Lập biên bản phụ huynh vì không cho con tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở Móng Cái: Hiểu sai quy định?

Quang Trung Thứ ba, ngày 06/09/2022 11:01 AM (GMT+7)
Chuyên gia pháp lý cho biết, hiện nay pháp luật Việt Nam không bắt buộc công dân phải tiêm phòng Covid-19, chỉ khuyến khích, động viên nên ủy ban phường ở TP Móng Cái lập biên bản vi phạm hành chính đối với phụ huynh là trái luật.
Bình luận 0

Phụ huynh bị lập biên bản vi phạm hành chính vì không cho con tiêm vắc xin Covid-19

Lãnh đạo UBND TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã xác nhận UBND phường Trần Phú đã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế đối với một phụ huynh không cho con đi tiêm vắc xin phòng Covid -19.

Lập biên bản vi phạm hành chính phụ huynh không cho con tiêm vắc xin Covid-19 là đúng hay sai? - Ảnh 1.

UBND phường Trần Phú, TP Móng Cái lập biên bản vi phạm hành chính đối với trường hợp phụ huynh không cho con mình tiêm vắc xin Covid-19. Ảnh: Cổng TTĐT TP Móng Cái.

Cụ thể chiều 4/9, UBND phường Trần Phú lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế đối với trường hợp phụ huynh không cho con đi tiêm chủng vắc xin phòng Covid -19.

Căn cứ để lập biên bản được UBND phường Trần Phú đưa ra là dựa trên Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm ban hành năm 2007, một số nghị định và quyết định số 219 năm 2020 của Bộ Y tế về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A, theo quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Tuy nhiên, trong biên bản người được UBND phường cho là có vi phạm đã nêu rõ ý kiến là "không đồng ý cho con tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19". 

Người này cũng không ký biên bản với lý do "tôi không vi phạm hành chính".

Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, UBND phường Trần Phú lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế đối với trường hợp phụ huynh không cho con đi tiêm chủng vắc xin phòng Covid -19 là đúng hay sai?

Hiểu sai quy định?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho biết, việc lập biên bản vi phạm hành chính vì không đăng ký cho con tiêm vắc xin Covid-19 là hành vi hành chính có thể bị khiếu kiện. Bởi hành vi này chưa phù hợp với quy định pháp luật và có tính chất cực đoan trong phòng chống dịch bệnh.

Lập biên bản vi phạm hành chính phụ huynh không cho con tiêm vắc xin Covid-19 là đúng hay sai? - Ảnh 3.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội). Ảnh: NVCC

Theo ông Cường, trải qua 3 năm dịch bệnh, đến nay hầu hết người dân đã hiểu, thậm chí thấm thía những hậu quả mà dịch bệnh gây ra đối với con người và xã hội. Cho đến nay, Covid-19 vẫn chưa có thuốc đặc trị dứt điểm, giải pháp tích cực, hiệu quả nhất với tất cả các quốc gia vẫn là tiêm phòng vắc xin và cách ly y tế.

Chủ trương tiêm vắc xin là đúng đắn và được đại đa số người dân Việt Nam hưởng ứng tích cực. Sau khi tiêm phòng đại trà, cơ bản dịch bệnh đã được kiểm soát, tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trong trạng thái bình thường mới, không còn áp dụng các biện pháp cách ly xã hội…

Tuy nhiên, ông Cường cho biết, pháp luật Việt Nam hiện nay không bắt buộc tiêm vắc xin phòng Covid-19, chỉ khuyến khích, động viên và quyết định cuối cùng thuộc về người dân.

Từ Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 đến các văn bản dưới luật đều quy định là khuyến khích, vận động nhân dân tiêm ngừa vắc xin Covid-19, loại vắc xin này không đưa vào diện bắt buộc phải tiêm cho các đối tượng, trong đó có trẻ em.

“Hiện nay có 12 loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm cho trẻ em được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Tuy nhiên vắc xin Covid-19 chưa có tên trong danh sách này. Ngoài ra, theo phần phân loại bệnh truyền nhiễm trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) cũng chưa được đưa vào danh sách. Trong biên bản, UBND phường Trần Phú cũng dẫn Quyết định số 219/QĐ-BYT ngày 29/01/2020 của Bộ Y tế về việc bổ sung Covid-19 vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nhưng đây chỉ là quyết định hành chính nên không thể làm căn cứ để xử phạt” – ông Cường phâm tích.

Nếu pháp luật quy định bắt buộc phải tiêm, người không chấp hành mới bị lập biên bản, bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí còn có thể bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu như không tuân thủ việc tiêm phòng, làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Bởi vậy, việc địa phương trên lập biên bản vi phạm hành chính đối với trường hợp phụ huynh không đăng ký cho con tiêm phòng vắc xin là không đúng quy định của pháp luật.

Việc lập biên bản vi phạm hành chính chỉ được áp dụng khi có hành vi vi phạm hành chính và việc lập biên bản vi phạm là căn cứ để ra quyết định xử phạt.

Nếu lập biên bản vi phạm mà tổ chức cá nhân không có hành vi vi phạm hoặc lập biên bản vi phạm mà không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Người lập biên bản, chỉ đạo lập biên bản phải hủy bỏ biên bản này và xin lỗi công khai, nếu gây thiệt hại sẽ phải bồi thường thiệt hại cho người bị lập biên bản.

Trong vụ việc này, phụ huynh bị lập biên bản có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Thông tin với báo chí, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh xác nhận việc tiêm vắc-xin cho học sinh phải xin ý kiến cha mẹ, người giám hộ của trẻ và không được phép ép buộc.

Ngành y tế tỉnh Quảng Ninh chưa có văn bản hoặc chỉ đạo bắt buộc các địa phương phải tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ. Thay vào đó, địa phương chỉ tuyên truyền, động viên, hướng dẫn đến người dân và cha mẹ học sinh hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem