Kết quả khảo sát mới nhất của công ty nghiên cứu Teikoku Databank cho thấy riêng trong quý III/2022, sẽ có gần 10.000 mặt hàng bị tăng giá, trong đó có khoảng 2.424 mặt hàng dự kiến sẽ tăng trong tháng Chín. Đây là đợt tăng giá bất thường trên diện rộng ở Nhật Bản trong nhiều năm trở lại đây.
Trong cuộc khảo sát trước đó của Teikoku Databank, số lượng mặt hàng dự kiến tăng giá trong tháng Chín chỉ là 1.661. Điều này cho thấy các nhà sản xuất đã bớt do dự hơn trong việc tăng giá. Teikoku Databank nhận định các đợt tăng giá khác có thể tiếp tục diễn ra trong năm tới nếu giá nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục tăng.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều cơ sở sản xuất ở Nhật Bản phải tăng giá bán lương thực, thực phẩm là do chi phí nguyên vật liệu đầu vào đã tăng mạnh do tác động tiêu cực của việc đồng yen mất giá, sự đứt gãy của một số chuỗi cung ứng và xung đột giữa Nga và Ukraine.
Đáng chú ý, kể từ đầu tháng Ba tới nay, đồng yen đã liên tục mất giá so với đồng bạc xanh của Mỹ, từ đó khiến cho nhiều hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn khi quy đổi ra đồng yen.
Cùng với lương thực, thực phẩm, trong các tháng gần đây, giá cả nhiều hàng hóa và dịch vụ khác ở Nhật Bản cũng tăng mạnh. Điều này khiến lạm phát ở nước này liên tục tăng từ đầu năm tới nay.
Riêng trong tháng 7/2022, theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, chỉ số giá tiêu dùng cơ bản của nước này tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước và cao nhất kể từ tháng 12/2014. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp chỉ số này ở trên mức mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Nhật Bản.