Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, một số nội dung mua sắm trong dịch Covid-19 đang bị cơ quan thanh kiểm tra "bắt giò", trong khi mỗi giai đoạn có một khó khăn riêng.
Ví dụ, thời điểm TP.HCM ghi nhận 2 ca Covid-19 đầu tiên, TP đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để đánh giá tình hình. Lúc này, ở các chợ sỉ, khẩu trang bị thương lái Trung Quốc mua toàn bộ. Giá bình thường chỉ khoảng 25.000 đồng/hộp khẩu trang 50 cái nhưng rồi bị đẩy giá lên dần, đến 400 - 500.000 đồng.
Trong giai đoạn này, TP phải tính đến phương án mua khẩu trang vải để cấp cho người dân, cán bộ nhân viên. Khi đó phân tích mới thấy, nguyên liệu khẩu trang nhập từ Trung Quốc, Việt Nam chỉ làm được 2 mặt bên ngoài còn phần ở giữa là vải không dệt. Việc cung ứng vô cùng khó khăn.
Đến giai đoạn đưa người dân ở nước ngoài về, thời điểm đó, mỗi ngày có khoảng 1.000 người về. Vì vậy, tìm chỗ cách ly cho người dân hết sức nan giải. TP đã phải trưng dụng tất cả phòng ký túc xá sinh viên của ĐH Quốc gia TP.HCM.
"Sau khi hết cách ly, chi phí của ĐH Quốc gia gửi về cho TP yêu cầu thanh quyết toán 33 tỷ đến giờ vẫn chưa trả được. Đáng chú ý, trong đó có việc thanh quyết toán ổ khóa hết 1,2 tỷ đồng. Như vậy, chứng tỏ trong thanh quyết toán cũng vướng rất nhiều", bác sĩ Nam nói.
Khi Nghị quyết 30 của Quốc hội ban hành, TP được giải quyết rất nhiều vấn đề trong công tác mua sắm phục vụ phòng chống dịch, đáp ứng việc chăm sóc y tế thời điểm bấy giờ,
Tuy nhiên, khi đó, các bệnh viện kêu được ở đâu có vật tư thiết bị là sử dụng ngay. Trong vòng 15 ngày phải làm hợp đồng, như kiểu mượn trước trả sau. Nhưng diễn biến giá vật tư cực kỳ nhanh, ví dụ thời điểm sử dụng cho người bệnh, vật tư có giá 100.000 đồng nhưng 15 ngày sau giá chỉ còn 80.000 đồng nên có sự chênh lệch trong thực tế.
Khi thực hiện kiểm tra sau này, nếu có kết luận việc mua sắm gây thất thoát 100 triệu trở lên, là đã vướng vào vi phạm nghiêm trọng gây thất thoát tà sản nhà nước. "Đây là điều các anh em trong ngành hiện nay đang rất lo", bác sĩ Nguyễn Hoài Nam bày tỏ.
"Cũng ngay trong dịch bệnh, khi TP cho tiền mua trang thiết bị, tôi trao đổi với trưởng phòng 1 bệnh viện lớn thì vị này nói xin nghỉ vì không dám mua. Lý do tại sao, vì có nhiều bẫy trong mua sắm", bác sĩ Hoài Nam chia sẻ.
Nhắc lại bối cảnh đó, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, khi dịch bệnh bùng phát dữ dội, ngành cần triển khai giải pháp mang tính cấp bách nhưng vướng những quy định hiện hành. Ví dụ như tình huống cần mua sắm khẩn cấp, giá trị lớn, bằng hình thức chỉ định thầu rút gọn…
"Chúng tôi ý thức sau khi dịch qua đi, chắc chắn việc thanh kiểm tra sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, đó là thời điểm khẩn cấp, phải mua sắm khẩn cấp và không thể thực hiện các quy trình thông thường. Nghị quyết 30 của Quốc hội đã có tác động tích cực, giúp anh em yên tâm hơn".
Do đó, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu kiến nghị, việc thanh kiểm tra mua sắm phục vụ phòng, chống dịch cần được xem xét bối cảnh thực tế trong giai doạn dịch bệnh và tinh thần Nghị quyết 30.
Ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban xã hội cũng cho rằng, theo Nghị quyết 30 cơ chế đặc thù và phải làm nhanh, thậm chí chỉ đạo miệng hôm sau có máy. Tuy nhiên, khi kiểm tra, thanh tra thì nói rằng không đúng thủ tục, trình tự trong đấu thầu, sai chỗ này, sai chỗ nọ và xử lý hàng loạt. Theo ông, có thể nói, thời điểm này ngành y đang gặp đại nạn.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Uỷ viên Uỷ ban Xã hội Quốc hội góp ý, Sở Y tế TP.HCM nói kết luận thanh tra chưa thỏa đáng, nhưng cần phân tích rõ họ không nắm được yếu tố nào, điều kiện quy định nào trong Nghị quyết 30. Nếu các đơn vị chịu trách nhiệm về kiểm toán, thanh tra mà không nắm tinh thần Nghị quyết 30 và không áp dụng thì Nghị quyết của Quốc hội sẽ thành vô tác dụng.
"Không thể kêu người ta làm theo kiểu tháo gỡ nhưng khi soi lại thì áp dụng quy định cũ", bà Phong Lan nói.
Bài 4: Lo ngại quy định đấu thầu giá rẻ sẽ dẫn đến nền y tế kém chất lượng