CLIP: Quy trình cấp mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. Nguồn: Cục Bảo vệ thực vật.
Tối 7/9, trao đổi với Dân Việt, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT) cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa chính thức phê duyệt 51 mã số vùng trồng, 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là một kết quả rất đáng mừng cho thấy đa số các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Trung Quốc.
"Đây là nỗ lực rất lớn của các cán bộ Hải quan Trung Quốc trong việc kiểm tra trực tuyến đánh giá các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện để được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cho thấy thiện chí của phía Trung Quốc với một loại nông sản rất nổi tiếng của Việt Nam", ông Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.
Được biết, từ ngày 12/8/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cử 25 cán bộ tiến hành kiểm tra trực tuyến 29 cơ sở đóng gói, 106 mã số vùng trồng sầu riêng, cơ sở đóng gói của Việt Nam để cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nhằm chuẩn bị tốt cho đợt kiểm tra này, phía Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cũng bố trí 22 chuyên gia cùng đội ngũ phiên dịch để hỗ trợ ngôn ngữ cho các cơ sở đóng gói và vùng trồng sầu riêng trong suốt quá trình Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra.
Ông Nguyễn Thanh Phong, cán bộ quản lý một vườn sầu riêng của Công ty Chánh Thu ở xã Tân Hưng, Hớn Quản, Bình Phước cho biết, trong đợt đánh giá này, vườn đã được cán bộ Hải quan Trung Quốc đánh giá rất cao.
Phía Hải quan Trung Quốc liên tục đưa ra những câu hỏi liên quan đến việc canh tác, chăm sóc sầu riêng, tại từng vườn sầu riêng, cán bộ kỹ thuật phải có máy quay quay cận cảnh từng cây một để cán bộ hải quan Trung Quốc theo dõi qua zoom.
Chia sẻ bí quyết để đạt được độ tín nhiệm cao của các cán bộ Hải quan Trung Quốc, ông Phong cho biết: "Các nhà vườn, cơ sở đóng gói cần nghiên cứu thật kỹ các quy định của Nghị định thư và hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật, trong quá trình diễn giải phải đảm bảo sự logic, quan trọng là phải làm thật với chất lượng thật. Như vườn sầu riêng này của Chánh Thu đã đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu đi Mỹ, Nhật Bản, sầu riêng từ vườn này đã được cấp đông để xuất khẩu nên chúng tôi hoàn toàn tự tin"- ông Phong nói.
Cũng theo ông Ngô Xuân Nam, đại diện Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, quá trình kiểm tra đánh giá trực tuyến các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam kết thúc vào ngày 3/9/2022.
Sau quá trình rà soát, đánh giá hồ sơ, với sự vào cuộc của gần 30 chuyên gia của Hải quan Trung Quốc, đến hôm nay việc kiểm tra đã hoàn tất, với 51 mã số vùng trồng, 25 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.