Trong khi nhiều nông dân ở địa phương đang gặp khó khăn do đầu ra nông sản bấp bênh, thu nhập thấp thì ông Nguyễn Ngọc Tần, ở ấp An Thị, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) rất phấn khởi khi mô hình trồng cau xuất khẩu đang hút hàng, cho hiệu quả cao.
Qua nhiều năm gắn bó với cây thanh long thương phẩm, năm 1997, ông Nguyễn Ngọc Tần phát hiện cây cau thương phẩm có nhiều triển vọng, nhất là nhu cầu xuất khẩu. Từ đó, ông nhiều lần tìm đến vùng đất Bà Điểm, huyện Hóc Môn (TP. HCM) mua giống cau Vú Bò về trồng trên 7 công đất vườn thay cây thanh long. Đây là loại cau trái to màu xanh đậm, cơm dày, dễ trồng, năng suất cao và cho trái quanh năm.
Nhờ chịu khó nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật và rút tỉa kinh nghiệm để áp dụng trong sản xuất nên khu vườn cau của ông ngày một tốt tươi, trĩu quả.
Đến nay, khu vườn cau của ông Tần có 1.200 cây cau từ 4-6 năm tuổi. Mỗi cây cau sau 4 năm tuổi cho trái với năng suất từ 40-50 kg/năm. Gần đây, trái cau xuất khẩu mạnh sang thị trường Trung Quốc nên, giá dao động từ 20.000 – 50.000 đồng/kg (tùy theo thời điểm) và rất dễ tiêu thụ.
Cau Vú Bò cho năng suất cao.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tần, cau rất dễ trồng so với các loại cây trồng khác như không kén đất, tiết kiệm diện tích đất, phân bón, ít sâu bệnh và có khả năng chống chịu cao với khô hạn. Để cho cây cau phát triển tốt, ông sử dụng phân hữu cơ và phòng ngừa bệnh thối đọt cau.
Hiện nay, vườn cau này mỗi tháng cho thu hoạch gần 2 tấn trái cau tươi. Ngoài ra, ông còn chọn các buồng cau tốt để làm giống, bán với giá từ 20.000 – 25.000 đồng/cây giống. Năm qua, vườn cau của ông cho thu nhập gần 500 triệu đồng.
“Trồng cau hiệu quả hơn trồng dừa vì trên 1 công đất có thể trồng đến 170 cây. Vài năm trở lại đây, cau có giá cao nên chỉ cần buồng cau 4kg đã có thể bán với giá hơn 200.000 đồng.
Cau dễ trồng, dễ chăm sóc và không cần xịt thuốc, chỉ cần 1 người có thể chăm sóc vườn cau trên diện tích 7 công đất. Theo tôi nghĩ, cây cau hay cây gì cũng vậy, muốn trồng đạt năng suất thì phải có mương liếp bằng phẳng, thoát nước tốt, phân hữu cơ như phân dê, phân gà bón thường xuyên thì cau có trái đặc cây”, ông Tần chia sẻ về mô hình trồng cau của mình.
Gần đây, trái cau xuất khẩu rất mạnh nhất là thị trường Trung Quốc để làm dược liệu, dược phẩm và phục vụ như là loại ngũ quả để cúng tế, cưới hỏi và là thứ không thể thiếu được trong tục ăn trầu của người dân…Vườn cau của ông Tần được thương lái đến tận vườn thu hoạch và chuyển về tập kết tại tỉnh Bến Tre để sơ chế đưa đi xuất khẩu.
Ông Tần cho biết, trồng cau không phải tốn công như các loại cây ăn trái khác. Khu vườn 7 công đất của ông lắp đặt hệ thống phun tưới nước tự động nên không còn phải thuê mướn lao động nên giảm được chi phí. Để đảm bảo ổn định thu nhập, ông trồng xen cây bưởi da xanh đến nay được hơn 2 năm tuổi đang cho trái.
Theo kinh nghiệm của ông Tần, cây bưởi khi trồng xen cây cau rất thích hợp, cộng hưởng nguồn nước tưới, phân bón nên rất tốt tươi, cho trái say. Dưới các mương rảnh trong vườn ông còn trồng rau nhúc, thả nuôi ốc bưu đen để có thêm nguồn thu nhập.
Năm nay, nông dân Nguyễn Ngọc Tần ước tính sẽ có nguồn thu nhập gần 1 tỷ đồng do năng suất, sản lượng trái cau tươi, cau giống tăng lên kết hợp với bán giống, trái bưởi da xanh, ốc bươu đen…
Ông Lê Hoàng Lâm, Chủ tịch Hội nông dân xã Mỹ Tịnh An cho biết, ông Nguyễn Ngọc Tần là nông dân tiêu biểu, luôn đi đầu trong các mô hình sản xuất, có vai trò ” dẫn dắt” phong trào thi đua lao động sản xuất tại địa phương.
"Mô hình trồng cau xuất khẩu của chú Sáu Tần đang mang lại hiệu quả cao. Chú Tần là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trước đây về cây thanh long, sau này mô hình trồng cau cũng là người đầu tiên tại địa phương. Ngoài làm kinh tế giỏi, chú Tần còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động công ích tại địa phương”, ông Lâm thông tin.
Với ý chí chăm lo lao động, sáng tạo, đi đầu trong việc áp dụng các mô hình sản xuất như trồng thanh long, trồng cau thương phẩm, thời gian qua, ông Nguyễn Ngọc Tần đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng- Nhà nước và các ngành, các cấp.
Năm 2003, ông Tần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và năm 2014 được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba về thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất. Gia đình ông Tần chỗ chỉ có thu nhập trung bình, bằng mô hình kinh tế sáng tạo nay đã trở nên khá giả, các con của ông đều học hành và làm ăn thành đạt. Ông từng là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Ở tuổi 60, đã trải qua hàng chục năm gắn bó với nghề làm vườn nhưng người nông dân này vẫn chưa hề mệt mỏi mà quyết tâm cải tạo, chăm sóc khu vườn hỗn hợp cau xen bưởi da xanh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng để có nguồn thu nhập ngày càng cao.