Nghệ sĩ Kim Tử Long được tòa miễn phạt vì tận tụy với nghề…có đúng pháp luật?
Nghệ sĩ Kim Tử Long được tòa miễn phạt vì tận tụy với nghề… có đúng pháp luật?
Quang Trung
Thứ bảy, ngày 03/09/2022 18:02 PM (GMT+7)
Luật sư đã bình luận về việc TAND huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt nghệ sĩ Kim Tử Long 30 triệu đồng vì tội "Đánh bạc" nhưng lại cho miễn đóng phạt vì bị cáo là NSƯT, tận tụy với nghề…
Nghệ sĩ Kim Tử Long được tòa miễn phạt vì tận tụy với nghề…
Viện KSND tỉnh Vĩnh Long vừa có kháng nghị phúc thẩm một phần bản án sơ thẩm của TAND huyện Trà Ôn theo hướng tuyên hình phạt tù có thời hạn nhưng không cho hưởng án treo đối với bị cáo Nguyễn Hoàng Việt (SN 1982, ngụ tỉnh Cà Mau) và không áp dụng Điều 54 Bộ luật hình sự miễn hình phạt đối với bị cáo Hoàng Kim Long (tức nghệ sĩ Kim Tử Long).
Trước đó, ngày 17/4, TAND huyện Trà Ôn đã đưa ra xét xử vụ án sơ thẩm đánh bạc tại xã Tích Thiện, trong đó có 8 bị cáo trực tiếp tham gia đánh bạc.
Theo cáo trạng, rạng sáng ngày 26/6/2013, Công an huyện Trà Ôn đã ập xuống sà lan đậu trên sông trước một đám cưới ở xã Tích Thiện. Có 27 đối tượng đang tham gia đánh bạc dưới hình thức lắc tài xỉu, trong đó có nghệ sĩ Kim Tử Long.
Bị cáo Hoàng Kim Long khai nhận chỉ tham gia đánh 3 ván với số tiền lần lượt là 200.000 đồng, 300.000 đồng và 500.000 đồng. Kết quả ván 1, 2 thua, ván thứ 3 thắng.
Việc tham gia đánh bạc, bị cáo Long khai nhận là do tình cờ. Sau khi hát ở đám cưới xong, bị cáo đi xuống sà lan tìm tài xế ô tô. Tại đây, nhiều người hâm mộ đề nghị bị cáo Long tham gia với ý định góp vui, không nhằm mục đích sát phạt.
TAND huyện Trà Ôn đã tuyên phạt bị cáo Việt 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo vì nhân thân rõ ràng, bà nội là người có công. Có 3 bị cáo bị phạt từ 6 tháng đến 1 năm tù, 3 bị cáo bị phạt hành chính 35 triệu đồng.
Đối với bị cáo Hoàng Kim Long, tòa tuyên xử phạt 30 triệu đồng nhưng được miễn hình phạt. Lý do được đưa ra vì bị cáo Long là NSƯT, có tài năng nghệ thuật, tận tụy với nghề và có tinh thần phục vụ nhân dân.
Nghệ sĩ Kim Tử Long được tòa miễn phạt có đúng pháp luật?
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, miễn hình phạt là trường hợp cụ thể khi tòa án quyết định hình phạt, tòa án quyết định miễn cho pháp nhân thương mại hoặc người phạm tội hình phạt mà đáng ra họ phải chịu theo quy định Bộ luật hình sự.
Dẫn chiếu quy định tại Điều 59 Bộ luật hình sự 2015, điều kiện để người phạm tội được miễn hình phạt bao gồm:
Thứ nhất, về điều kiện cần: Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 Bộ luật hình sự 2015.
Cụ thể khoản 1, 2 Điều 54 quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng thể hiện:
Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.
Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể".
Thứ hai, điều kiện đủ để người phạm tội được miễn hình phạt, đó là người phạm tội "đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự".
Thứ ba, phân loại tội phạm được miễn hình phạt: Theo quy định tại Điều 59 BLHS 2015, có thể thấy rằng, bất cứ tội gì cũng có thể được miễn hình phạt, không phân biệt tội đó là tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Từ phân tích trên, luật sư Bình cho biết, miễn hình phạt được hiểu là không buộc một người phải chịu trách nhiệm hình phạt về tội mà người đó đã thực hiện.
Hình phạt là một biện pháp cưỡng chế của Nhà nước không chỉ có mục đích trừng trị mà còn nhằm giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới.
Hình phạt là hậu quả pháp lý của tội phạm. Do đó, đã phạm tội sẽ không thoát khỏi bị trừng phạt.
Thế nhưng trong thực tế cũng có trường hợp nếu việc áp dụng hình phạt không đạt được mục đích của hình phạt hoặc trái với nguyên tắc nhân đạo của Luật hình sự thì không cần thiết phải áp dụng hình phạt.
"Như vậy, xét quy định trên, việc TAND huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt nghệ sĩ Kim Tử Long 30 triệu đồng vì tội "Đánh bạc" nhưng lại cho miễn đóng phạt là cũng có cơ sở" – luật sư Bình nêu quan điểm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.