm, không quá sâu và cũng không quá cạn, đặc biệt là tránh xa những tác động của con người” - anh Trung giải thích.
Đã nhiều lần tham gia trồng san hô, anh Trịnh Ngọc Sáng - Đội trưởng Đội lặn Hà Nội (thành viên Nhóm lặn biển PADI Việt Nam) chia sẻ, biển Việt Nam nơi nào cũng đẹp. Mỗi vùng biển anh từng lặn đều để lại trong anh những cảm xúc khác nhau.
Anh cùng các thành viên nhóm lặn sẵn sàng bỏ kinh phí để ươm cấy san hô, tạo môi trường sống cho các sinh vật biển như một cách để trả ơn biển. “Cách tốt nhất là gìn giữ và phát triển những hệ sinh vật biển vốn có. Nếu hôm nay chúng ta không hành động, thế hệ con cháu chắc không còn gì để ngắm mỗi khi lặn xuống lòng biển sâu”, anh Sáng tâm sự.
Với các thành viên tham gia công việc nuôi cấy, tái tạo lại rạn san hô, mỗi nhánh san hô sống và phát triển được chính là món quà họ dành cho những người yêu biển, tặng lại cho thế hệ mai sau. “Khi thực hiện chương trình, tôi và tất cả thành viên tham gia xác định, trồng san hô không phải như trồng cây. Kết quả không đến liền, phải chờ 5-10 năm hoặc có thể vài chục năm mới thấy. Vì vậy, chúng tôi đã đặt tên cho hoạt động này là “Trồng một nhánh san hô - tặng thế hệ mai sau” - anh Trị chia sẻ.
Tuy công việc khá nặng nhọc nhưng do có kỹ năng và dụng cụ lặn chuyên nghiệp nên trong quá trình thực hiện mô hình, nhóm gần như không gặp trở ngại nào. Dù ở khắp nơi trong cả nước song do nhận thức rõ mục đích của mô hình là góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tái tạo lại nơi trú ẩn cho các loài hải sản sinh trưởng nên các thành viên Nhóm lặn biển PADI Việt Nam đều nhiệt tình, tự nguyện tham gia.
Theo anh Trị, Nha Trang và Ninh Thuận có môi trường biển rất đẹp, nước trong, sạch và có nhiều bãi san hô giá trị... Thế nhưng, hiện nay, còn nhiều ngư dân vẫn chưa ý thức bảo vệ môi trường nên còn sử dụng hình thức khai thác hải sản mang tính chất hủy diệt, như sử dụng chất nổ và khí độc tại các rạn san hô, gây ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường sinh thái các loài hải sản nói chung và san hô nói riêng.
Bên cạnh đó, nhiều bãi san hô còn bị lưới đánh cá do ngư dân vứt bỏ bao phủ, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của san hô. “San hô phát triển rất chậm, mỗi năm chỉ cao chừng 1-3cm, nếu vùng nước sạch có thể phát triển nhanh hơn. Do đó, mong rằng việc ươm trồng san hô sẽ được cả cộng đồng chung tay. Mỗi người ý thức được việc giữ gìn môi trường biển thì hệ sinh thái biển mới tránh được nguy cơ bị tàn phá” - anh Trị bộc bạch.
Sau khi hoàn thành chuyến trồng san hô ở Cam Ranh và Vĩnh Hy, các thành viên của Nhóm lặn biển PADI Việt Nam lại vui vẻ chia tay nhau tại Nha Trang. Họ hẹn gặp lại nhau trong lần lặn biển trồng san hô tại khu vực Đầm Môn (huyện Vạn Ninh) sắp tới.
Tất cả đều hi vọng, mỗi nhánh san hô được ươm thử nghiệm hôm nay, vài năm sau sẽ phát triển mạnh mẽ để có thể nhân giống đưa đi trồng nơi khác. Nếu chương trình thành công trên vùng biển Khánh Hòa và Ninh Thuận, nhóm sẽ thực hiện nhân rộng mô hình ra khắp các vùng biển, đảo Việt Nam, góp phần tái tạo các rạn san hô đã bị hủy hoại.
Ông Trần Văn Tiếp - Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận): Mô hình ươm trồng san hô mà Nhóm lặn biển PADI Việt Nam thực hiện là ý tưởng tốt để góp phần tái tạo các rạn san hô về lâu dài, nhất là giáo dục ý thức bảo vệ môi trường sinh thái biển cho cộng đồng.
Tuy nhiên, do mô hình còn mới nên cần có thời gian để đánh giá kết quả và công tác quản lý mới có thể nhân rộng mô hình. Thời gian tới, Vườn quốc gia Núi Chúa cũng dự định sẽ mời một đơn vị chuyên nuôi cấy san hô có hiệu quả về khảo sát để lập dự án tái tạo san hô trên phạm vi của đơn vị quản lý.
Anh Nguyễn Hà Minh Trị cho biết, đây là mô hình thí điểm đầu tiên trong cả nước do nhóm thực hiện. Trước đây, tại Nha Trang, Viện Hải dương học đã thực hiện mô hình cấy san hô vào giá thể bằng xi măng. Còn nhóm đang thí điểm phương án giá đỡ bằng nhựa để dễ vận chuyển hơn. Ngoài cấy trên giá đỡ, nhóm chúng tôi còn sử dụng loại xi măng đặc biệt để gắn một số nhánh san hô thí điểm lên các bãi đá gần bờ.
Hiện hoạt động này đang trong quá trình thử nghiệm và trồng bên ngoài các khu vực có san hô được bảo tồn, khi thành công chúng tôi sẽ báo cáo và xin phép cơ quan chức năng cho ươm trồng đại trà. Tại khu vực Vĩnh Hy, Ninh Thuận, nhóm đã xin phép để ươm được một số lượng lớn san hô. Khi thành công, đây sẽ là nguồn giống đưa về trồng mới tại vùng biển của Nha Trang.