Chiều 31/8, nữ điều dưỡng Ngô Thị Loan cùng nhiều nhân viên y tế Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đặt tại quận Hoàng Mai vẫn miệt mài với công việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Ngày này cũng vừa tròn 1 năm Bệnh viện Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 hiện đại bậc nhất Hà Nội với quy mô 500 giường bệnh được đưa vào hoạt động.
Trao đổi với PV Dân Việt, chị Loan chia sẻ, chị gắn bó với công việc tại đây đến nay đã được 9 tháng. Theo chị Loan, thời điểm trước và sau Tết Nguyên Đán số lượng người bệnh nhiễm Covid-19 nặng từ Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc tăng mạnh được đưa đến điều trị, các nhân viên y tế dường như không có thời gian nghỉ ngơi, tất cả đều hoạt động 200-300% công suất.
Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 hiện đại nhất Hà Nội giờ ra sao? Clip: Gia Khiêm
Nếu như trước toàn bộ sinh hoạt, chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 đều phụ thuộc vào nhân viên y tế thì nay công việc vất vả đó cũng phần nào được người nhà bệnh nhân chia lửa cho các y bác sĩ. Mỗi gia đình được 1 người ở trong bệnh viện chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19.
"Từ khoảng tháng 4 đến nay số lượng bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng giảm. Trước đông bệnh nhân chúng tôi cũng không có thời gian nghỉ ngơi, giờ thì đỡ hơn. Số ca mắc Covid-19 hiện nay có nhưng bệnh nhân được tiêm vaccine đỡ hơn trước", điều dưỡng Loan nói rồi chạy lại động viên một nữ bệnh nhân cao tuổi: "Bác uống thuốc vào không lâu được về lắm, cố gắng tập luyện nhé, tập đi lại 30-40 phút cho nhanh phục hồi".
Theo nữ điều dưỡng, nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng sau thời gian dài thở máy, nằm một chỗ phải phục hồi lại chức năng bằng cách tập luyện, vận động. "Nhiều bệnh nhân nằm quá lâu tập luyện lại chức năng sau hậu Covid-19 như tập thở, tập đi lại, vận động chân tay… Tuy nhiên, khi hướng dẫn cũng phải rất nhẹ nhàng với bệnh nhân", điều dưỡng Loan nói.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng vào những ngày đầu năm 2022, bệnh viện liên tục điều trị cho 250 ca mỗi ngày. Đến nay, khi dịch hạ nhiệt nhanh chóng, bệnh viện đang điều trị cho khoảng 30 bệnh nhân.
Bệnh viện có 3 khu vực được phân màu và chức năng riêng biệt. Vùng xanh là khu hành chính, màu vàng là khu dinh dưỡng, nghỉ ngơi, xét nghiệm, test định kỳ, kho vật tư thiết bị y tế. Khu vực vùng đỏ là dành cho bệnh nhân nặng điều trị ICU, ngoài ra còn các khu vực đệm.
Chăm sóc cho mẹ nhiễm Covid-19 tại bệnh viện, chị Nguyễn Thị Thường ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định cho biết, mẹ mình bị Covid-19 và được chuyển đến đây 3 ngày.
"Lúc đầu khi mới vào viện mẹ tôi cũng nặng vì bà có bệnh nền tiểu đường. Tuy nhiên, đến nay được điều trị sức khoẻ mẹ tôi tiến triển nhiều. Trước tôi sợ Covid-19 lắm, đợt vừa qua cả nhà tôi cũng đã bị. Cả nhà đã tiêm 3,4 mũi vaccine nên giờ xem đây như một bệnh bình thường nhưng không vì thế mà chủ quan", chị Thường nói.
Cách đó không xa là giường bệnh của người nhà chị Bùi Thị Vân (Hải Phòng). Chị Vân cho biết, trước đó bố chị điều trị tai biến tại Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi phát hiện khó thở, xét nghiệm thì ông được xác định nhiễm Covid-19.
"Do bố tôi có nhiều bệnh nền, bệnh tiến triển nhanh, khi đưa vào viện thì nguy kịch. Tuy nhiên, sau 5 ngày điều trị, giờ ông đã khỏi và chuẩn bị được ra viện", chị Vân nói. Cũng theo người nhà bệnh nhân, các bác sĩ nhiệt tình chu đáo, giúp đỡ người nhà khi neo người.
Trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Nguyễn Minh Nguyên, Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 cho biết, hiện tại bệnh viện chỉ còn 22 bệnh nhân điều trị. Mỗi ngày tại đây tiếp đón khoảng 4, 6 bệnh nhân vào viện chủ yếu ở Hà Nội, thi thoảng ca tỉnh khác đi khám ở Hà Nội có bệnh được chuyển sang.
"Covid-19 có sự thay đổi các chủng khác nhau, chủng sau thường có tốc độ lây lan mạnh hơn chủng trước đó. Như chủng Omicron lây lan mạnh nhưng bệnh nhân mức độ nhẹ hơn chủng Delta. Sau thời gian tiêm vaccine kéo dài, suy yếu miễn dịch, do vậy tỉ lệ nhiễm Covid-19 tăng lên. Người Covid-19 nặng chủ yếu người cao tuổi, người bị bệnh nền. Trong số 30 bệnh nhân có 2 bệnh nhân thở máy, 2 bệnh nhân thở oxy dòng cao, 2 bệnh nhân thở máy không xâm nhập… Bệnh nhân nặng, nguy kịch chiếm khoảng gần 50%", bác sĩ Nguyên thông tin.
Cũng theo bác sĩ Nguyên, trước đó có 9 đơn nguyên điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng, giờ chỉ còn hoạt động 2 đơn nguyên. Có khoảng 30 nhân viên y tế phục vụ chăm sóc người bệnh.
"Hiện tại chăm sóc Covid-19 có xu hướng phù hợp với khuyến cáo của WHO về chống lây nhiễm, số lượng bệnh nhân so với đỉnh dịch mấy tháng gần Tết thấp hơn, áp lực công việc đỡ gánh nặng hơn. Với Covid-19 vẫn có trường hợp bệnh nặng do vậy mọi người phải rất chú ý đặc biệt với người có tiền sử bệnh nền hay người cao tuổi.
Nhiều người bị sốt rất dễ bị nhầm lẫn như sốt xuất huyết, cúm A,B, Covid-19. Do vậy khi có biểu hiện cần đi khám xác định nguyên nhân gây ra sốt. Đối với người cao tuổi, người có bệnh nền cần có thuốc đặc trị trị các bệnh liên quan, phát hiện sớm điều trị sớm giảm nguy cơ bị nặng, ngoài ra theo dõi số liệu về tim mạch, huyết áp, SpO2 rất quan trọng", bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.
Trước câu hỏi Covid-19 có còn đáng sợ, bác sĩ Nguyên cho hay, dịch vẫn có thể tiếp diễn, thay đổi theo các chủng, biến thể khác nhau. Khi xuất hiện nhiều biến thể sẽ có nguy cơ mạnh hơn, thậm chí trở thành đỉnh dịch nên không thể xem nhẹ Covid-19.
Bác sĩ khuyến cáo, đối với người có bệnh nền và cao tuổi, khi mắc Covid-19 ảnh hưởng nhiều sức khoẻ, do vậy mọi người vẫn phải chú ý sức khoẻ của mình.