Clip Điện Kính Thiên 500 tuổi ở Hà Nội. Thực hiện: Bích Thuận - Thảo Quyên.
Nằm ở Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long từ thời Lê sơ, Điện Kính Thiên được biết đến là chính điện quan trọng nhất ở cấm thành xưa, là nơi cử hành các nghi lễ long trọng của triều đình. Điện Kính Thiên được xây dựng vào năm 1428 dưới thời vua Lê Thái Tổ và được hoàn thiện vào đời vua Lê Thánh Tông.
Đến năm 1886, điện bị quân Pháp phá hủy gần như hoàn toàn, hiện chỉ còn di tích thềm bậc và nền điện còn sót lại, được bảo tồn nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Theo tài liệu lịch sử, thềm rồng đá được xây dựng vào năm 1467 thuộc dòng rồng Đế Vương - là biểu tượng cho quyền lực của nhà vua. Di tích thềm rồng đá được đánh giá có kích thước và hoa văn đặc biệt, không bắt gặp hay lặp lại ở bất kỳ di tích, di vật cùng loại nào.
Thềm bậc được đặt theo hướng chính Nam, có kích thước bề ngang 13,7m, bề dọc 4,45m và cao 2,1m; còn đôi rồng đá được xem như di sản kiến trúc nghệ thuật, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ.
Phát triển trên cơ sở Nho Giáo trong hình tượng rồng, tượng đôi rồng đá được chạm khắc tinh xảo từ đá xanh, với tạo hình đầu to và vươn cao, miệng ngậm ngọc, sừng dài và áp sát thân rồng tạo cảm giác dữ tợn, uy nghi.
Đôi Rồng được tạo uốn khúc, trườn từ trên nền thềm điện xuống (đặt lối lên chính giữa), đầu rồng ngẩng cao, thân rồng tròn, uốn 7 khúc mềm mại. Rồng có 4 chân, mỗi chân được diễn tả ở một tư thế khác nhau.
Cũng ở bậc thềm rồng này, còn có 2 hai lan can cách điệu hình mây hóa rồng ở 2 bên. Đây là hai tảng đá nguyên khối dài 5,3m. Mặt trong và ngoài của lan can khắc chìm các hoa văn, họa tiết cầu kỳ. Những họa tiết này được đánh giá rất cao về giá trị nghệ thuật cũng như độc đáo trong phong cách thể hiện văn hóa người Việt.
Ngoài gây ấn tượng về mặt thị giác, đồ án sen dây trên mặt ngoài của thành bậc còn phản ánh ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo đồng thời thể hiện sự biến chuyển từ hình tượng tả thực hoa sen thời Lý - Trần sang mô típ pha trộn các loại hoa sen-hoa cúc-hoa mẫu đơn.
Còn ở mặt sau, hướng Bắc của nền Điện Kính Thiên là thềm 7 bậc nhỏ hơn với 2 con rồng đá mang niên đại Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII – XVIII ) và lan can 2 bên. Bộ thành bậc điện Kính Thiên là bộ bậc đá duy nhất của kiến trúc chính diện thời Lê sơ vẫn hiện còn. Khác hoàn toàn với các bậc đá thời Lê Trung Hưng vẫn còn khá nhiều cho đến ngày nay, nhưng về giá trị nghệ thuật và ý nghĩa biểu trưng của các bộ thành bậc đó không thể so sánh với bộ thành bậc đá Điện Kính Thiên.
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, thềm rồng đá đã luôn lặng lẽ nằm đó hơn 500 năm, chứng kiến bao sự thay đổi, phồn vinh của ba thời đại Lê sơ, Mạc, Nguyễn. Mặc dù phần chính điện đã bị phá hủy, nhưng nhìn vào những dấu tích còn sót lại của thềm bậc rồng, có thể phần nào khắc họa được sự nguy nga của Điện Kính Thiên lúc huy hoàng.
Ngày nay, không gian nơi này đã trở thành một di tích "kép" cho cả hai thời đại: Điện Kính Thiên của Hoàng thành Thăng Long xưa và Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam- di tích lịch sử quan trọng trong dòng lịch sử hiện đại Việt Nam.
Nơi đây cũng thường xuyên tổ chức sự kiện văn hóa lớn, trưng bày, triển lãm các công trình, tác phẩm nghệ thuật thu hút đông đảo người dân và du khách tới thưởng lãm.
Chị Lê Thị Trang (21 tuổi) khách thăm quan khu di tích Hoàng Thành Thăng Long chia sẻ: "Tôi rất ấn tượng với kiến trúc thềm bậc Điện Kính Thiên, từng chi tiết điêu khắc của nó rất tinh xảo, được bảo tồn gần như nguyên vẹn, khiến tôi cảm giác như được chạm vào một phần của lịch sử".
Ngoài những giá trị về mặt nghệ thuật và lịch sử, thềm bậc rồng Điện Kính Thiên còn mang đậm tư tưởng chống đồng hóa từ phương Bắc, sự chuyển biến trong hoa văn của bậc thềm đến dáng hình của đôi tượng rồng đã thể hiện được sự nối tiếp văn hóa Lý – Trần rất rõ rệt.
Đặc biệt, di tích thềm bậc rồng còn là nguồn tư liệu quan trọng cho việc phục dựng lại Điện Kính Thiên, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2030. Tháng 12/2020, với thần thái mỹ thuật Lý - Trần và tính sáng tạo đặc biệt của thời Lê Sơ, rồng đá Điện Kính Thiên đã được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam.