Sáng 8/9, trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Văn Thanh – Trưởng Phòng giáo dục và đào tạo huyện Anh Sơn, Nghệ An cho biết, sáng cùng ngày đã có một số em thuộc khối 9 trường THCS Khai Lạng đến lớp, trong khi đó tại các khối 6, 7 và 8 thì đã có hơn 50% số học sinh đến lớp.
Trước đó, sáng 7/9, nhiều phụ huynh tập trung trước cổng Trường THCS Khai Lạng cơ sở 2, đóng ở xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An để yêu cầu lãnh đạo địa phương, nhà trường giải quyết nội dung phản đối sáp nhập trường.
Thời điểm này, một số học sinh đến trường nhưng phụ huynh không cho vào lớp học. Nhiều phụ huynh đưa ra ý kiến, đề nghị xem xét việc sáp nhập hai trường THCS Khai Sơn và Lạng Sơn.
Sau lễ khai giảng năm học mới, có 53 học sinh thuộc khối lớp 9 ở xã Lạng Sơn dù đã được chuyển sang cơ sở 1 nhưng các em vẫn đến trường cũ. Do ở trường cũ không còn phòng học cho khối lớp 9 nên các em phải ra về.
Các phụ huynh nơi đây cho rằng, việc sáp nhập 2 trường nên quãng đường đến trường của các cháu rất xa, lại phải đi qua đường Hồ Chí Minh với lưu lượng phương tiện lớn nên nguy hiểm. Bởi thế, nếu các cháu đạp xe đi học tại điểm trường mới thì bố mẹ không yên tâm. Trong khi đó bố mẹ đưa đón hằng ngày cũng vất vả.
Cùng chung với ý kiến trên nhiều phụ huynh còn băn khoăn việc đưa con em của xã về học tại điểm chính ở xã Khai Sơn có nhiều điều chưa hợp lý. Trong đó cơ sở vật chất của trường mới chưa đảm bảo cho toàn bộ học sinh THCS của hai xã. Việc đi lại của các cháu từ lớp 6 đến lớp 8 từ Lạng Sơn sang Khai Sơn rất vất vả.
Bên cạnh đó nhiều các phụ huynh cho rằng xã Lạng Sơn vốn có truyền thống hiếu học, trường THCS Lạng Sơn là đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Anh Sơn có cơ sở vật chất phòng học hai tầng. Vì vậy, nếu sáp nhập trường sang xã khác Lạng Sơn sẽ không còn trường THCS, làm mai một truyền thống của địa phương.
Sau đó vì nhận được nhiều ý kiến của phụ huynh tại xã Lạng Sơn nên UBND huyện Anh Sơn tạm dừng đề án sáp nhập. Trong bốn năm học qua, mới chỉ riêng học sinh khối 9 được chuyển về học điểm trường chính, học sinh các khối 6, 7 và 8 vẫn học ở điểm trường cũ.
Trong năm học 2022 – 2023, UBND huyện Anh Sơn quyết định tạm thời để các khối 6, 7 và 8 học ở điểm trường cũ mặc dù điều này khiến các giáo viên gặp nhiều khó khăn. Học sinh khối 9 thuộc xã Lạng Sơn học tại điểm trường chính như những năm khác.
Ngay sau khi có thông tin, huyện Anh Sơn đã mở cuộc họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giáo viên và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn. Trước mắt huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu được chủ trương sáp nhập trường lớp và từ đó tạo ra sự đồng thuận sớm đưa con em đến lớp.
Ông Đoàn Văn Thanh cho biết, hiện đơn vị đang tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương để vận động, tuyên truyền để phụ huynh học sinh hiểu. Bên cạnh đó cũng chỉ đạo nhà trường, cô giáo làm tốt công tác tư tưởng giúp học sinh đến lớp ổn định tâm lý, đồng thời có kế hoạch dạy bù kiến thức cho học sinh. Quyền lợi của các học sinh là vấn đề ưu tiên hàng đầu.
Xuất phát từ thực tế quy mô trường lớp và phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường lớp của huyện Anh Sơn, đề án sáp nhập trường THCS Lạng Sơn và trường THCS Khai Sơn thành trường THCS Khai Lạng được thực hiện từ năm 2018 với mục tiêu tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục đối với các đơn vị có quy mô trường lớp nhỏ. Theo lộ trình, đến năm học 2019 - 2020, toàn bộ học sinh THCS tại xã Lạng Sơn sẽ chuyển về trường chính THCS Khai Lạng. Đồng thời bàn giao cơ sở vật chất trường THCS Lạng Sơn (cũ) về cho trường tiểu học trên địa bàn quản lý.
Mục tiêu của đề án là tập trung đầu tư cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, giảm bớt đầu mối quản lý, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ viên chức phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi ngân sách.