Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trưa muộn một ngày gần 27/2, tại nơi đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch - Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội - không khí vẫn vô cùng tất bật, dồn dập. Các y, bác sĩ nơi đây không phút nào ngơi nghỉ chân tay.
Công việc đang luôn tay, điều dưỡng Phạm Hữu Đạt (công tác tại Khoa tim mạch, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn được điều động đến hỗ trợ Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19) nhận được tin báo một bệnh nhân nam cao tuổi chuyển từ Bệnh viện Lão khoa Trung ương trong tình trạng suy hô hấp trên nền Covid-19 nặng.
Ngay lập tức, điều dưỡng Đạt cùng kíp trực vội vã ra xe cứu thương đưa bệnh nhân vào phòng hồi sức R14 cấp cứu. Tại đây các bác sĩ bế bệnh nhân từ xe đẩy xuống giường bệnh. Mọi thao tác cấp cứu được tiến hành nhanh chóng. Bệnh nhân được thực hiện mở khí quản. Ở đây, thời gian là vàng, không có chỗ cho sự do dự hay chậm trễ.
Điều dưỡng Phạm Hữu Đạt cứu chữa bệnh nhân Covid-19 nặng.
Cùng với đặt ống nội khí quản, mở khí quản cho bệnh nhân Covid-19 là thủ thuật có nguy cơ lây nhiễm cao. Bởi trong quá trình phẫu thuật phải mở đường thở của bệnh nhân, tất cả khí ở phổi mang theo virus sẽ tràn ra ngoài không khí. Một ca mở khí quản thông thường mất khoảng 30 phút, nhưng nếu gặp ca khó (như vì giải phẫu cổ bệnh nhân quá ngắn) thì có thể kéo dài từ 90 phút tới 2 giờ đồng hồ. Mạng sống của tất cả các bệnh nhân nặng, nguy kịch tại đây phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống máy móc và nỗ lực chăm sóc không ngừng nghỉ của đội ngũ y, bác sĩ.
"Bệnh nhân bị khá nặng, đờm trong cuống họng tồn đọng rất nhiều phải tiến hành hút ra ngay", điều dưỡng Đạt vừa nói vừa tiến hành các bước thủ thuật. Bên ngoài phòng trực ban chỉ huy liên tục trao đổi qua bộ đàm các bước điều trị, chỉ số SpO2 (nồng độ oxy trong máu) cho các bệnh nhân… Những tiếng tít tít của máy móc, trang thiết bị vang vọng cả ngày lẫn đêm tại nơi "nóng nhất" của bệnh viện này.
Cách đó vài giường bệnh, một bệnh nhân nam cũng mới được đưa vào Khoa hồi sức trong tình trạng diễn biến nặng. Bệnh nhân khó thở, bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản. Tuy nhiên, bệnh nhân tỏ vẻ không hợp tác, liên tục đòi ngồi dậy.
"Anh chịu khó thả lỏng, hợp tác, nuốt mạnh nào… nếu không sẽ phải đặt lại ống đau hơn đấy, cố gắng nhé", nữ bác sĩ khuyên. Tuy nhiên, các bác sĩ phải rất vất vả mới tiến hành được các bước cấp cứu cho bệnh nhân.
"Chúng tôi cố gắng tối đa với mong muốn lớn nhất bệnh nhân khỏi bệnh, ra viện. Công việc mỗi kíp trực kéo dài 12 giờ đồng hồ cứ thế liên tục hết bệnh nhân này đến bệnh nhân khác. Nhiều cuộc cấp cứu trong đêm giành sự sống cho bệnh nhân. Bệnh nhân nào khoẻ lại sẽ được chuyển về phòng nhẹ hơn", nam điều dưỡng chia sẻ.
Công tác trong ngành y gần 10 năm ở Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, bác sĩ Đạt đến đây tăng cường hỗ trợ cho các bệnh nhân nặng khoảng 3 tuần nay. Lúc đầu khi bắt tay vào công việc, anh đôi chút bỡ ngỡ nhưng chỉ 2 ngày sau, mọi việc trở nên thuần thục, đi vào quỹ đạo.
