Tôi không thích ăn ngọt nên không phải là tín đồ của các loại chè. Thế nhưng sau một lần ăn món chè hạt sen long nhãn được chế biến từ bàn tay của một cô gái Hà thành đã làm tôi thay đổi. Bởi lẽ, tuy món chè đó cũng ngọt nhưng là một vị ngọt rất thanh tao cộng với thứ hương thơm dịu nhẹ nhưng vô cùng lắng đọng.
Đó là vào một ngày chủ nhật xa lắc xa lơ, có lẽ cách nay phải hơn hai mươi năm, khi phòng trọ của tôi được một bạn quê Hưng Yên đem lên rất nhiều những quả nhãn lồng. Con gái cô chủ nhà nói: "Không ăn hết thì chị đem nấu chè sen đi!"
Và đó là cái cớ để hai chị em tôi đạp xe hơn mười cây số lên Hồ Tây tìm mua những hạt sen tươi về nấu chè hạt sen long nhãn.
Đầm sen tháng tám thật nhiều sắc thái. Lẫn giữa đám lá đã gần rạc là những bát sen vươn lên nghiêng nghiêng khoe những hạt mẩy căng lấm tấm màu xanh ngọc. Đây đó vẫn còn vài bông sen cuối vụ nở và toả hương thơm rất dịu dàng.
Tất nhiên người ta hoàn toàn có thể nấu chè bằng hạt sen và long nhãn khô. Nhưng ngon hơn cả vẫn là từ hạt sen tươi rói còn ngan ngát hương đầm cùng với những quả nhãn lồng đúng mùa chính vụ.
Sự kết hợp tài tình giữa hai thứ quả hoa thanh nhã của đất trời làm nên một món ăn "vương giả" mà ngày xưa người ta chỉ dùng để dâng lên vua chúa.
Tôi hỏi nấu món này khó không thì cô gái nói dễ mà không dễ. Dễ bởi nguyên liệu không có gì nhiều và quá cầu kỳ nhưng khó bởi làm được món chè hạt sen long nhãn ngon đòi hỏi ở người thợ không chỉ là sự khéo léo của đôi tay mà còn cả một sự cảm nhận tinh tế và lòng nhẫn nại.
Có lẽ chính vì điều ấy mà chè sen long nhãn không phải là món được bày bán phổ biến, rất hiếm gặp ở các quán chè vỉa hè. Ngay ở Hà Nội cũng chỉ có bán ở một số hàng chè lớn trên phố cổ.
Cô gái con cô chủ nhà nói, luộc hạt sen phải thật chú ý, khi nước vừa sôi là phải rút bớt lửa chỉ để lăn tăn. Như vậy hạt chín mà vẫn giữ nguyên hình không bị bung vỡ. Khi sên cũng phải nhỏ lửa để đường ngấm sâu vào trong mà hạt sen không bị cháy, bị vàng.
Tôi đã thực sự bị cuốn hút theo bàn tay em thoăn thoắt tách vỏ hạt và thông tâm sen. Và cũng bàn tay ấy lại rất cẩn trọng và nhẹ nhàng khi lấy hạt ra khỏi quả nhãn mà không làm cùi bị rách. Em kể món này em được bà nội dạy cho từ hồi bà còn sống. Bà từng bảo, mẹ của em cứ mải buôn bán làm giàu không chịu nữ công gia chánh nên bà dạy em mong giữ lại một chút nét đẹp của phụ nữ Hà Nội xưa. Em cười hiền với tôi: "Chắc em chỉ học được một phần rất nhỏ cái vén khéo của bà nội thôi!"
Khác với nhiều món chè thường có màu sắc bắt mắt và có thêm các loại hương liệu phụ gia, món chè hạt sen long nhãn từ màu sắc đến hương thơm đều tự thân mà có.
Khi ăn ta cảm nhận được vị cùi nhãn giòn giòn, vị hạt sen bùi béo. Nước chè thơm, lấm tấm những hạt gạo sen còn tươi ngát mùi đầm. Tất cả vẫn giữ nguyên vị mà lại như được nâng lên một cung bậc cảm xúc mới, thật lạ kỳ.
Tôi đã cố công học cách nấu chè và sau này nấu cho gia đình mình thưởng thức. Tuy mọi người đều khen nhưng tự tôi vẫn thấy nó thiếu thiếu một cái gì đó. Có thể đó chỉ là cảm giác hoặc cũng có thể tôi không có được đôi bàn tay khéo léo và sự chăm chút cẩn trọng đầy tinh tế cho một món ăn như cô con gái của chủ nhà trọ năm nào.
Đến nay tôi vẫn không hề thích đồ ngọt, nhưng riêng món chè hạt sen long nhãn vẫn luôn được tôi dành sự ưu tiên. Tôi yêu nó như yêu một nét xưa Hà Nội hay yêu chính kỷ niệm của mình. Một kỷ niệm thời tuổi trẻ trong trẻo mà ngan ngát, đong đầy hương sen.
Bài Món chè ướp hương sen Hồ Tây đậm đà hương vị tình thân dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.