Cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn lôi kéo các nước vừa và nhỏ vào vòng xoáy bất tận (bài cuối)

Lương Kết (thực hiện) Thứ sáu, ngày 02/09/2022 06:30 AM (GMT+7)
“Hiện nay chúng ta đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức lớn, có tác động và diễn biến phức tạp, khó dự báo. Cạnh tranh giữa các nước lớn ngày thêm gay gắt, quyết liệt, lôi kéo các nước vừa và nhỏ vào vòng xoáy cạnh tranh bất tận.”, Thiếu tướng, GS-TS Nguyễn Hồng Quân nói.
Bình luận 0

Tiếp tục nội dung bài phỏng vấn "Bài học từ Tuyên ngôn Độc lập: Tránh để đất nước bị đẩy lên tuyến đầu trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn" với  Thiếu tướng, GS-TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng, Dân Việt giới thiệu bài cuối: Thách thức từ cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, lôi kéo các nước vừa và nhỏ vào vòng xoáy bất tận.

Cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, lôi kéo các nước vừa và nhỏ vào vòng xoáy bất tận (bài cuối) - Ảnh 1.

Đại hội Đảng bộ Quân đội nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định, xây dựng Quân đội Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại. Ảnh Bộ Quốc phòng

Kế thừa bài học kinh nghiệm "giữ nước từ lúc nước chưa nguy"

Thưa Thiếu tướng, với bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay luôn thay đổi nhanh chóng, diễn biến rất phức tạp, khó lường. Cuộc xung đột Nga – Ukraine; căng thẳng xung quanh Đài Loan (Trung Quốc); vấn đề tranh chấp về chủ quyền biển, đảo diễn ra gay gắt, tiềm ẩn nguy cơ xung đột cao đã đặt ra những thách thức nào?

- Hiện nay chúng ta đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức lớn, có tác động và diễn biến phức tạp, khó dự báo. Cạnh tranh giữa các nước lớn ngày thêm gay gắt, quyết liệt, lôi kéo các nước vừa và nhỏ vào vòng xoáy cạnh tranh bất tận. Tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, tài nguyên ngày càng diễn ra phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ xung đột vũ trang.

Các thế lực thù địch thực hiện chống phá Nhà nước ta bằng nhiều thủ đoạn mới, chúng âm mưu thông qua "diễn biến hòa bình" để thay đổi chế độ chính trị, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, tạo cớ để phát động chiến tranh xâm chiếm biển, đảo, biên giới, kích động ly khai, "tự trị", thậm chí gây chiến tranh xâm lược kiểu mới. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức nhất là tình trạng quan liêu, tham nhũng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên làm giảm niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước.

Một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức một cách toàn diện và đầy đủ về tình hình mới và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, chủ quan, mất cảnh giác, không nắm chắc tình hình ở cơ sở, không gắn bó với nhân dân. Thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân chưa được xây dựng vững chắc và gắn kết chặt chẽ trên một số địa bàn.

Hoạt động nghiên cứu, dự báo về quốc phòng an ninh còn nhiều hạn chế, việc nắm bắt tình hình vẫn còn để xảy ra sơ hở, bị động, bất ngờ.

Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đặt ra yêu cầu phải chủ động phòng ngừa, triệt tiêu những yếu tố dẫn đến xung đột vũ trang, ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh. Phải chủ động nắm bắt tình hình, sáng tạo, quyết liệt, kiên quyết giữ vững nền độc lập dân tộc; không để bị lôi cuốn vào cạnh tranh giữa các nước lớn; giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác để phát triển đất nước.

Cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, lôi kéo các nước vừa và nhỏ vào vòng xoáy bất tận (bài cuối) - Ảnh 3.

Quân chủng Hải quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam được trang bị tiến thắng lên hiện đại. Ảnh Mai Khuê

Đảng, Nhà nước đã xây dựng Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự nhằm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, Thiếu tướng nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

- Từ năm 2016 đến nay, Đảng ta đã chỉ đạo xây dựng, ban hành mới và bổ sung, hoàn thiện khá đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật về quốc phòng, an ninh, như Chiến lược Quốc phòng Việt Nam; Chiến lược Quân sự Việt Nam; Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia; Luật Quốc phòng (sửa đổi năm 2018); Chiến lược An ninh mạng quốc gia và một số chiến lược quốc phòng, an ninh chuyên ngành khác.

