The New York Times đầu tuần này đưa tin, Nga đang mua "hàng triệu quả đạn pháo và tên lửa của Triều Tiên" để phục vụ cho cuộc chiến ở Ukraine khi các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Moscow làm gián đoạn chuỗi cung ứng của nước này.
The Times trích dẫn thông tin tình báo mới được giải mật của Mỹ nhưng cho biết Washington đã cung cấp rất ít thông tin về loại vũ khí, số lượng đơn hàng mà Moscow đang mua từ Triều Tiên.
Jack Watling, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Liên hiệp Anh (RUSI), nói với NK News hôm 6/9 rằng các báo cáo của tình báo Mỹ là chính xác.
“Người ta đã xác định khá rõ rằng Nga đã nỗ lực thu mua vũ khí dự trữ từ tháng 2/2022 theo bất kỳ cách nào họ có thể, bao gồm cả từ Triều Tiên", ông Watling và nhắc đến các loại đạn pháo thường được sử dụng trong các loại pháo cỡ 152mm và 122mm.
Ông Watling cho biết hoạt động mua vũ khí của Triều Tiên được biết đến rộng rãi trong giới tình báo, nhưng từ chối xác định nguồn gốc của thông tin này.
Vị chuyên gia này nói thêm rằng, Moscow không chỉ mua vũ khí từ Triều Tiên mà đã tiến hành một nỗ lực có hệ thống nhằm tìm kiếm nguồn cung toàn cầu. “Nga đã đến một số lượng lớn các quốc gia mà họ đã cung cấp các loại đạn pháo trước đây để mua lại những quả đạn này. Và Triều Tiên sử dụng nhiều pháo có cỡ nòng tương tự các hệ thống pháo mà Nga đang có trong biên chế", ông Watling nhấn mạnh.
Các chuyên gia khác cũng bình luận trên NK News rằng, Bình Nhưỡng có thể và sẵn sàng giao vũ khí với số lượng lớn nếu Moscow muốn mua.
Ông Go Myung-hyun thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Asan cho biết Triều Tiên có khả năng "tự cung tự cấp về vũ khí" và nước này có "rất nhiều" pháo 122mm và 152mm.
Ông nói: “Triều Tiên luôn tìm cách bán vũ khí cho bất cứ ai".
Joost Oliemans, một chuyên gia về khả năng quân sự của Triều Tiên cũng lưu ý rằng Bình Nhưỡng có "số lượng lớn các loại vũ khí" Nga cần và cũng có thể sản xuất vũ khí mới để xuất khẩu.
Theo ông Go, Triều Tiên có thể vận chuyển vũ khí cho Nga mà không gặp nhiều khó khăn vì họ có một tuyến đường sắt tuyệt vời với Nga qua Tumangang và Khasan.
Triều Tiên đã tìm cách thắt chặt quan hệ với Nga khi Moscow bị cô lập bởi phần lớn châu Âu và phương Tây vì cuộc chiến ở Ukraine. Triều Tiên đã đổ lỗi cho Mỹ về cuộc khủng hoảng Ukraine và chỉ trích "chính sách bá quyền" của phương Tây là nguyên nhân dẫn đến hành động quân sự của Nga ở Ukraine để bảo vệ chính mình.
Triều Tiên từng ám chỉ việc cử công nhân của nước này đến giúp xây dựng lại các vùng lãnh thổ Nga đang kiểm soát ở phía đông Ukraine.
Vào tháng 7, Triều Tiên trở thành quốc gia duy nhất ngoài Nga và Syria công nhận nền độc lập của các lãnh thổ Donetsk và Lugansk, thuộc vùng Donbass, miền Đông Ukraine.