Clip ngôi làng cổ Khúc Thủy. Thực hiện: Nguyễn Vân.
Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km là ngôi làng Khúc Thủy, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ngôi làng cổ này nằm uốn mình bên dòng sông Nhuệ, nổi tiếng với rất nhiều công trình kiến trúc mang giá trị lịch sử cao và được coi như là của "hiếm" ở Hà Nội.
Làng Khúc Thủy xưa gọi là xã Khúc Thủy, tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng, sau này gọi là làng Khúc Thủy, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông.
Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi có dịp ghé thăm ngôi làng cổ này. Ngay khi bước chân đến cổng làng hình ảnh hiện ra trước mắt là một chiếc cổng làng cao to, uy nghi với màu vàng đã nhuốm màu rong rêu của thời gian, bên cạnh đó là cây cổ thụ to lớn với thân cây sần sùi đã có từ vài trăm năm trước luôn dang rộng tán cây tỏa bóng mát cho người dân nơi đây.
Chiếc cổng làng được chạm khắc hoa văn và các dòng chữ Hán rất cầu kì và tỉ mỉ. Qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, đến nay, chiếc cổng làng ấy vẫn ở đó, vẫn luôn chào đón du khách đến tham quan và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của làng.
Cách cổng làng không xa là một chiếc giếng cổ nằm trong khu di tích lịch sử văn hóa đình miếu chùa Khúc Thủy. Đi sâu vào trong làng những nét độc đáo và hiếm thấy dần dần hiện ra, mỗi bờ tường, mái hiên, con ngõ đều mang đậm nét xưa, cổ kính.
Ở Khúc Thủy không khó để ta bắt gặp những chiếc cổng ngõ vẫn còn giữ những nét đẹp xưa với những vết vôi vỡ, những viên gạch đỏ cũ kĩ hay những mảng rêu bám chặt trên tường xếp thành tầng tầng, lớp lớp được lưu lại hàng trăm năm qua. Không chỉ có những chiếc cổng ngõ cũ kĩ, hơn thế còn có những chiếc cổng nhà, bức tường của nhà dân được chạm khắc rất tinh xảo, đẹp đẽ.
Những ngôi nhà cổ vài trăm năm hay chỉ vài chục năm ở làng Khúc Thủy hầu như vẫn giữ nguyên nét thuần Việt của vùng đồng bằng Bắc Bộ, đó là nhà ngói ba gian hai chái. Nhà thường lợp ngói mũi hài, cột lim và chạm trổ cửa, hiên rất cầu kỳ, không khác gì đình, chùa. Ở những hàng hiên, trên những chiếc cổng cổ kính, từng đám rêu bám chặt. Trên nhiều bức tường bao, các mảng vữa dần rơi xuống để lộ màu đỏ của gạch cổ.
Ngoài ra, ở làng Khúc Thủy có rất nhiều dòng họ có truyền thống giữ gìn nhà thờ họ với nhiều hoành phi, câu đối, đồ thờ rất bài bản, mang đậm nét văn hóa của người Việt xưa. Hằng năm, các dòng họ ở Khúc Thủy vẫn làm lễ giỗ tổ để con cháu hiểu rõ cội nguồn, truyền thống tốt đẹp bao đời và noi theo.
"Dù đã trải qua hàng trăm năm những mọi thứ vẫn được người dân nơi đây gìn giữ bởi vì họ muốn lưu lại những nét đẹp, văn hóa truyền thống mà các cụ ngày xưa đã cố gắng tạo lên. Ngoài ra, du khách khi đến với làng sẽ có cảm giác như được trở về thời xưa bởi không gian trong làng yên bình, cổ kính rêu phong. Người dân thân thiện, luôn quý mến chào mừng du khách", ông Nguyễn Đình Chung, một người dân ở làng Khúc Thủy chia sẻ.
Ngoài những nét đẹp cổ kính của những chiếc cổng cổ, di tích lịch sử văn hóa đình Khúc Thủy còn là nơi du khách, người dân, học sinh thường xuyên lui tới tham quan, vãn cảnh.
Ông Đặng Văn Thân (71 tuổi), người phụ trách trông coi, quản lý đình Khúc Thủy kể rằng, theo sự tích thần phả thì đình Khúc Thủy thờ Trần Thông. Tương truyền, ông là con trai duy nhất của danh tướng Trần Khát Chân (1370 – 1399). Trần Khát Chân thuộc dòng dõi Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng, đến đời thứ năm thì chuyển về xã Nhuế Dương, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
Trần Thông từ nhỏ đã nổi tiếng là thần đồng giỏi cả thơ ca lẫn võ nghệ khi chỉ mới 15 tuổi cho nên được xung vào nội các, sau đó vua Trần Thiếu Đế phong ngài làm Nội các Chưởng ấn sử kiêm Thị nội vệ quân. Trải qua cơn binh lửa, quân Minh đánh bại nhà Hồ.
Đức thánh Trần Thông ngày đêm tính mưu lập kế để diệt giặc. Khi nghe tin Trần Ngỗi, con thứ của Trần Nghệ Tông khởi nghĩa xưng vương là Giản Định Đế, ngày 2/10 năm Đinh Hợi (1/11/1407) và truyền hịch chống giặc đi khắp nơi.
Trần Thông đã chiêu mộ được hơn 500 binh sỹ quanh làng Khúc Thuỷ gia nhập nghĩa quân. Giản Định Đế phong ông làm đốc lĩnh "bình nhung kiêm tả hữu vệ quân" và sau đó cùng vua xuất quân tiến vào Thanh Hoá giành chiến thắng to lớn ở Giao Thuỷ.
Sau chiến thắng Bô Cô, do nội bộ lãnh đạo khởi nghĩa mâu thuẫn dẫn đến chia sẻ lực lượng nên cuộc khởi nghĩa bị đàn áp. Trần Thông lui về Khúc Thuỷ lấy lấy phong hoá làm cốt yếu cùng nhân dân xây dựng cuộc sống ngày một thuần phong mỹ tục. Sau khi mất, ngài được dân thờ và triều nhà Lê ban sắc phong làm thành hoàng.
"Hàng năm, vào tháng Hai âm lịch, dân làng Khúc Thủy mở hội lớn rước tưởng niệm công đức vị Thành Hoàng. Đình làng được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hóa. Với những nét đẹp, văn hóa truyền thống cổ xưa vẫn còn được lưu giữ đến tận ngày nay, Khúc Thủy là ngôi làng cổ luôn được người dân bảo tồn và giới thiệu rộng rãi đến với mọi người", ông Thân chia sẻ.