Dân Việt

Kẻ dùng xiên nướng thịt đâm trung úy công an ở Hà Nội có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung 01/09/2022 08:04 GMT+7
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ba Vì, Hà Nội, đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam Lê Văn Hai (44 tuổi, ở xã Tiên Phong, huyện Ba Vì) về tội Chống người thi hành công vụ. Luật hình sự quy định thế nào về hành vi của Hai?

Dùng xiên nướng thịt đâm trung úy công an

Theo cơ quan chức năng, sáng 27/8, Hai dự tiệc cưới tại thôn Đông Phong, xã Tiên Phong. Bị can khi đó chúc rượu anh N.V.H. (20 tuổi), nhưng bị từ chối. Cảm thấy không được tôn trọng, Hai lấy 2 xiên kim loại có đầu nhọn (loại nướng thịt) truy đuổi anh H.

Anh H. sau đó kịp chạy thoát, nhưng người dân vẫn trình báo vụ việc với Công an xã Tiên Phong. Chỉ huy công an xã đã cử tổ công tác gồm 3 cán bộ xuống hiện trường để xác minh vụ việc.

Kẻ dùng xiên nướng thịt đâm trung úy công an ở Hà Nội có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Lê Văn Hai, người đâm trung úy công an bằng xiên nướng thịt lúc bị bắt. Ảnh công an cung cấp.

Tổ công tác đi đến gần nhà của Hai, thấy bị can vẫn đang cầm 2 xiên kim loại. Ngay khi thấy cảnh sát, bị can rút thêm con dao mang theo người từ trước để chống đối.

Ông ta chạy vào nhà một người dân cố thủ, dùng gạch và xiên kim loại tấn công lại tổ công tác. Vụ việc khiến trung úy Mai Tiến Hưng bị thương bởi xiên kim loại. Vị trung úy được đưa đi cấp cứu còn Hai bỏ trốn.

Sáng 29/8, Công an huyện Ba Vì nắm được thông tin Hai sẽ về nhà nên lên kế hoạch bắt giữ. Đến lúc này, Hai vẫn ngoan cố, cố thủ trong nhà. Tuy nhiên, bằng biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng vẫn khống chế được Lê Văn Hai.

Quy định về tội chống người thi hành công vụ

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, tội danh mà Lê Văn Hai bị khởi tố được quy định tại Điều 330 Bộ luật hình sự 2015.

Theo bà Thơ, tội phạm này thực hiện với lỗi cố ý và xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ, thông qua đó xâm phạm đến hoạt động của nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công.

Mặt khách quan của tội phạm này là có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.

Cụ thể người phạm tội có thể có những hành vi sau: Dùng vũ lực chống người thi hành công vụ là dùng sức mạnh vật chất tấn công trực tiếp người đang thi hành công vụ (đấm, đâm, chém...)

Đe doạ dùng vũ lực là dùng lời nói, cử chỉ có tính răn đe, uy hiếp khiến người thi hành công vụ sợ hãi, phải chấm dứt việc thực thi công vụ... Sự đe doạ là thực tế có cơ sở để người bị đe dọa tin rằng lời đe dọa sẽ biến thành hiện thực.

Cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật là khống chế, ép buộc người thi hành công vụ phải làm những điều trái với chức năng, quyền hạn của họ hoặc không làm những việc thuộc chức năng quyền hạn của họ.

Các thủ đoạn khác chống người thi hành công vụ là hành vi bôi nhọ, vu khống, đe doạ sẽ cung cấp những tin tức bất lợi cho người thi hành công vụ…

Đặc biệt, nếu hành vi chống người thi hành công vụ gây thương tích hoặc làm chết cán bộ thi hành công vụ, người phạm tội còn có thể bị truy cứu về các tội cố ý gây thương tích, tội giết người…

Bà Thơ cho biết, khung hình phạt cơ bản của người phạm tội này là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm (nếu có tình tiết giảm nhẹ) hoặc sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm khi có hành vi cản trở những người thi hành công vụ.

Và sẽ bị phạt tù từ 2 đến 7 năm nếu người vi phạm có sự bàn bạc trước, cấu kết có tổ chức, phạm tội từ 2 lần trở lên, xúi giục lôi kéo, kích động người khác phạm tội,… để thực hiện tội phạm nhằm chống đối người thi hành công vụ (khoản 2 Điều 330).

Như vậy, nếu bị chứng minh là có tội chống người thi hành công vụ, tùy tính chất mức độ mà người phạm tội có thể đối mặt với các khung hình phạt nêu trên.