Những ngày cuối tháng 8, Báo Dân Việt nhận được phản ánh của người dân huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị về việc có nhiều bãi tập kết cát, sỏi trái phép hoạt động nhiều năm nhưng chưa được xử lý, gây bức xúc dư luận. Người dân đặt câu hỏi, liệu có tình trạng bảo kê các bãi tập kết cát, sỏi này hay không? Tiếp nhận thông tin, PV Dân Việt đã vào cuộc tìm hiểu.
Hơn 4h30 ngày 31/8, PV Dân Việt theo chân người dân địa phương đến bãi tập kết cát, sỏi của ông Trần Văn Tân (xóm Cồn Tàu, thôn Đông Sơn, xã Hải Sơn) bắt gặp tàu thuyền xúc, hút cát lậu lên băng chuyền, đổ thẳng vào xe tải. Hết xe này đến xe khác ra vào bãi vận chuyển cát đi nhiều nơi.
Bãi tập kết cát trái phép của ông Tân nằm bên mép sông Thác Ma. Tại bãi còn xuất hiện vật liệu để đúc bờ lô. Khi PV Dân Việt đang ghi hình đã có đối tượng tỏ ra hung hăng, có ý cản trở.
PV Dân Việt đến bãi tập kết cát sỏi trái phép của ông Bùi Phước Tư (ở xóm Hoà, thôn Câu Hà, xã Hải Phong), nằm bên mép sông Ô Giang. Tại đây, "cát tặc" xúc cát từ tàu đưa lên băng chuyền tập kết lên bãi của ông Tư ngay giữa ban ngày. Lượng cát lậu được tập kết rất nhiều.
Những "cát tặc" ở đây cho biết, họ khai thác cát trái phép ở sông Thác Ma đem bán cho ông Tư với giá 80.000 đồng/khối.
Người dân địa phương cho biết, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở bờ sông, uy hiếp nhà cửa, mộ phần của gia đình, dòng tộc của họ.
Làm việc với PV Dân Việt, ông Lê Văn Huân – Chủ tịch UBND xã Hải Sơn cho biết, hiện nay trên địa bàn không có mỏ cát, sỏi nào được cấp phép hoạt động.
Tuy nhiên, ông Huân thừa nhận có tình trạng khai thác cát trái phép xảy ra trên địa bàn, trong đó có người dân của 2 xã cùng con sông là Phong Hoà và Phong Bình (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) tham gia.
Tiếp nhận thông tin về hoạt động của bãi tập kết cát, sỏi của ông Trần Văn Tân, ông Huân kiểm tra và cho biết: Ông Tân sử dụng đất bồi ven sông, do UBND xã Hải Sơn quản lý để làm bãi đúc bờ lô, thu mua cái trái phép. Vì vậy, UBND xã sẽ kiểm tra, xử lý.
Ông Tân cũng thừa nhận đã sử dụng đất trái phép, mua bán cát lậu, không có bất cứ giấy tờ thủ tục hợp pháp nào. Việc làm của ông diễn ra đã 7 năm nay.
Còn ở Hải Phong, PV Dân Việt đặt câu hỏi, thời gian qua công tác quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản của chính quyền như thế nào? Ông Bùi Xuân Giang – Chủ tịch UBND xã cho biết, trên địa bàn không có mỏ cát, sỏi được cấp phép; nhưng có tình trạng khai thác cát trái phép, gây sạt lở đất.
Trước đây, ở Hải Phong có 2 bãi tập kết cát, sỏi nhưng sau quá trình tích cực tuyên truyền, vận động, nay chỉ còn 1 bãi tập kết của ông Hoàng Văn Công (thôn Câu Hà) còn hoạt động.
Ông Giang nhiều lần khẳng định, trên địa bàn xã chỉ còn 1 bãi tập kết của ông Công còn hoạt động và có giấy phép.
Thế nhưng, khi PV Dân Việt đề cập đến hoạt động tại bãi tập kết cát trái phép của ông Bùi Phước Tư, ông Giang mới miễn cưỡng thừa nhận là có.
Ông Giang cho hay, ông Tư tự ý sử dụng đất do xã quản lý để làm bãi tập kết cát sỏi; không có giấy phép bến thuỷ nội địa và các thủ tục hợp pháp liên quan. Bãi tập kết của ông Tư hoạt động nhiều năm nay.
Ông Giang biện minh rằng, UBND xã đã từng phối hợp với Phòng TNMT huyện kiểm tra thấy ông Tư có giấy phép kinh doanh vật liệu xây dựng nên cứ nghĩ đủ điều kiện hoạt động.
"UBND xã sẽ kiểm tra và xử lý bãi cát trái phép của ông Tư" – ông Giang nói.
Bãi tập kết cái trái phép ở huyện Hải Lăng. Clip: Ngọc Vũ.