Vì sao Bộ Y tế xin trả lại hơn 800 tỷ đồng vốn đầu tư công "không dùng hết"?

Diệu Linh Thứ ba, ngày 30/08/2022 20:07 PM (GMT+7)
Bộ Y tế vừa xin trả lại hơn 800 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa sử dụng hết. Nhiều ý kiến cho rằng, điều này là "chưa hợp lý" khi ngành y còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Bình luận 0

Về việc ngành y tế không dùng hết vốn đầu tư công xin trả lại hơn 800 tỷ, ngày 30/9, ông Nguyễn Hoàng Long, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, theo Nghị định 43/2022/QH15 có hiệu lực từ ngày 11/1/2022, ngành y tế được giao tối đa 14.000 tỷ đồng để đầu tư. 

Nội dung đầu tư phải đúng theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ. Thời hạn giải ngân chỉ trong năm 2022 -2023.

Để thực hiện điều này, Bộ Y tế đã xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn và các điều kiện lựa chọn dự án theo đúng Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11, gửi các địa phương, đơn vị đề xuất nhu cầu đầu tư. Các địa phương, đơn vị đề xuất là 272 đề án với tổng chi phí đầu tư là 59.000 tỷ đồng. 

Bộ Y tế đã thành lập Tổ công tác, rà soát kỹ, chỉ lựa chọn những dự án đạt tiêu chí theo quy định.

Vì sao Bộ Y tế xin trả lại hơn 800 tỷ đồng vốn đầu tư công "không dùng hết"?  - Ảnh 1.

Theo Nghị quyết 43, bố trí tối đa 14.000 tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh... (Cơ sở vật chất của 1 Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại TP.HCM tháng 8/2021. Ảnh BVCC)

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng thành lập Tổ công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức đam làm Tổ trưởng, có sự tham gia cua Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài Chính, Văn phong Chính phủ giúp rà soát danh mục dự án thuộc lĩnh vực y tế.

Qua đó, Bộ Y tế đã báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo, lựa chọn và đề xuất 144 dự án với tổng vốn đầu tư là 13.198 tỷ đồng. Các dự án đầu tư về y tế bao gồm của Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và của 59 tỉnh, TP.

Như vậy, trong số tổng 14.000 tỷ đồng vốn đầu tư cho y tế theo Nghị quyết 43 còn thừa 802 tỷ đồng chưa dùng hết. 

Ông Long nhấn mạnh, các đề án đầu tư cho y tế theo phải đúng nội dung trong Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11, không thể chi tiêu cho các mục đích khác dù ngành y tế còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. 

Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội có hiệu lực từ ngày ngày 11/1/2022.

Theo Nghị quyết 43, về y tế: "Bố trí tối đa 14.000 tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vaccine trong nước và thuốc điều trị Covid-19".

Còn Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khi nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình có hiệu lực từ ngày 30/1/2022 nhằm cụ thể Nghị quyết 43.

Như vậy, các dự án đầu tư của ngành y tế giai đoạn 2022-2023 phải bám sát vào nội dung này.

Trước đó, trong phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách trung ương kế hoạch năm 2022 ngày 29/8, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ thể hiện tiêu chí, tiêu chuẩn rất cụ thể mà các dự án phải đáp ứng đầy đủ.

Để triển khai Nghị quyết 43, Bộ Y tế có 10 văn bản gửi các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu căn cứ tiêu chí, tiêu chuẩn để rà soát kỹ, đề xuất dự án đạt mục tiêu Nghị quyết 43 của Quốc hội. Bộ cũng tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành làm rõ tiêu chí, tiêu chuẩn để các địa phương đăng ký.

Các địa phương đã đề xuất 272 dự án với vốn 59.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã rà soát theo đúng tiêu chí của Nghị quyết 43 và chốt lại có 144 dự án đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn được chi theo Nghị quyết 43. Tổng chi phí của 144 dự án là 13.198 tỷ đồng, giảm 802 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu. 

"Nhu cầu đầu tư cho y tế rất lớn nhưng phải bám vào Nghị quyết 43. Bộ đưa ra mốc thời gian cụ thể, và đến thời hạn địa phương không báo cáo thì có nghĩa là không có nhu cầu, chứ Bộ không chờ đợi vì đã chậm tiến độ", ông Tuyên giải thích thêm về việc hơn 800 tỷ "chưa dùng hết". 

Cũng tại phiên họp nói trên, Chính phủ kiến nghị cho điều chỉnh 932 tỷ đồng còn dư của lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm (trong đó có hơn 800 tỷ "chưa dùng hết" của ngành y tế - PV) sang cho 3 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, kiến nghị này đã vấp phải nhiều băn khoăn của nhiều thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Nhiều ý kiến cho rằng ngành y  tế hiện nay đang khó khăn, số nhân lực y tế đang nghỉ việc nhiều, thiếu thốn trang thiết bị y tế, nếu "chuyển số tiền dành cho ngành y tế để chuyển cho giao thông, thì ở phía người làm trong ngành y sẽ thấy tủi thân, chạnh lòng".

Trước việc Bộ Y tế xin trả lại hơn 800 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa dùng hết theo Nghị quyết 43, ngày 30/8, bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế cũng kiến nghị Chính phủ có thể xem xét chuyển số tiền đó hỗ trợ cho hơn 40.000 nhân viên y tế lao lực chống dịch Covid-19 trong thời gian qua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem