Quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Trao đổi với NTNN, PGS-TS Lê Văn Cường - Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, từ thời khắc lịch sử cách đây 77 năm, vào ngày 2/9/1945, tại cuộc mít tinh trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong suốt 77 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam không ngừng đấu tranh bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết của dân tộc và quyền tự do, hạnh phúc của nhân dân với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập tự do".
Đặc biệt, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối Đổi mới, mở cửa và hội nhập, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực.
Bên cạnh những thành công thì cũng có nhiều vấn đề đặt ra mà Đảng phải giải quyết như tình trạng suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy, phải xây dựng Đảng đồng bộ về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: "Kết quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng các nhiệm kỳ qua và nhiệm kỳ Đại hội XII đã góp phần rất quan trọng để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay; Đảng ta đoàn kết, thống nhất và trong sạch, vững mạnh hơn; niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố tăng cường hơn, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới".
Cuộc chiến chống tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực khác do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động đã nhận được sự ủng hộ và niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hàng loạt cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật khi đã "nhúng chàm", thể hiện rõ quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng ta.
Thực tâm, chúng ta rất buồn trước thông tin nhiều đảng viên ở các cấp bị thi hành kỷ luật và bị truy tố trước pháp luật. Tổng Bí thư đã nói, đó là chuyện "rất đau lòng", nhưng chúng ta mừng vì người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã khẳng định quyết tâm "đau nhưng phải làm và sẽ còn tiếp tục làm"; tinh thần là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", vì sự nghiêm minh của kỷ luật đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân.
Tiếp nối và phát huy sức mạnh đoàn kết
"Mỗi thời đại, lòng dân có những đòi hỏi và yêu cầu khác nhau. Tôi nghĩ rằng, một trong những điều kiện tiên quyết hiện nay là phát huy dân chủ thực sự, có cơ chế tốt hơn nữa để người dân tham dự vào đời sống chính trị đất nước".
Nhà sử học Dương Trung Quốc,
Nhìn về ngày Quốc khánh 2/9/1945, nhà sử học Dương Trung Quốc nói: "Bài học xây dựng lòng tin và đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn vẹn nguyên giá trị".
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cả nước tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Nhiều đảng phái không tham gia, thậm chí tẩy chay cuộc bầu cử này. Nhưng khi bầu xong, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thuyết phục Quốc hội dành số ghế nhất định cho các đảng phái khác. Một số lãnh đạo các đảng phái khác được mời tham gia Chính phủ liên hiệp kháng chiến, giữ vị trí quan trọng. Nhiều trí thức tiêu biểu tham gia Chính phủ, như cụ Huỳnh Thúc Kháng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương thuyết phục các nhân sĩ, trí thức không phân biệt đảng phái cùng tham gia chính quyền, giúp nước Việt Nam non trẻ vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.
Vua Bảo Đại sau khi thoái vị, lấy tên là công dân Vĩnh Thụy, được mời ra làm cố vấn tối cao cho Chính phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh làm điều đó, bởi tin rằng nếu thuyết phục được những người có tinh thần dân tộc đi theo thì cách mạng có thêm lực lượng. Trong những người được mời tham gia Quốc hội, Chính phủ lúc ấy, có người sau này đi theo cách mạng đến cùng, nhưng có người bị thực tiễn tự đào thải. Tuy nhiên, tinh thần đại đoàn kết thể hiện ở những việc làm cụ thể, thiết thực như thế. Và tinh thần ấy vẫn được tiếp nối cho đến nay, nhất là qua cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 một lần nữa chứng tỏ, nếu toàn dân đoàn kết một lòng, quyết tâm thì đất nước sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Tuy nhiên, hoàn cảnh mỗi thời kỳ lịch sử có sự khác nhau, nên để phát huy tinh thần đoàn kết cũng phải có những cách làm phù hợp. Trước Cách mạng tháng Tám, hàng triệu người dân mất nước đều khao khát giành lại độc lập, tự do, nên ngọn cờ giải phóng dân tộc của Việt Minh đáp ứng lợi ích chung, đã quy tụ được đông đảo quần chúng.
"Mỗi thời đại, lòng dân có những đòi hỏi và yêu cầu khác nhau. Tôi nghĩ rằng, một trong những điều kiện tiên quyết hiện nay là phát huy dân chủ thực sự, có cơ chế tốt hơn nữa để người dân tham dự vào đời sống chính trị đất nước"- ông Quốc nói.
Vẫn theo nhà sử học Dương Trung Quốc, từ xưa đến nay, các nhà lãnh đạo thường nhắc lại câu nói "được lòng dân là được tất cả, mất lòng dân là mất tất cả". Bài học này đơn giản nhưng không dễ thực hiện.