Sáng 4/9, đa số các vựa mít cho hay, giá mít Thái hôm nay vẫn đi ngang như 2 ngày trước đó, tức chưa tăng thêm hoặc giảm xuống.
Tại Tiền Giang, đa số các vựa mua mít Kem lớn (mít Nhất) 31.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ (mít Nhì) từ 20.000 - 21.000 đồng/kg.
Vựa AChien ở xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang báo giá ngày 4/9 mua mít Nhất 31.000 đồng/kg, mít Nhì 21.000 đồng/kg.
Vựa Phú Tân ở xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang mua mít Kem lớn 31.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ 20.000 đồng/kg.
Đối với thương lái vào tận vườn mua mít tại Tiền Giang cho hay, mua mít Kem lớn từ 29.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ từ 18.000 - 19.000 đồng/kg.
Tại các địa phương khác ở ĐBSCL như An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Tháp và TP.Cần Thơ, thông tin từ các vựa cho hay, mua mít Kem lớn (hoặc mít Nhất) từ 30.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ (mít Nhì) từ 20.000 đồng/kg.
Còn các thương lái vào vườn mua mít Kem lớn (hoặc mít Nhất) từ 28.000 đồng/kg và mít Kem nhỏ (mít Nhì) từ 17.000 - 18.000 đồng/kg.
Hiện mít loại Ba và mít chợ vẫn giữ giá như những ngày trước đó, cụ thể nằm ở mức 11.000 đồng/kg đối với giá thu mua tại vựa và từ 9.000 đồng/kg đối với giá mua tại vườn.
Anh Huỳnh Văn Huy ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho hay, do giá mít Thái tăng, vài tuần trở lại đây, nhiều hộ dân ở xã Long Thạnh đã tranh thủ để bông, làm trái. Ngoài ra, còn tăng cường bón phân, dưỡng cây sao cho mau có trái bán.
Tuy nhiên, theo anh Huy, bên cạnh những hộ dân chú trọng vào chất lượng trái, chỉ để trên cây từ 1-3 trái, đặc biệt chỉ để 1 trái duy nhất trên nhánh, thì vẫn có nhiều hộ để trái nhiều hơn.
"Nhiều hộ để trái trên cây quá nhiều, nhất là nhánh cái để hơn 1 trái làm cho trái bị cạnh tranh dinh dưỡng rất khó phát triển nhanh và tròn đều được. Theo tôi, 1 nhánh cái chỉ để 1 trái là đủ, trái này không bị cạnh tranh dinh dưỡng nên phát triển bình thường, dễ đạt mít Kem lớn hoặc mít Nhất, bán được giá cao" - anh Huy nói.
Anh Huy nói thêm: "Nhiều hộ dân thấy giá mít tăng nên để trái nhiều, rồi bón thật nhiều phân thuốc thúc trái. Cách này rất nguy hiểm cho sức sỏe của cây mít, làm cho cây mau kiệt sức và bị bệnh xì mủ sau khi thu hoạch trái, rất khó trị".
Cũng như anh Huy, một số hộ dân ở cùng xã Long Thạnh cho hay, mỗi nhánh chỉ chừa lại 1 trái mít. Nhánh cái này phải khỏe, không quá gần đất cũng không cao quá sẽ rất khó kiểm soát. Trong quá trình nuôi trái, phải bón định kỳ lượng ít phân bón để trái đạt trọng lượng tốt nhất có thể.