"Niềm vui lớn nhất của chúng tôi đó là được nhìn thấy nụ cười của bệnh nhân khi khỏi bệnh trở ra. Đã vào đây đều là bệnh nhân rất nặng, phải thở máy, lọc máu, chạy ECMO (tim phổi nhân tạo). Có nhiều bệnh nhân kiên cường vượt qua bệnh tật, nhưng có trường hợp bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhiều bệnh nền không thể chiến thắng được số phận", điều dưỡng Đạt nói.
Anh kể, trong ngày, một cặp vợ chồng cao tuổi mắc Covid-19 dù được các y, bác sĩ nỗ lực cứu, giành giật sự sống nhưng bị quá nặng nên cả hai đều đã tử vong.
"Cụ ông mất trước đó một ngày thì hôm nay đến cụ bà. Bệnh nhân nhiều bệnh nền, phổi nặng quá không cố cứu được. Trước đó, các y bác sĩ cũng tiên lượng tử vong cao, dồn lực cố điều trị vận mạch không đáp ứng được. Những lúc như thế, tâm trạng của chúng tôi buồn lắm. Làm nghề này, chúng tôi mong muốn sao cứu chữa bệnh nhân hết khả năng có thể. Thế nhưng có bệnh nhân nặng không thể vượt qua, đó là điều mà bác sĩ không ai mong muốn", nam điều dưỡng bày tỏ.
Mặc dù đang là F0 "chính hiệu" nhưng bác sĩ Trần Huyền Trang vẫn không cho phép mình một ngày ngơi nghỉ. Có lúc chị Trang bị sốt cao, đau mỏi người nhưng sau khi hạ cơn sốt chị lại khoác trên mình đồ bảo hộ cùng đồng nghiệp tiếp tục công việc, lao vào công cuộc cứu chữa những bệnh nhân Covid-19 nặng.
"Hiện tại dịch Covid-19 đang ở giai đoạn gần như đỉnh điểm, nhân viên y tế trở thành F0 rất nhiều. Ngay cả Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở Tôn Thất Tùng cũng như cơ sở tại Hoàng Mai chiếm 1/3, thậm chí 1/2 nhân viên y tế là F0. Nếu chúng tôi mà nghỉ thì gần như không còn ai.
Do vậy những ai F0 nhưng triệu chứng nhẹ vẫn đi làm. Mình cố gắng hết sức, dồn 200-300% sức lực vì bệnh nhân. Nhìn khối lượng công việc như vậy nếu mình nghỉ ngơi thì đồng nghiệp sẽ vất vả, gánh thêm phần việc của mình. Như vậy tôi cũng không thể chỉ nghĩ cho riêng mình mà còn vì đồng nghiệp, vì người bệnh nữa", chị Trang chia sẻ.
Vừa nói dứt lời, chị Trang cùng kíp trực tiến hành đặt ống lọc máu cho một nữ bệnh nhân Covid-19 nặng. Theo chị Trang, mọi năm vào dịp 27/2 (ngày Thầy thuốc Việt Nam) các y, bác sĩ vẫn tổ chức các buổi tri ân nho nhỏ với nhau, nhưng năm nay dịch bệnh phức tạp không thể tổ chức và cũng không có thời gian để nghĩ tới những chuyện đó nữa.
"Ngày 27/2 năm nay, tôi chỉ muốn tất cả nhân viên y tế, mọi người đều khỏe mạnh, có khả năng tiếp tục công việc của mình và cũng chúc cho dịch bệnh sớm được đẩy lùi. Thay vì hoa, quà thì mong ước lớn nhất của những người làm ngành y là được nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của bệnh nhân sau trận ốm thập tử nhất sinh. Đó cũng là điều mà y bác sĩ nào cũng mong mỏi", chị Trang tâm sự.
Vợ chồng chị Trang đều công tác trong ngành y. Có thời điểm cả hai cùng tham gia chống dịch. Cũng may những lúc như thế, con nhỏ được hai bên gia đình hỗ trợ chăm sóc.
"Có thời gian kéo dài hơn 2 tháng liên tục, tôi không được về. Nhớ con lắm nhưng vì dịch bệnh căng thẳng nên gửi gắm nỗi nhớ đó qua điện thoại. Vợ chồng cùng ngành nên thấu hiểu công việc của nhau và thường xuyên trao đổi, chia sẻ. Đó cũng là động lực để cùng phấn đấu, cố gắng vì người bệnh", chị Trang cười nói.
