Khi còn đương nhiệm, cựu Tổng thống Donald Trump thường có sự quan tâm đặc biệt đến các thông tin tình báo về mối quan hệ cá nhân giữa ông và các nguyên thủ nước ngoài cũng như quyền hạn của ông với những thông tin này.
Vị cựu tổng thống Mỹ hiếm khi tỏ ra quan tâm tới các chương trình vũ khí bí mật, nhưng thường xuyên đặt câu hỏi về hình dáng tàu chiến của Hải quân Mỹ và quy mô kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Ông Trump cũng rất hứng thú với chiến dịch tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao như Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay tướng Qassim Suleimani, chỉ huy lực lượng tình báo nước ngoài của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
Tuy nhiên, ông Trump thường tỏ ra chán nản khi nghe những báo cáo chi tiết về chính sách an ninh quốc gia của Mỹ.
Khác những người tiền nhiệm của mình, ông Trump không quan tâm đến các thông tin tình báo về UFO mà lại muốn biết những chi tiết của vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy.
Trong bối cảnh vị cựu tổng thống Mỹ bị Bộ Tư pháp điều tra vì cất giữ các tài liệu bí mật của chính phủ tại tư gia ở bang Florida sau khi hết nhiệm kỳ, những thông tin tình báo mật được ông Trump quan tâm khi còn là tổng thống giờ đây trở thành tâm điểm của sự chú ý.
Nội dung của các tài liệu mật mà ông Trump cất giữ cho tới nay vẫn chưa được công bố. Bên cạnh đó, những câu hỏi về lý do ông cất giữ những tài liệu trên và từ chối trả lại chúng cũng chưa có lời giải đáp.
Các cơ quan tình báo Mỹ, dưới sự thúc giục của những thành viên Ủy ban Tình báo Thượng viện thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, đang có kế hoạch đánh giá mức độ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của những tài liệu mật mà ông Trump cất giữ.
Tuy nhiên, theo New York Times, dựa trên những chủ đề mà ông Trump tỏ ra hứng thú trong các cuộc họp và theo lời kể của các quan chức trong chính quyền cựu tổng thống Mỹ, có thể nhận định rằng cựu Tổng thống Trump thường quan tâm tới các thông tin về mối quan hệ cá nhân của ông. Ngoài ra còn có những thông tin với nhiều hình ảnh minh họa và được viết ngắn gọn, súc tích.
Các quan chức dưới thời ông Trump có quan điểm khác nhau khi đánh giá số lượng các tài liệu mật được ông Trump giữ lại. Trong khi một số người nói rằng những tài liệu mật sẽ được thu lại vào cuối các buổi họp thì một số khác lại cho biết ông Trump thường xuyên yêu cầu được giữ lại tài liệu, đặc biệt là những tài liệu có nhiều hình ảnh, sơ đồ minh họa.
"Những người có trách nhiệm cung cấp tin tình báo cho ông Trump thường xuyên mang theo hình ảnh hoặc biểu đồ để đưa cho tổng thống. Đôi khi ông Trump sẽ nói rằng những thông tin và hình ảnh trên rất thú vị và yêu cầu được giữ lại chúng", ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Trump kể lại.
Tuy nhiên, ông Bolton cho biết các quan chức thường có sự đồng thuận về những chủ đề mà cựu Tổng thống Trump cảm thấy hứng thú và những thông tin có thể khiến ông cảm thấy chán nản.
Ông Bolton cho biết mình đã gặp nhiều khó khăn để có được sự chú ý của ông Trump khi thông tin cho ông về vấn đề kiểm soát vũ khí trong lúc vị cựu tổng thống Mỹ đang theo dõi một trận bóng đá.
Theo các quan chức, đến cuối nhiệm kỳ của mình, ông Trump tỏ ra tôn trọng những đánh giá của các cơ quan tình báo Mỹ về các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Trước và sau các cuộc gọi với những người đồng cấp nước ngoài, cựu Tổng thống Trump thường xuyên đọc bản báo cáo về những người này.
Ông Trump trong thời gian nắm quyền đã nỗ lực để tạo mối quan hệ thân thiết với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong khi đó, ông Trump luôn muốn biết điểm yếu của lãnh đạo những quốc gia đồng minh mà ông không thích như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Một trong số những tài liệu được phát hiện tại nhà ông Trump có chứa các thông tin về ông Macron.
Ngoài ra, cựu Tổng thống Trump cũng tỏ ra quan tâm tới những thông tin có liên quan đến phản ứng của quốc tế với cuộc gặp giữa ông và các nguyên thủ nước ngoài.
