Bí ẩn con phố có nhiều nhà cổ nhất ở Thủ đô Hà Nội
Bí ẩn con phố có nhiều nhà cổ nhất ở Thủ đô Hà Nội
Bích Thuận
Thứ ba, ngày 23/08/2022 15:05 PM (GMT+7)
Trong các phố cổ ở Hà Nội, phố Mã Mây (Hà Nội) có lẽ là con phố có tên gọi nhẹ nhàng nhất và cũng là tuyến phố có nhiều nhà cổ nhất. Con phố tưởng chừng như bình dị và dịu dàng ấy thế nhưng lại "cất giấu" không ít chuyện ly kỳ của thế kỷ trước.
Phố Mã Mây được ghép tên từ phố Hàng Mây đoạn phía Bắc và Hàng Mã đoạn phía Nam. Đây thực sự là một con phố kinh doanh, dịch vụ sầm uất. Chiều dài con phố bắt đầu từ ngã ba Hàng Bạc nối vào phố Hàng Buồm, uốn cong tạo nên một tuyến phố khác biệt với các tuyến phố khác.
Là một tuyến phố du lịch nổi tiếng, Mã Mây đã trở thành cái tên không quá xa lạ với du khách mỗi khi đến Hà Nội du lịch. Mấy ai biết được rằng vào thế kỷ trước, tuyến phố này đã trải qua một quá khứ đầy biến động.
Nơi đây từng là chốn ăn chơi, cờ bạc nức tiếng một thời. Là nơi đóng quân của một đội quân khét tiếng mang tên Cờ Đen. Thậm chí từng có dãy nhà tù đáng sợ của quân Pháp trước khi họ xây dựng nhà tù Hỏa Lò.
Thời Pháp thuộc, Mã Mây còn có tên gọi khác là Rue des Pavillons Noirs nghĩa là phố Quân Cờ Đen vì năm 1883 có một nhóm đơn vị quân Cờ Đen đóng quân ở con phố này. Đây là một đám quân từ Phương Bắc dạt sang nước ta, từng là nỗi ám ảnh của người Pháp và người Việt.
Ban đầu, quân Cờ Đen được triều đình nhà Nguyễn dung nạp để tiêu diệt thổ phỉ ở vùng biên giới. Khi Pháp tiến đánh Bắc Kỳ, quân Cờ Đen tham gia chống Pháp cùng quân và dân ta, có công chém đầu Đại úy Garnier và Đại tá Rivière ở khu vực Cầu Giấy.
Về sau, quân Cờ Đen nhũng nhiễu, làm nhiều điều trái với luôn thường đạo lý, trở thành nỗi ám ảnh của nhân dân ta lúc bấy giờ.
Sinh sống lâu năm ở Phố Mã Mây, bà Lê Thị Hòa (70 tuổi) cho hay, khi mới về Mã Mây làm dâu, bà thường được mẹ chồng kể lại câu chuyện quân Cờ Đen hay nhũng nhiều người dân, làm nhiều điều trái với quy định pháp luật.
Nhìn con phố bình yên, cổ kính hiện tại, có mấy ai biết từ số nhà 19 đến 33 đã từng là nhà ngục khét tiếng được thực dân Pháp sử dụng để cai quản, giam giữ phạm nhân.
Giai đoạn đầu sau khi chiếm Hà Nội (cuối thế kỷ XIX), quân Pháp có ý định mở mang khu vực này thành nơi kinh doanh của họ. Và nhà dãy nhà tù ở số nhà 19 đến 33 cũng nằm trong kế hoạch mở mang đó.
Dãy nhà ngục từ số 19 đến 33 được quân Pháp thuê của tư nhân, nhà chủ ngục ở ngay bên kia đường tại số nhà 20 – 21. Lúc bấy giờ, nhà tù ấy ngày nào cũng có vài trăm phạm nhân sắp mang ra xử tội. Ngày nay dãy nhà này đã được xây lại, trở thành nhà dân và cửa tiệm, đã không còn nữa những vết tích nhà tù năm xưa.
Mã Mây còn có một ngôi nhà đặc biệt đó là nhà số 37, là nơi đặt trụ sở của Chi nhánh Hội Tam Điểm Bắc Kỳ, là hội kín của giới tinh hoa trí thức, có xu hướng làm các việc thiện nguyện. Ngày nay, ngôi nhà số 37 đã được xây dựng lại, trở thành quán cafe nổi tiếng.
Tuyến phố có nhiều nhà cổ nhất Hà Nội
Nhắc đến Mã Mây, có lẽ ấn tượng với mọi người nhất chính là những ngôi nhà cổ xen lẫn với những nhà hàng, khách sạn tạo nên một khung cảnh đặc biệt. Tuyến phố chỉ dài 300m này ấy vậy mà lại có nhiều nhà cổ nhất Hà Nội.
Những ngôi nhà ở đây thường làm theo dạng nhà ống, mặt tiền hẹp nhưng dài, có giếng trời đón gió ở giữa. Nếu toàn khu phố cổ Hà Nội còn khoảng 1.000 nhà cổ thì riêng phố Mã Mây đã chiếm 1/10 trong số đó.
Ẩn mình trong khu phố Mã Mây hiện đại, huyên náo, nhà số 87 tồn tại với dáng dấp của một ngôi nhà truyền thống của người Hà Nội xưa. Ngôi nhà được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX với dạng hình ống trên tổng diện tích đất là 157,6m2.
Đến nay, dù đã trải qua nhiều lần đổi chủ nhưng mọi kết cấu về kiến trúc, đồ vật sinh hoạt của ngôi nhà vẫn còn vẹn nguyên.
Bà Lê Thị Hòa (70 tuổi) chia sẻ: "Ngày trước nơi đây còn nhiều nhà cổ lắm, nhưng đến nay phần lớn đã bị tu sửa ít nhiều để mở hàng quán. Duy chỉ còn nhà cổ số 87 là còn giữ được vẹn nguyên nhất dáng vẻ của kiến trúc truyền thống nhà cổ Hà Nội".
Trên tuyến phố này còn có đền Mã Mây, là đền thờ tướng Nguyễn Trung Ngạn, người làm quan dưới 5 triều vua Trần, từng giữ chức Đại doãn Kinh sư, đứng đầu Kinh thành Thăng Long.
Tại ngôi đền còn giữ được 6 đạo phong thần của ba Vương triều Lê, Tây Sơn và Nguyễn cùng với 7 tấm bia đá. Nội dung của các bài văn bia là một kho sử liệu phong phú với những tên người, tên đất, những sự kiện cụ thể của các danh nhân địa phương.
Trong hành trình du lịch thăm phố cổ Hà Nội, Mã Mây là địa chỉ hấp dẫn, thu hút đông đảo khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và người Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.