Cũng như chị Trang, điều dưỡng Đỗ Tân Minh đang là F0 tham gia điều trị tại Khoa hồi sức cấp cứu. Anh Minh vẫn mệt do mắc bệnh nhưng anh cùng đồng nghiệp cố gắng vì người bệnh.
Tham gia điều trị tại đây đến nay được 4 tháng, anh Minh không thể nhớ hết mình đã hỗ trợ cấp cứu cho bao nhiêu bệnh nhân. Theo anh bệnh nhân nào cũng đã nặng, nguy kịch… Mỗi người là một câu chuyện, kỷ niệm.
Mặc dù đang là F0 nhưng bác sĩ Trần Huyền Trang và Điều dưỡng Đỗ Tân Minh (đang trao đổi với PV Dân Việt) vẫn không cho phép mình một ngày ngơi nghỉ. Hai anh chị cùng đồng nghiệp tiếp tục công việc, lao vào hành trình cứu chữa những bệnh nhân Covid-19 nặng.
"Như ca bệnh ở giường số 20, sau hơn 1 tuần đặt ống nội khí quản thì đến nay bệnh nhân đã có thể vận động, thở bình thường, khả năng sống 99%. Lúc đầu khi vào đây, bệnh nhân có dấu hiệu rất nặng, sau được các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc, điều trị trong thời gian ngắn thì sắp được trở về với gia đình.
Hiện bệnh nhân nói chuyện được, tiếp xúc rất tốt. Khi bệnh nhân được rút ống nội khí quản, điều đầu tiên anh ấy nói đó là cảm ơn chúng tôi. Điều thứ 2, anh ấy nhớ về bố mẹ, muốn điện về cho gia đình. Ngay giường bệnh phía sau cũng có bệnh nhân vừa trải qua trận thập tử. Nghe những lời thân tình từ những người bệnh được cứu chữa, chúng tôi thấy ấm áp vô cùng", anh Minh nói.
Tiếp lời anh Minh, bác sĩ Trịnh Anh Quân cho biết, mọi công việc của nhân viên y tế tại đây gồm chăm sóc, thay băng, hỗ trợ bệnh nhân ăn uống, vệ sinh cá nhân, đánh răng… cho bệnh nhân. Anh Quân cho biết công việc này vất vả nhưng ai nấy đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của mình, chăm sóc bệnh nhân một cách tốt nhất. Các y, bác sĩ hỗ trợ nhau, hồi sức tích cực cho bệnh nhân. Hàng ngày, các y, bác sĩ chia làm 2 ca trực từ 7h sáng đến 18h chiều, ca 2 từ 18h đến 6h sáng hôm sau.
Trao đổi với PV Dân Việt, Lâm Thị Trang (sinh viên năm 4, Đại học Y Hà Nội) tham gia chống dịch tại đây hơn 1 tuần qua cho biết, có vào đây cô mới thấy khối lượng công việc của các y, bác sĩ nhiều đến mức nào.
"Làm việc tại Khoa hồi sức lúc nào cũng căng thẳng và thường xuyên phải chú ý bệnh nhân. Tôi dần cũng quen khối lượng công việc, không còn quá căng thẳng như lúc đầu. Với chúng tôi, ngày Thầy thuốc Việt Nam công việc vẫn làm như bình thường. Những tấm lòng, lời chúc của người thân, mọi người tôi xin cám ơn và tiếp tục cố gắng làm việc. Hy vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát", Trang nói.
Tiếp lời Trang, anh Minh cho biết thêm: "Mong muốn lớn nhất của chúng tôi dịp 27/2 là thấy bệnh nhân được rút ống nội khí quản, trở về với gia đình. Đó là món quà, điều hy vọng lớn nhất của tất cả nhân viên điều trị tại đây. Covid-19 có thể rất mạnh nhưng không thể khuất phục hay làm gục ngã được tinh thần, sức mạnh của các y, bác sĩ".
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội cho biết, hiện có 250 nhân viên y tế đang ngày đêm tham gia điều trị cho gần 200 bệnh nhân nặng, nguy kịch.
"Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, chúng tôi cảm ơn và chia sẻ với các đồng nghiệp rất vất vả, bận rộn. Nhiều người đã hy sinh tình cảm riêng để tham gia công việc, chăm sóc các bệnh nhân F0 trong suốt gần 3 năm qua. Hiện nay với chủng virus Omicron, có hơn nửa nhân viên y tế bệnh viện bị nhiễm. Mặc dù là F0 nhưng vẫn tham gia để điều trị cho F0 khác. Đây là sự hy sinh rất lớn", ông Hải chia sẻ.
Theo ông Hải, Luật lao động cho phép khi nhân viên y tế ốm sẽ được nghỉ ngơi lấy lại sức khoẻ, nhưng trong trường hợp này, nhiều người tình nguyện tham gia, tiếp tục được làm việc.
"Có người nói 'tôi còn có sức tôi còn tham gia được' khiến tôi rất cảm động. Mong đồng nghiệp luôn giữ được tinh thần với nghề, yêu nghề và đoàn kết hơn nữa, giúp đỡ nhau hoàn thành công việc. Mong dịch bệnh sớm qua, hy vọng dịch thời gian tới sẽ lắng xuống để mọi người có thời gian hồi phục sức khoẻ, để tiếp tục chiến đấu lâu dài", ông Hải gửi gắm.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện đại học Y Hà Nội đã chia sẻ về những khó khăn, vất vả của đội ngũ y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Ông cho biết: "Có những học trò của chúng tôi không ăn cơm được, bị stress, xin nghỉ phép đóng cửa ở trong phòng 2-3 ngày chỉ vì không thể quên được những ca bệnh mà mình không bảo vệ được. Đó là giờ phút không thể nào quên được. Tôi rất tự hào về các em! Có những em bị mắc Covid-19 nhưng không nghỉ mà xin vào phòng bệnh ở cùng luôn với bệnh nhân để chăm sóc bệnh nhân 24/24. Đó là giai đoạn vô cùng khó khăn của ngành y".
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, hiện nay khi dịch đã chuyển sang giai đoạn mới thì chúng ta không thể Zero Covid-19 mà phải sống chung với dịch bệnh. Giai đoạn này thì sự hy sinh lại khác.
PGS Lân Hiếu tâm sự: Giai đoạn này, khó khăn nhất đối với chúng tôi là không phải không biết cách chữa, hoảng sợ vì số lượng Covid-19 diễn biến phức tạp bởi chúng ta đã hiểu rất rõ về Covid-19. Khó khăn lớn nhất là chúng ta phải chống dịch lâu dài.
Thực sự, tinh thần của các cán bộ, nhân viên y tế đã được đào tạo, rèn luyện nhiều năm nên không ai bỏ cuộc. Ngay đầu năm vừa rồi, chúng tôi đã phát động phong trào "Trái tim hồng", nhiều y, bác sĩ vẫn đang điều trị bệnh nhân Covid-19, thậm chí bệnh nhân nặng, nhưng vẫn sẵn sàng "xắn tay áo" hiến máu cứu những bệnh nhân đang rất cần máu để duy trì sự sống.
"Hàng trăm y, bác sĩ của chúng tôi ở bệnh viện bị nhiễm Covid-19. Nhưng anh chị em không nghỉ ngơi mà xin xuống Bệnh viện điều trị Covid-19. Những người không nhiễm bệnh thì lên cơ sở 1 tại Đại học Y Hà Nội làm việc. Tôi rất cảm động!", PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.
Theo ông Hiếu, các y, bác sĩ không sợ Covid-19. Họ chỉ sợ người dân hoảng loạn, thiếu niềm tin. Sức ép của chúng ta hiện nay là làm sao truyền thông để người dân tin tưởng thực hiện các hướng dẫn, khuyến cáo của ngành y tế.
"Chúng ta đã có hướng dẫn rất rõ ràng về điều trị Covid-19 tại nhà đối với người lớn như thế nào, đối với trẻ em như thế nào. Rất mong người dân bình tĩnh, giảm sức ép đối với các nhân viên y tế để các bác sĩ tập trung cứu bệnh nhân nặng", PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói thêm.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội và bác sĩ Trịnh Anh Quân cho biết, mọi công việc của nhân viên y tế tại đây gồm chăm sóc, thay băng, hỗ trợ bệnh nhân ăn uống, vệ sinh cá nhân, đánh răng… cho bệnh nhân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.