"Ông Trump chỉ quan tâm tới giá trị lợi dụng của thông tin. Theo quan điểm của tôi, ông Trump không có tư tưởng cụ thể về vấn đề gì. Cựu Tổng thống Trump chỉ quan tâm tới giá trị lợi dụng của những thông tin mà ông được cung cấp", bà Sue Gordon, nguyên phó giám đốc an ninh quốc gia nhận định.
Theo các quan chức dưới thời cựu tổng thống Mỹ, ông Trump, một người thường bị vây quanh bởi những tin đồn về các mối quan hệ ngoài luồng, luôn tỏ ra quan tâm tới những thông tin mà Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thu thập được liên quan đến tin đồn ngoại tình của các nguyên thủ nước do những thông tin này làm ông cảm thấy thích thú.
Những người có nhiệm vụ báo cáo thông tin tình báo cho ông Trump, chia sẻ rằng ông Trump có xu hướng tiết lộ thông tin mật, nên luôn tỏ ra dè dặt trong việc tiết lộ các thông tin trên.
Bên cạnh đó, những người này đôi khi cũng cảm thấy lo lắng khi ông Trump yêu cầu được giữ lại các tài liệu mật. Tuy vậy, họ cuối cùng cũng buộc phải tuân theo yêu cầu của ông Trump.
Trong phần lớn nhiệm kỳ của mình, ông Trump nhận được báo cáo về những tin tình báo mới nhất hai lần mỗi tuần.
Thêm vào đó, ông Trump còn được tiếp nhận thông tin tình báo và tài liệu mật trong các buổi họp chuẩn bị cho các cuộc gặp hay nói chuyện với nguyên thủ nước ngoài, các buổi thảo luận trong Phòng Tình huống của Nhà Trắng, các buổi họp chính thức và không chính thức với lãnh đạo Lầu Năm Góc và các cố vấn an ninh quốc gia.
Trong một số trường hợp, ông Trump còn yêu cầu những người này cầm theo tài liệu mật.
Ông Trump không thích dự các cuộc họp tình báo trong Phòng Bầu dục hay Phòng Tình huống tại Nhà Trắng.
Trong chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh IS al-Baghdadi, ông Trump được lãnh đạo Lầu Năm Góc cung cấp thông tin về chiến dịch tại Phòng Bầu dục Vàng, một căn phòng thuộc khu nhà ở của Nhà Trắng nhìn ra Tượng đài Washington.
Tại cuộc họp này, ông Trump đã nhận được một số hình ảnh minh họa về chiến dịch. Các hình ảnh này sau đó được các quan chức quốc phòng Mỹ thu lại.
Mặc dù vậy, nhiều cựu quan chức làm việc cho chính quyền của ông Trump cho biết vị cựu tổng thống đôi khi giữ lại một số tài liệu trong các cuộc họp có nội dung mật hoặc yêu cầu các nhân viên Hội đồng An ninh Quốc gia chuyển một số tài liệu cho ông.
Tuy nhiên, những quan chức trên đều đồng tình rằng số lượng những tài liệu trên là quá nhỏ so với hàng chục hộp chứa tài liệu mật bị thu giữ tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-lago của ông Trump.
Ông Trump thường xuyên bày tỏ sự quan tâm trong các cuộc họp về tình báo và quân sự có chủ đề về Iran.
Bên cạnh đó, cựu Tổng thống Trump cũng thường xuyên hỏi về các kế hoạch của Mỹ trong trường hợp nổ ra chiến tranh với Iran và các chiến lược nhằm ngăn chặn nước này mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên, sự hứng thú và hành động của ông Trump khi nhận được những thông tin trên đôi lúc cũng khiến những quan chức an ninh và quốc phòng cảm thấy quan ngại.
Một ví dụ cụ thể là khi cựu tổng thống Mỹ đăng tải bức ảnh về một địa điểm phóng tên lửa của Iran lên mạng xã hội. Bức ảnh trên được ông Trump lấy từ một buổi họp cập nhật thông tin tình báo.
Chỉ trong một thời gian ngắn, bức ảnh trên đã được các chuyên gia sử dụng để phân tích khả năng do thám của các vệ tinh Mỹ.
Các quan chức dưới quyền ông Trump cho biết mức độ kiểm soát thông tin mật thường xuyên thay đổi theo từng giai đoạn trong nhiệm kỳ của ông và không phải quan chức nào cũng có thể thu lại những tài liệu có chủ đề mà ông Trump quan tâm.
"Mỗi lần bạn xin lại một tài liệu là một dấu hiệu cho thấy bạn không tin tưởng ông Trump. Đôi khi bạn có thể không thành công dù đã yêu cầu ông Trump trả lại các tài liệu mật", ông Bolton cho biết.
Các cựu quan chức xác nhận ông Trump có sử dụng, nhưng không tin tưởng túi hủy chuyên dụng - loại túi được sử dụng bởi CIA, Lầu Năm Góc và các cơ quan khác để đựng và tiêu hủy thông tin tình báo. Ông Trump không tin rằng tài liệu trong những chiếc túi này sẽ bị tiêu hủy.
Theo một số nhân viên thân cận của ông Trump, khi vị cựu tổng thống Mỹ muốn tiêu hủy một tài liệu, ông thường sẽ xé vụn và ném chúng vào toilet.
Một cựu quan chức cấp cao nói rằng khi ông Trump muốn lưu trữ một tài liệu, ông sẽ để chúng trong chiếc hộp ở gần bàn làm việc.
Chiếc hộp này vốn được dùng để chứa những bức thư chưa được mở, tài liệu tình báo chưa được đọc hay báo chí. Trong khi ông Trump thường xuyên đọc báo, ông hiếm khi động tới những tài liệu tình báo.
Khi chiếc hộp được lấp đầy, nó sẽ được cất đi và một chiếc hộp mới sẽ xuất hiện. Các nhân viên sẽ mang theo chiếc hộp này trong các chuyến công tác để ông Trump có thể trả lời thư và đọc tin tức trên chuyên cơ Không lực Một.
Các cựu quan chức dưới thời ông Trump khi được phỏng vấn cho biết họ không nhớ đã từng thấy các tài liệu mật được để trong những chiếc hộp trên.
Tuy nhiên, những người này cũng nhấn mạnh sự hỗn loạn tại Nhà Trắng trong những ngày cuối nhiệm kỳ khi các nhân viên phải đóng gói tài liệu trong bí mật do lo sợ bị ông Trump phát hiện và buộc họ phải dừng công việc của mình. Lúc bấy giờ, ông Trump vẫn chưa thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống.
Theo người có trách nhiệm báo cáo thông tin tình báo cho cựu Tổng thống Trump, Nhà Trắng dưới thời tổng thống thứ 45 của nước Mỹ có cách thức hoạt động khác so với những người tiền nhiệm. Theo đó, các đời tổng thống trước hiếm khi yêu cầu được giữ lại các tài liệu mật.
"Trong suốt thời gian tôi làm công việc cung cấp tin tình báo cho Tổng thống Bush, ông chỉ yêu cầu giữ lại duy nhất một tài liệu. Đó là danh sách những người chịu trách nhiệm cho vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Mỗi khi một người trong nhóm trên bị bắt giữ hoặc bị tiêu diệt, ông Bush sẽ gạch tên của người đó trong danh sách", ông Michael J. Morell, cựu giám đốc CIA và nhà phân tích có nhiệm vụ cung cấp thông tin tình báo hàng ngày cho cựu Tổng thống Bush, kể lại.
Theo ông Morell, cựu Tổng thống Bush rất cẩn thận trong việc xử lý và lưu trữ thông tin tình báo và không bao giờ mang những tài liệu này ra khỏi Phòng Bầu dục.
Theo các quan chức an ninh, ông Trump không có sự quan tâm tới việc bảo vệ những thông tin mật giống như cựu Tổng thống Bush - con của cố Tổng thống George H.W. Bush, người từng giữ chức vụ giám đốc CIA.
Theo bà Gordon, khi hiểu được những mối quan tâm của ông Trump, những người có trách nhiệm cung cấp thông tin tình báo cho ông sẽ lược bỏ một số thông tin nhạy cảm. Đây là một việc làm cần thiết do ông Trump không tỏ ra có trách nhiệm trong việc giữ bí mật các thông tin tình báo.
Sau khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã không cho phép ông Trump được nghe các buổi báo cáo thông tin tình báo, vốn là một truyền thống dành cho các cựu tổng thống.
Bà Gordon cho hay khi còn đương nhiệm, ông Trump cần phải nhận được những thông tin tối mật nhất. Những điều này là không cần thiết khi ông không còn là tổng thống.
"Ông Trump không còn là tổng thống, ông ấy không cần thiết phải biết những thông tin mật. Bên cạnh đó, ông Trump không có tính cẩn thận và không hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ các tài liệu mật", bà Gordon nhấn mạnh.