Đây là lần đầu tiên Đảng thể chế hóa một cách đồng bộ các quan điểm về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc bằng các văn bản, đảm bảo cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý, có tính khả thi cao, tạo nên hệ thống chiến lược quốc gia về lĩnh vực quốc phòng, an ninh khá hoàn chỉnh, đồng bộ. Qua đó, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình mới.

Kế thừa bài học kinh nghiệm "giữ nước từ lúc nước chưa nguy" trong lịch sử dân tộc và kế thừa, phát triển tư tưởng về bảo vệ Tổ quốc từ xa đã được đề cập qua các kỳ Đại hội, đến Đại hội lần thứ XIII Đảng ta nhấn mạnh, làm sâu sắc quan điểm, tư tưởng chỉ đạo "bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa" trong điều kiện mới. Theo đó, Đảng tiếp tục khẳng định: Bổ sung, phát triển các quan điểm về kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại; gắn nhiệm vụ quốc phòng với nhiệm vụ an ninh, đối ngoại; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị để tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, sức mạnh tổng hợp của đất nước.

Từ thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta nhận thức rõ hơn về vai trò quan trọng của an ninh, đối ngoại; về nội hàm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; nhấn mạnh việc kiên trì đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, xây dựng "thế trận lòng dân" trong thời kỳ phát triển và hội nhập, làm cơ sở, nền tảng để xây dựng tiềm lực nền quốc phòng toàn dân.

Về phương châm chỉ đạo sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, Đại hội Đảng lần thứ XIII chỉ rõ cần phải: "Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế".

Củng cố quốc phòng và an ninh ngay trong thời bình, bảo đảm đủ sức mạnh đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi từ sớm, từ xa những nhân tố bất ổn có thể dẫn đến các tình huống quốc phòng, an ninh và các thế lực thù địch lợi dụng gây hấn, tạo cớ gây xung đột, chiến tranh. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã bổ sung và nhấn mạnh đến "Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân. Xác định "chủ động phòng ngừa" là chính. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh".

Cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, lôi kéo các nước vừa và nhỏ vào vòng xoáy bất tận (bài cuối) - Ảnh 4.

Lực lượng bộ binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Ảnh TPO

Vận dụng những tư tưởng lớn trong Tuyên ngôn Độc lập

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, độc lập dân tộc còn thể hiện sâu sắc qua vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như mối quan hệ với các nước lớn. Những tư tưởng về độc lập, tự do, bình đẳng dân tộc trong Tuyên ngôn Độc lập càng phải được phát huy thưa Thiếu tướng?

- Những tư tưởng của Tuyên ngôn Độc lập đã được Đảng ta vận dụng vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc một cách toàn diện, thấu đáo.

Trước hết trong nhận thức, Đảng ta xác định đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là mục tiêu chủ yếu, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: "bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia – dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, lôi kéo các nước vừa và nhỏ vào vòng xoáy bất tận (bài cuối) - Ảnh 5.

Thiếu tướng, GS-TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng. Ảnh NV

Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng nhằm mục đích xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội.

Nhận thức đúng đắn bảo vệ Tổ quốc là tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta đã xây dựng Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và các chiến lược quốc phòng, an ninh chuyên ngành khác nhằm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy. Trên cơ sở đó góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, nâng cao khả năng phòng thủ đất nước, sẵn sàng đánh thắng mọi hình thái chiến tranh xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng như hiện nay, độc lập dân tộc còn thể hiện sâu sắc qua vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như mối quan hệ với các nước lớn. Vận dụng những tư tưởng về độc lập, tự do, bình đẳng dân tộc trong Tuyên ngôn Độc lập, Đảng ta thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại với phương châm "trên cơ sở vừa hợp tác vừa đấu tranh, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia – dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước". Nhờ vậy, quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng; vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao, góp phần tạo nên thế và lực ngày càng vững mạnh cho đất nước trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Thấm nhuần bài học về sức mạnh tổng hợp của dân tộc trong đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của nước nhà, Đảng ta luôn xác định phát huy sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại tạo nên sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, trong đó sức mạnh nội sinh của dân tộc là nhân tố quyết định. "Chủ động chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng các phương án bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống".

"Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt", "xây dựng và phát huy mạnh mẽ "thế trận lòng dân", trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại".

Tuyên ngôn Độc lập không chỉ khai sinh ra nước Việt Nam mới với đầy đủ quyền độc lập, tự do mà còn là kim chỉ nam soi sáng con đường bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ta.

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng những tư tưởng mang tính thời đại trong bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn vẹn nguyên giá trị để chúng ta phát huy, vận dụng vào sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.

Xin cảm ơn Thiếu tướng (!)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem