Hội nghị tập trung những vấn đề nóng mà TP đang nỗ lực giải quyết nhằm cải thiện môi trường đầu tư, giúp doanh nghiệp nhanh chóng tăng tốc sản xuất về thủ tục hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, chính sách tài chính, đất đai, quy hoạch…
Các doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính hiện nay còn phức tạp, rườm rà, doanh nghiệp mất nguồn kinh phí chạy theo để sửa đổi, đào tạo tốn chi phí. Đề xuất cần cung cấp thông tin nhanh và chi tiết đến các doanh nghiệp về thay đổi các chính sách, các quy định của pháp luật để doanh nghiệp chủ động thực hiện; công khai minh bạch thông tin, thủ tục và thời gian giải quyết, trả kết quả thủ tục hành chính.
Doanh nghiệp đề xuất đơn giản hóa các thủ tục hành chính, chế độ chính sách và tăng cường các nguồn lực, tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp; cần áp dụng công nghệ thông tin nhiều hơn để giảm bớt thủ tục giấy.
Đang có tình trạng nguồn lao động khan hiếm, thiếu nhóm lao động công nhân kỹ thuật có tay nghề, kể cả lao động phổ thông, trung cấp tuyển dụng rất khó khăn. Doanh nghiệp đề xuất cần có chính sách thu hút lao động phù hợp; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lục và tạo thêm các kênh kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động đang tìm kiếm việc làm; tăng nguồn cung lao động, giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động.
Để tăng khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính, TP cần đề ra các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch, thúc đẩy kết nối ngân hàng và doanh nghiệp... Đồng thời, doanh nghiệp mong muốn TP đẩy mạnh việc huy động đầu tư từ xã hội để khai thác hiệu quả tài nguyên đất và không gian đô thị; rà soát những quỹ đất hiện có, xử lý tài sản nhà đất sử dụng không hiệu quả...
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM Phạm Phú Trường cho rằng, TP cần nhận diện các thách thức từ bên ngoài và trở lực từ bên trong có thể làm chậm lại quá trình tăng trưởng của thành phố. Theo ông Trường, thách thức từ bên ngoài chính là dịch bệnh diễn biến khó lường; là bất ổn chuỗi cung ứng toàn cầu; giá cả tăng, người tiêu dùng toàn cầu có thay đổi khó đoán về nhu cầu, bất ổn kinh tế thế giới; tư duy về phương thức kinh doanh đang chuyển qua hướng số hóa, xanh sạch và bền vững…
Trong khi đó, TP cũng còn tồn tại nhiều trở lực bên trong, có thể kể đến như: Tốc độ giải ngân chậm, cải cách hành chính chưa thể làm hài lòng người dân và doanh nghiệp, triển khai chiến lược số chưa đạt kết quả như mong đợi, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã ban hành nhưng vẫn còn chậm…
Chia sẻ tại hội nghị, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm (FFA) cho biết, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng cộng đồng doanh nghiệp lương thực thực phẩm vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Theo bà Chi, thời quan qua, nhiều sáng kiến về cải cách hành chính đã được chính quyền thành phố áp dụng, từng bước phát huy, tạo hiệu quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, vẫn còn một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, do đó TP cần tiếp tục đi đầu và cùng với cả nước siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, cải cách hành chính tối đa trên mọi lĩnh vực để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng chính quyền đô thị.
"Cộng đồng doanh nghiệp rất cần tiếng nói kịp thời của thành phố đến với các với bộ ngành trung ương để hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường các buổi tiếp xúc với doanh nghiệp…", bà Chi đề nghị.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, TP tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và phát triển.
Hiện TP.HCM đã xây dựng chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện mới với 2 giai đoạn cụ thể: Từ nay đến hết năm 2022 khắc phục các hệ lụy, khôi phục những gãy đổ của chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; hỗ trợ cho doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo đời sống an sinh xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19.
Từ năm 2023 - 2025, TP sẽ tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, triển khai các giải pháp, chương trình đã được chuẩn bị theo tinh thần của Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 11; giải quyết các điểm nghẽn để đảm bảo cho sự phát triển nhanh, bền vững của TP.
Trước các ý kiến của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư là mục tiêu TP đã nỗ lực nhưng thời gian qua vẫn chưa thực sự hiệu quả, đồng bộ để kịp thời đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Ông Mãi cho rằng các sở, ngành TP tiếp tục đặt ra các yêu cầu phải minh bạch hồ sơ, minh bạch trách nhiệm và sẽ công bố các giải pháp công nghệ để giải quyết những phản ảnh của doanh nghiệp nhanh chóng thời gian tới.