Mô hình thả nuôi cá bỗng - 1 trong 5 loài cá “tiến vua” của anh Nguyễn Trọng Hưng, xã Phương Độ, TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang. Thực hiện: Ngọc Hải
Chia sẻ với PV Báo điện tử Dân Việt, anh Nguyễn Trọng Hưng, xã Phương Độ cho biết, cá bỗng nổi tiếng là 1 trong 5 loài cá “tiến vua” bởi chất lượng thịt thơm ngon. Cá bỗng phân bố tự nhiên ở vùng trung và thượng lưu các sông lớn ở các tỉnh phía Bắc như sông Lô, sông Gâm và sông Miện.
"Đây là loài thành thục muộn, nuôi khoảng 10 năm cá bỗng mới bắt đầu sinh đẻ nhưng tỷ lệ sống thấp, chỉ khoảng từ 30-40%", anh Hưng chia sẻ với PV Báo điện tử Dân Việt.
Anh Hưng chia sẻ, ở Hà Giang, cá bỗng gắn với đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Tày. Người dân tộc Tày quý trọng và nâng niu cá bỗng như của cải có giá trị, họ dâng lên trời đất, tổ tiên để tỏ lòng kính trọng. Với phương thức chăn nuôi truyền thống, cá bỗng Hà Giang nổi tiếng thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao, vì vậy, giá thành cá bỗng ở Hà Giang cũng cao hơn một số khu vực khác.
Cá bỗng Hà Giang được người Tày nuôi từ rất lâu đời nên thích nghi với nhiệt độ môi trường nước ở Hà Giang, cá khỏe mạnh, tỷ lệ sống cao. Cá bỗng Hà Giang có màu xám thẫm, lưng màu đen hoặc xám xanh, nhạt dần về phía bụng.
Trải qua thời gian từ đời này sang đời khác, phần lớn người dân nuôi cá bỗng Hà Giang vẫn giữ phương pháp nuôi quảng canh, tận dụng nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương, cho ăn thức ăn xanh, chủ yếu là rau, lá sắn, thân chuối băm nhỏ, có thể tận dụng bèo. Vì vậy, để cá có khối lượng từ 2kg, thời gian nuôi phải mất 3 năm, cá chậm lớn hơn các địa phương khác nên chất lượng cá bỗng có độ thịt cá chắc, dai, vị thơm ngon.
"Để nuôi được cá bỗng, bên cạnh nguồn nước sạch, cần phải có nguồn nước suối chảy liên tục. Muốn nhân giống loại cá này, cần có ao nuôi riêng biệt giữa cá lớn và cá bé. Khi cá bé đủ lớn mới chuyển sang nuôi thương phẩm", anh Hưng chia sẻ.
Hiện trong ao gia đình anh Hưng luôn duy trì khoảng hơn 100 con cá có tuổi 2 - 5 năm. Theo anh, cá phải đạt đủ thời gian nuôi tối thiểu 2 năm và đạt trọng lượng trên 2kg mới có thể bán. Giá thị trường hiện nay dao động khoảng 250.000 - 300.000 đồng/kg. Mỗi năm xuất bán và dành để chế biến món ăn phục vụ khách du lịch, anh Hưng thu về trên 200 triệu đồng.
Ở xã Phương Độ, anh Trần Thế Ân cũng đang nuôi loài cá đặc sản này.
Đặc biệt, anh Ân còn thực hiện nuôi cá ruộng, bên cạnh 2 ao cá với các loại, như: bỗng, trắm, trôi… Anh đã tận dụng những diện tích ruộng để nuôi cá trê và cá rô đồng. Đây được xem là cách nuôi thích hợp, tận dụng diện tích ruộng bỏ không, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Theo anh Ân, cá bỗng có sức đề kháng tốt hơn những loài cá khác, thịt ngon, giá trị dinh dưỡng cao. Trong điều kiện sống lý tưởng, cá bỗng có thể sống tới 50 năm. Cá bỗng ăn ít, dễ nuôi nhưng nhất thiết phải cần nguồn nước sạch và có nước chảy ra vào hàng ngày thì mới có thể sống. Cá bỗng lớn khá chậm. Một con cá bỗng có tuổi thọ chục năm tuổi cũng chỉ có trọng lượng trung bình khoảng 5-6kg.
Tháng 5/2021, tỉnh Hà Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00105 cho sản phẩm cá bỗng Hà Giang. Hiện nay, cá bỗng đã nằm trong sách Đỏ thuộc diện cần bảo vệ khẩn cấp, cấp độ V.
Theo Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế, cá bỗng Hà Giang đang được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở các khu vực địa lý: Xã Trung Thành, xã Việt Lâm, xã Quảng Ngần, xã Minh Tân, xã Phú Linh, xã Phương Tiến, xã Thanh Thủy, xã Cao Bồ, xã Thượng Sơn, xã Thuận Hòa thuộc huyện Vị Xuyên; xã Đường Âm, xã Yên Định, xã Minh Sơn, xã Lạc Nông, xã Giáp Trung, xã Yên Cường, thị trấn Yên Phú thuộc huyện Bắc Mê; xã Xuân Giang, xã Hương Sơn thuộc huyện Quang Bình; xã Tiên Kiều, xã Quang Minh, xã Việt Vinh, thị trấn Việt Quang thuộc huyện Bắc Quang; xã Phương Thiện, xã Phương Độ, xã Ngọc Đường và phường Quang Trung thuộc TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang.