Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hội An cho biết, đã tạm giữ để điều tra hành vi Cướp giật tài sản đối với Trần Văn Sinh (25 tuổi, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn).
Tối 31/8, Sinh chạy xe máy trên nhiều tuyến phố Hội An tìm kiếm du khách để tài sản sơ hở để cướp giật.
Anh ta đến đường Hai Bà Trưng (xã Cẩm Hà), phát hiện nữ du khách nước ngoài đi xe đạp cùng bạn trai để túi xách trong giỏ xe. Sinh áp sát, vượt lên từ phía sau giật lấy chiếc túi rồi tẩu thoát.
Với thủ đoạn tương tự, tối hôm sau, Sinh tiếp tục giật túi xách của một khách nước ngoài, lấy tài sản có giá trị và vứt đồ còn lại xuống sông.
Từ trình báo của bị hại, cảnh sát trích xuất hình ảnh từ hệ thống camera giám sát an ninh và camera trên các tuyến phố.
Chiều 2/9, Sinh đang chạy xe trên đường Lạc Long Quân thì bị bắt giữ. Người này đã khai nhận hành vi.
Nhà chức trách đang cho người mò lặn dưới sông để tìm kiếm, thu hồi tang vật mà Sinh phi tang.
Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, cướp giật tài sản là hành vi công khai chiếm đoạt tài sản của người khác một cách nhanh chóng và bất ngờ rồi tẩu thoát để tránh sự phản kháng của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản.
Đặc điểm nổi bật của tội cướp giật tài sản là người phạm tội lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản để nhanh chóng giật lấy tài sản mà người quản lý khó có thể giữ được hoặc giằng lại được.
Tính chất công khai, trắng trợn của hành vi cướp giật tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội không giấu diếm hành vi phạm tội của mình, trước, trong hoặc ngay sau khi bị mất tài sản người bị hại biết ngay người giật tài sản của mình. Tội cướp giật tài sản quy định tại Điều 171 Bộ luật hình sự 2015.
Theo bà Thơ, giống như tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản cũng được thực hiện do cố ý. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản.
Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi giật tài sản. Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc để xác định tội danh.
Về hình phạt, bà Thơ cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 171, người nào cướp giật tài sản của người khác sẽ bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 sẽ bị phạt tù từ 3 đến 10 năm. Đây là các trường hợp cho thấy mức độ nguy hiểm cao hơn của hành vi so với trường hợp tại khoản 1 Điều 171.
Các trường hợp cụ thể bao gồm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 đến dưới 200 triệu đồng…
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp tại khoản 3 sẽ bị phạt tù từ 7 đến 15 năm. Các trường hợp đó là: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 đến dưới 500 triệu đồng; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh…
Phạm tội mà thuộc trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; Làm chết người…sẽ bị phạt tù từ 12 đến 20 năm theo quy định tại khoản 4 Điều 171.
Như vậy, nếu bị chứng minh là có tội cướp giật tài sản, tùy tính chất mức độ, người phạm tội có thể đối mặt với các khung hình phạt như đã phân tích như trên.